(Thethaovanhoa.vn) - Đây là suy nghĩ thôi thúc trong tôi nhiều năm nay. Và nó càng trở thành cơn nhức nhối ở năm thứ 21 tôi theo văn nghiệp.
- Hội Nhà văn Hà Nội: Tự hào tôn vinh 'tác phẩm tầm cỡ' của Nguyễn Bình Phương
- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015: Nặng ký và khác lạ
- Hội Nhà văn Hà Nội chính thức công bố giải thưởng văn học 2015
1. Hội Nhà văn Hà Nội hiện có 644 hội viên, đông nhất trong các hội nghề nghiệp địa phương cả nước, nhưng lực lượng hội viên tuổi U40 không đạt nổi số người bằng số ngón một bàn tay. Một bàn tay thì không thể tạo nên tiếng vỗ tay, không thể khum che ngọn lửa.
Mất 22 năm Hội Nhà văn Hà Nội mới tổ chức được Hội nghị Những người viết văn trẻ lần 2 vào mùa Thu năm 2015. Ai đủ sức chờ “đi hội” lần nữa, dù chỉ mất 1/4 khoảng thời gian nói trên, bởi chỉ 1 nhịp 5 năm/lần Đại hội cũng dễ dàng biến người ta sang khung tuổi khác: Thanh niên thành trung niên, trung niên thành lão niên, thậm chí từ giã cõi đời.
Tôi cứ nghĩ mãi: ai để họ, những người viết trẻ đứng bên lề, sao họ lại phải chịu đứng đó? Tương lai của bất cứ quốc gia nào đều trông đợi và hy vọng vào lực lượng thanh niên. Trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên, chăm chút của những quốc gia văn minh. Dân số già là sự lo lắng, vấn nạn, tình trạng báo động, dẫu đó là một siêu cường châu Á như Nhật Bản.
Tôi lấy làm lạ khi Việt Nam95 triệu dân, đất nước đang phát triển với cơ cấu công dân được coi là dân số trẻ, nhưng đặc trưng của các hội nghệ thuật là rất đông hội viên già, nếu không nói là chủ yếu.
Cốt lõi vấn đề là gì? Những người trẻ yêu quý văn chương ngày càng ít. Họ chọn hoạt động độc lập hay thích tự khám phá? Hay bởi các Hội không có chính sách ưu đãi, gọi mời hấp dẫn?
Khác với lĩnh vực kinh tế, các tỉnh, thành phố, quốc gia đưa ra những chính sách thu hút đầu tư, lợi ích và lãi suất có thể dự đoán được; thì sự đầu tư trong nghệ thuật không thể áp dụng bằng những công thức cố định.
Khái niệm trẻ - già luôn dễ dang dẫn đến tranh cãi, mâu thuẫn, thậm chí là chia rẽ, phân biệt. Có người trẻ tài ít mà bày đặt nói giọng đại sự, là “ông/bà cụ non”. Có người già lại mang tâm hồn trẻ trung, sức viết dồi dào, trăn trở đổi mới. Khái niệm trẻ - già xét theo tuổi đời có lằn ranh mềm ở năng lực, biên độ tư duy của tâm hồn, khả năng dám khác.
2. Tôi là trẻ nhất (cả ở tư thế người được kết nạp lẫn hội viên) khi vào Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000 và Hội Nhà văn VN năm 2007. Bằng ấy năm, tôi đã thấy, người trẻ gần như không có chân trong ban, hội đồng chuyên môn, hình như chẳng bao giờ được nghĩ đến việc bầu cử vào BCH.
Trẻ là sung sức nhưng thường bị coi là “non nớt” hay ấu trĩ cho rằng: xét tuổi là con, cháu sao lại vượt cấp người già? Chúng ta đã tụt lùi về tư duy, không bằng thế hệ trước. Thời mà đời sống vật chất còn thiếu thốn, đất nước còn gian khó, giá trị tinh thần được trân trọng, đồng nghiệp, công chúng, xã hội sẵn sàng tôn vinh tác giả có tài khi họ đang rất trẻ, trao những chức trách cho họ khi họ ở tuổi trên dưới 30, như thời Nguyễn Đình Thi.
Sự cấp tiến, đột phá không phải ở việc nới lỏng tiêu chí kết nạp để lấy số lượng ào ạt theo đám đông phong trào mà là khuyến khích, khơi gợi và nâng niu những hạt giống tốt, những mầm chồi, cành xanh đầy sức sống và cống hiến
Tôi không tin việc những người viết trẻ quay lưng lại hội đoàn, song tại sao họ lại vắng mặt trong các cuộc họp, Đại hội- những sự kiện quần tụ, tập hợp?
Gần một thế kỉ trước đã có phong trào Làn sóng mới trong điện ảnh Ý, gần hết 2 thập niên của thế kỉ 21 lẽ nào làn sóng mới của nền Văn học VN vẫn là ước mơ? Những người viết trẻ đang ở đâu? Họ mâu thuẫn nhau hay mâu thuẫn với ai? Hay mâu thuẫn với chính mình? Họ viết văn chỉ vì thích, tùy hứng. Mấy ai đam mê sống chết, bởi nghề văn là lao động khắc nghiệt, dấn thân là nhọc mệt, thiệt thòi. Ít người trẻ chọn văn chương làm nghiệp chung thân bởi xu hướng thực dụng và ích kỉ ngày càng lớn trong xã hội.
Một nhiệm kì nữa, tôi sẽ qua tuổi 40, thế hệ sau tôi là ai, có những ai? Quá nhiều câu hỏi mà chỉ thấy âm vọng tự vang như echo bởi chính tôi cũng không tìm được nổi một lực lượng đo hết chiều sâu, sự muốn của thế hệ người viết như tôi. Ai nhìn thấy màu tóc thật của thời nay, khi mọi loại tóc đều dễ biến hình bằng “nhuộm”. Không tham vọng là người lĩnh xướng vì không thích đồng ca, tôi muốn có tiếng nói, tiếng hát riêng trong hợp âm đồng thanh của khát vọng được viết, được cống hiến.
Đại hội Hội Nhà văn HN khoá 12 diễn ra ngày 8-9/8/2017 tại khán phòng Nhà hát (tầng 1) Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa
Tags