Sách thiếu nhi Việt Nam cuối năm 2024: Một thế giới sinh động, đa dạng

Thứ Hai, 25/11/2024 19:19 GMT+7

Google News

Từ miền cao nguyên cho tới miền biển, từ thôn xóm nhỏ cho đến bên kia bờ Thái Bình Dương, từ kho tàng văn học dân gian đến dạo chơi với những làng nghề truyền thống..., sách thiếu nhi Việt Nam đang bước vào một mùa mới đầy sôi động.

Nhìn qua loạt sách thiếu nhi xuất bản vào dịp cuối năm 2024, có thể thấy sự đa dạng và phong phú cả về chủ đề, cách trình bày. Chưa kể đến các tác phẩm dịch từ tiếng nước ngoài, các nhà xuất bản, đơn vị sách ở Việt Nam trong những năm qua đã tích cực lên ý tưởng, tổ chức các bản thảo với đối tượng độc giả chính được xác định cụ thể là thiếu nhi.

Từ đó còn xác định rõ từng độ tuổi nhất định để có những dòng sách riêng phù hợp với lứa tuổi tiểu học, mầm non, hướng đến tiếp cận nhiều bạn đọc hơn. Sách thiếu nhi "made in Vietnam" cũng không chỉ quanh quẩn ở câu chuyện văn chương, giáo dục mà mở rộng ra với những đầu sách cung cấp tri thức thường thức hoặc những kiến thức phù hợp với các bạn đọc nhỏ tuổi. Không chỉ giúp các em phát triển khả năng ngôn ngữ, mà còn giúp cung cấp lượng kiến thức nhất định, giúp các bé phát triển tư duy, tình yêu với cuộc sống xung quanh, với khoa học kỹ thuật.

Những khung trời mộng mơ

Trung Trung Đỉnh thành danh trên văn đàn mấy mươi năm qua với những tác phẩm có đề tài gai góc, mang tính thời sự. Những năm gần đây ông lại tiếp tục làm độc giả bất ngờ khi ra mắt hai truyện thiếu nhi Nàng tiên trong ống nứa và Bí mật trong thung lũng (NXB Kim Đồng). Cuối năm 2024, ông lại tiếp tục xuất bản tác phẩm thiếu nhi Con thiêng của rừng (NXB Trẻ), kể chuyện cuộc đời chú bé Siêu Dơng người dân tộc Ba Na. 

Sách thiếu nhi Việt Nam cuối năm 2024: Một thế giới sinh động, đa dạng - Ảnh 1.

Tác phẩm “Con thiêng của rừng” của Trung Trung Đỉnh

Câu chuyện bắt đầu từ thời Pháp thuộc, theo bước chân trưởng thành của Siêu Dơng, cậu đã vươn lên trong nghịch cảnh để trở thành một nghệ sĩ được mọi người yêu quý, được gọi bằng cái tên "con thiêng của rừng".

Trong lời tựa của Con thiêng của rừng, nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ bản thân "đã cố gắng huy động vốn sống của mình - về miền đất Tây Nguyên, với những thời điểm lịch sử mà cuộc đời Xu Man trải qua - để dựng lại không khí chung, cũng như những chi tiết độc đáo do điều kiện sống khắc nghiệt đem lại. Tôi không dám chắc những gì được viết ra trong cuốn sách này là tất cả những gì thuộc về họa sĩ Xu Man, nhưng tôi tin rằng, cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc nhỏ tuổi một lượng thông tin đáng yêu về một người nghệ sĩ có cuộc đời chìm nổi đầy biến động, cũng như về một vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc, rất đáng tự hào, dù chịu nhiều đau thương do giặc giã, thiên tai".

Sách thiếu nhi Việt Nam cuối năm 2024: Một thế giới sinh động, đa dạng - Ảnh 2.

“Chuyện cổ tích của vườn” của Nguyễn Thị Bích Nga

Độc giả nhí có thể rời khu vực Tây Nguyên của Việt Nam để đến miền Đông Nam nước Mỹ trong tập truyện Chuyện cổ tích của vườn của nhà văn Nguyễn Thị Bích Nga. 

