Gian nan đường vào bản
Từ Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh chúng tôi đã vượt quãng đường gần 300km mới đến được bản Sài Khao, nơi còn in dấu chân và chiến công của đoàn quân Tây Tiến anh hùng. Phó Bí thư huyện đoàn Mường Lát - Lò Văn Tuấn là người đã dẫn đường cho chúng tôi về với Sài Khao. Trước khi đi, anh vừa cười vừa đe “ Đường vào bản khó đi lắm đấy, các bạn nhớ cầm chắc tay lái nhé”.
Về Sài Khao hôm nay không còn “ sương lấp” chỉ còn những con đường bụi mù, đường từ xã vào bản nhiều đoạn là đường đất, gồ ghề, khúc khuỷu, chỉ cho phép xe máy đi vào những ngày nắng ráo.
Sài Khao có 73 hộ/ 550 nhân khẩu người Mông gốc Sơn La di cư vào từ năm 1985. Từng cụm người dân sống rải rác trên những đỉnh núi Pha Luông cao vời vợi. Nghề chính của người dân nơi đây là chăn nuôi và làm nương rẫy. Bản được xem như là tâm điểm đói của của xã Mường Lý với rất nhiều con số “không”: không điện, không nước sạch, không chợ, không có đường nhựa, không thông tin liên lạc.
Hiện tại vẫn chưa có đường nhựa từ xã vào bản, người dân phải "đánh vật" với đèo cao, suối sâu hàng chục kilômét. Muốn giao lưu, thông thương buôn bán các sản vật của rừng, nương rẫy, bà con Sài Khao phải thuê xuồng máy hoặc đóng luồng thành bè chở xuống thị tứ Co Lương (huyện Mai Châu, Hòa Bình) gần 50km; hay đến thị trấn, bà con phải đi bộ, trèo đèo lội suối đi qua bản Poọng, bản Lát (xã Tam Chung).
Buổi sáng ở Sài Khao hình ảnh những em bé người Mông không có quần, áo để mặc, không có dép để mang trong cái nắng chói chang những ngày cuối tháng tư khiến lòng tôi nghẹn đắng. Điểm trường tiểu học Sài Khao chỉ là đôi ba căn nhà xiêu vẹo rách nát được ghép sơ sài bằng vài tấm gỗ, ngày khai giảng không một tiếng trống vang, mỗi khi đông đến các em ngồi co ro đón từng cơn gió lạnh thổi ào ạt qua, còn khi vào hè nắng và nóng chiếu rát gò má em. Cả trường chỉ có 3 thầy giáo phụ trách dạy 68 học sinh. Thiếu giáo viên không có lớp học nên các em phải học ghép 2 lớp vào một phòng học, bên cạnh trường tiểu học là trường mầm non Sài Khao với 99 cháu và 1 giáo viên.
Dù nhà nghèo, đường đến trường đầy vất vả, gian nan thế nhưng trẻ em ở Sài Khao vẫn rất hiếu học. Mỗi ngày các em từ nhà đến trường phải đi bộ mất 4 tiếng đồng hồ cho quãng đường chỉ chưa đầy 3km. Ở Sài Khao nhà nào cũng đông con, không vì thế mà bà con dân bản quên đi ý nghĩa của cái chữ. Nhà Vàng A Dớ có 6 chị em, là một trong những gia đình nghèo nhất của bản thế nhưng cô chị cả mới học lớp 3 luôn cố gắng học chăm chỉ. Ngay cả những buổi theo bố mẹ lên nương cô bé vẫn mang theo sách vở để tranh thủ học mỗi lúc nghỉ tay.
Khi tôi hỏi: “ Sắp nghỉ hè và đến Tết thiếu nhi rồi các em có muốn gì không?” thì cậu bé Bàng A Co nhìn tôi với đôi mắt đượm buồn suy tư: “Chúng cháu được đến trường là cố gắng của bố mẹ lắm rồi nên không dám mong gì cô ạ. Thấy các bạn ở thành phố được đón Tết thiếu nhi cháu cũng thích lắm nhưng ở đây nghèo thế này, ăn còn không đủ, tổ chức vui chơi thế nào hả cô?” Nếu không nghe, không ngồi tâm sự nào ai biết đây là lời của một cậu bé mới chỉ học lớp 5, khi bằng tuổi em những đứa trẻ thành phố vẫn hàng ngày mè nheo, vòi vĩnh bố mẹ các món quà nọ kia. Lời trẻ thơ buông ra đã khiến niềm vui sau một hồi nô đùa cùng các em của chúng tôi trùng xuống. “ Bộp” vai đau điếng, Thành Trung một thành viên trong chuyến đi cũng là trưởng nhóm Phượt Tình nguyện ánh mắt sáng lấp lánh quay sang nhìn tôi: “ Chúng ta sẽ tổ chức Tết thiếu nhi cho các em, tặng bánh kẹo, sẽ quyên góp quần áo, giày dép, cặp sách để các em đến trường. Với các bé mầm non thì kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo màu sắc sặc sỡ hay các đồ chơi, bút chì màu, giấy vẽ tập tô…”.