Năm 1993, phần một Chuyện cổ tích của vườn ra đời, lấy bối cảnh Việt Nam. Phần mới nhất này, với 16 câu chuyện, Nguyễn Thị Bích Nga dẫn bạn đọc vào thế giới của mộng mơ, khám phá những phép màu đời thường, luôn ẩn giấu xung quanh chúng ta. 

Nếu sự thơ mộng của Con thiêng của rừng đến từ rừng xanh, từ Tây Nguyên vừa gần gũi vừa xa lạ, kỳ thú, thì Chuyện cổ tích của vườn (NXB Trẻ) lại xây thơ mộng bằng sự trong trẻo của đôi mắt trẻ con, nơi từng điều bình thường nhất của ẩn mật những chân trời mời gọi. 

Sách thiếu nhi Việt Nam cuối năm 2024: Một thế giới sinh động, đa dạng - Ảnh 3.

“Chuyện ở rừng xanh thẳm” của Mai Đậu Hũ

Tiếp nối mạch truyện thần tiên của Cổ tích của vườn Chuyện ở rừng xanh thẳm (NXB Trẻ) của tác giả Mai Đậu Hũ (Thanh Thảo minh họa) với những nhân vật, câu chuyện mang màu sắc đồng thoại như Rết và Cuốn Chiếu, Sâu và Ốc Sên… Cuốn sách này thuộc bộ Truyện đồng thoại - Giúp em giỏi văn, với hy vọng sẽ tạo được niềm cảm hứng viết văn và đọc văn cho các bạn học sinh.

Trong loạt sách thiếu nhi phát hành dịp cuối năm 2024, bên cạnh địa hạt văn chương, còn là dòng sách giúp các em nhỏ khám phá cuộc sống, biết thêm về thế giới xung quanh, xây dựng kỹ năng sống và đắp bồi tri thức thường thức.

Khám phá thế giới quanh ta

Trong loạt sách thiếu nhi phát hành dịp cuối năm 2024, bên cạnh địa hạt văn chương, còn là dòng sách giúp các em nhỏ khám phá cuộc sống, biết thêm về thế giới xung quanh, xây dựng kỹ năng sống và đắp bồi tri thức thường thức.  

Vừa qua, NXB Kim Đồng cho ra mắt bộ sách Vang danh nghề cổ của tác giả Thành Nguyễn, loạt tranh truyện giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Thông qua nhân vật chính là cô bé An, thế giới của các làng nghề đã mở ra vừa gần gũi vừa độc đáo dưới đôi mắt các bạn nhỏ. 

Sách thiếu nhi Việt Nam cuối năm 2024: Một thế giới sinh động, đa dạng - Ảnh 5.

Bộ sách “Vang danh nghề cổ”

Thành Nguyễn từng tham gia sản xuất nhiều chương trình truyền hình về làng nghề. Anh đã đi khắp Việt Nam, gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nghệ nhân, đến các làng nghề. Nhưng viết sao cho trẻ em hiểu, yêu quý và kính phục các nghệ nhân quả không dễ. Nhất là trên khắp mọi miền đất nước ta đâu đâu cũng có những nghề, làng nghề truyền thống tùy thuộc vào các điều kiện địa phương phong phú, đa dạng. 

Chưa kể các nghề truyền thống có lịch sử lâu đời, mang tính trao truyền, tiếp nối, vừa là kế sinh nhai vừa là nét văn hóa. Như lụa Tân Châu (An Giang), làng rèn Vân Chàng (Nam Định), làng mộc Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mỹ nghệ - trang sức Đồng Xâm (Thái Bình), làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), nghề làm mắm ở Phú Quốc…

Thành Nguyễn chia sẻ: "Ở mỗi làng nghề, những câu chuyện văn hóa, lịch sử về vùng đất được chia sẻ. Khi chắp bút cho bộ sách này, chúng tôi không chỉ hướng tới việc cung cấp cho độc giả quy trình làm ra sản phẩm của làng nghề, mà còn muốn độc giả biết được sự tài hoa của nghệ nhân của nước mình, hiểu được văn hóa, tín ngưỡng và tập tục của vùng đất đó".

Cũng cần ghi nhận nỗ lực của các họa sĩ trẻ Bùi Xuân Quỳnh, NGART, Ruốc Đặng khi tham gia vẽ minh họa cho dự án Vang danh nghề cổgiúp bộ sách dễ tiếp cận hơn với trẻ em.  

Bộ sách gồm 6 cuốn Lãnh Mỹ A - Huyền thoại lụa, Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm của thời gian, Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa, Làng rèn Vân Chàng - Lửa rèn còn mãi, Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc, Làng gốm Bàu Trúc - Đất vàng trên cánh đồng thiêng.

Dự kiến sẽ ra mắt thêm 4 cuốn viết về Thúng chai Phú Mỹ - Vươn khơi bám biểnTrống Đọi Tam - Rền vang tiếng sấm, Phường đúc Huế - Kiệt tác di sản  Giấy dó bản Sưng - Vẻ đẹp bình dị.

Sách thiếu nhi Việt Nam cuối năm 2024: Một thế giới sinh động, đa dạng - Ảnh 6.

Bộ sách “Em lớn lên cùng ca dao, tục ngữ, thành ngữ”

Bên cạnh bộ sách Vang danh nghề cổ của NXB Kim Đồng, độc giả nhí còn có thể bước vào thế giới của ca dao, tục ngữ qua bộ Em lớn lên cùng ca dao, tục ngữ, thành ngữ, gồm 6 tập (Rèn thân, Luyện chí, Sống đẹp, Nhân từ, Biết ơn, Tình thân) do NXB Trẻ phát hành. 

Bộ sách do Nguyễn Hữu Long chủ biên. Hiện ông là giảng viên Trường Đại học Mở TP.HCM. Ngoài ra, tham gia dự án này còn có TS Nguyễn Thu Hòa của Đại học Quốc gia TP.HCM, TS Huỳnh Cát Dung của Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM, thạc sĩ Tiêu Minh Sơn của Đại học Văn Lang, thạc sĩ Phạm Quỳnh Anh của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, thạc sĩ Châu Hồng Phúc đang dạy tại một trường THPT ở TP.HCM.

Bộ sách mong giúp các bạn thiếu nhi hiểu thêm về kho tàng văn học dân gian. Bên cạnh việc phát triển, làm giàu kiến thức, ngôn ngữ, việc phân loại theo nhóm chủ đề cũng giúp các em rèn giũa nhân cách, tiếp thu những tri thức, giáo huấn của cha ông được lưu truyền qua bao thế hệ. 

Những công trình, tác phẩm viết về thiếu nhi Việt Nam và viết cho thiếu nhi Việt Nam ngày một đa dạng, phong phú. Những đổi mới của dòng sách này cũng phản ánh nhu cầu của phụ huynh và thị trường.  

Việc đầu tư hơn vào chất lượng in ấn, mỹ thuật cũng giúp các tác phẩm dành cho thiếu nhi của Việt Nam ngày càng hiện đại. Hướng tới việc không chỉ xuất bản trong nước mà xuất khẩu, quảng bá sang thị trường sách thiếu nhi quốc tế.

Nhà văn kỳ cựu chuyển hướng viết cho thiếu nhi

Trung Trung Đỉnh nguyên là giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật. Năm 2012, ông được trao Giải thưởng văn học ASEAN cho tác phẩm Lính trận.

Một số tác phẩm của Trung Trung Đỉnh là Lạc rừng, Ngõ lỗ thủng, Lời chào quá khứ, Những khoảnh khắc đời người, Lính trận, Tiễn biệt những ngày buồn… Mấy năm gần đây ông chuyển sang viết cho thiếu nhi.

An Kha

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›