Thấy tôi vẫn còn lơ ngơ, anh chàng cười nói: “ Bạn yên tâm. Phượt Tình nguyện là một nhóm các bạn trẻ đến từ nhiều miền trên tổ quốc đang học tập, làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Tuy khác biệt về tuổi tác, chuyên môn nhưng chúng tôi cùng có chung niềm đam mê với phượt và một lòng nhiệt huyết muốn giúp đỡ những gia đình, những con người quanh năm sống trong đói nghèo, lạc hậu ở các vùng quê xa xôi trên mỗi chặng đường. Chúng tôi từng tổ chức nhiều chương trình tình nguyện thành công như tặng quà cho bà con đồng bào dân tộc ở thôn Đề Chơ - xã Làng Nhì và thôn Tà Đằng - xã Tà Si Láng huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Kết hợp với các nhóm khác làm từ thiện ở Cao Bằng, Bắc Kạn rồi”. Ồ, một sáng kiến hay. Tôi gật đầu như bổ củi.
Tạm biệt Sài Khao, quay lại nhìn những tia nắng vàng sậm như mật rót trên đỉnh Pha Luông, chúng tôi cùng hẹn ước sẽ cố gắng tổ chức cho các em một cái Tết thiếu nhi đầy ý nghĩa vào những ngày cuối tháng 5 tới. Giống như bao trẻ em cùng trang lứa trên mọi miền tổ quốc, các em sinh ra đều có quyền được ăn, được học hành, được vui chơi và chăm sóc đủ đầy. khác. Một sự ủng hộ tinh thần cho các em để thấy được rằng các em dù ở những nơi xa xôi nhất cũng không hề bị lãng quên.
Hi vọng chương trình “Tết thiếu nhi cho em” tại bản Sài Khao – xã Mường Lý – Mường Lát (Thanh Hóa) của nhóm Phượt Tình nguyện tổ chức từ ngày 18/5/2012 – 20/5/2012 sẽ nhận được sự quan tâm từ xã hội để chương trình được tổ chức thành công và trẻ em Sài Khao sẽ lần đầu tiên được đón một cái Tết thiếu nhi ấn tượng trong đời. Cá nhân hoặc tập thể quan tâm đến chương trình có thể truy cập facebook chính thức của nhóm: http://www.facebook.com/events/192770997510060/ để biết thêm chi tiết.
MỌI SỰ ĐÓNG GÓP XIN LIÊN HỆ
Tài khoản duy nhất nhận sự ủng hộ về tiền:
Điện thoại: 0988.903.672
Số tài khoản: 13820785378012 Ngân hàng Techcombank Hội sở chính
Nội dung chuyển tiền: Ủng hộ quỹ tình nguyện Sài Khao - Mường Lát (vui lòng ghi rõ nội dung và tên tổ chức, cá nhân (nickname) chuyển tiền). Chuyển tiền xong các bạn nhắn tin vào số máy 0988.903.672.
Ủng hộ bằng hiện vật: Đồ dùng học tập học sinh tiểu học, đồ chơi cho các bé mẫu giáo, quần áo trẻ em từ 1- 10 tuổi ... vui lòng liên hệ theo một trong các số điện thoại sau, chúng tôi sẽ đến tận nơi để nhận đồ ủng hộ:
2. Lãng Khách: 0996.967.071
3. Simon Vũ: 0914.863.288
Các đầu mối liên hệ:
Phía Bắc:
1. Lê Thị Thùy Dung - 0988.903.672
2. Mai Khánh Hương - 0912.239.184
Phía Nam:
Nguyễn Thị Quỳnh Hương – 0973.525.842