"Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, ngoại trừ quản lý phần nhập khẩu, còn lại các hoạt động khác thiếu chế tài điều chỉnh, hình thức xử phạt hành chính lại không đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này ngày một gia tăng, là đầu mối tạo ra những phát sinh phức tạp trong hoạt động xuất bản".
Các cơ sở in lậu hoạt động công khai.
Quanh hiện trạng nhiễu loạn trên thị trường xuất bản hiện nay, Vietnamnet đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Bảo, Cục phó Cục Xuất Bản để tìm câu trả lời.
* Một trong những lỗ hổng lớn nhất của Luật Xuất bản chính là việc thả nổi phần lớn cơ sở in, để mặc họ muốn làm gì thì làm, tiếp tay cho tình trạng bùng phát nạn in lậu, in các sản phẩm không rõ nguồn gốc…Các cơ quan quản lý và cụ thể ở đây là Cục Xuất bản có biết lỗ hổng này không và sắp tới Luật Xuất bản có định “vá” lại những lỗ hổng này?
- Trong thời gian qua, lĩnh vực in đã thực hiện xã hội hóa cho mọi thành phần kinh tế tham gia, số lượng cơ sở in ngày một gia tăng. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn quốc có khoảng 1.500 cơ sở in, và lĩnh vực in được đánh giá là một ngành công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì cũng đã và đang phát sinh những vấn đề phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước.Trên thực tế cho thấy, Luật Xuất bản năm 2004 chỉ điều chỉnh quản lý hoạt động in xuất bản phẩm. Như vậy, chỉ có khoảng 400 cơ sở in chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản, còn khoảng 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in. Trong khi đó, với dây chuyền sản xuất, công nghệ in hiện đại, một thiết bị in có thể in ra được nhiều loại sản phẩm có nội dung khác nhau. Điều đó có nghĩa rằng, 1.100 cơ sở in không chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản đều có khả năng in được xuất bản phẩm.
Lợi dụng điều này, thời gian qua, đã có không ít cơ sở in mặc dù không có chức năng in xuất bản phẩm nhưng vẫn thực hiện in xuất bản phẩm hoặc tiếp tay cho các đối tượng khác để in lậu, in trái phép. Nguy hại hơn, không loại trừ các cơ sở in này còn có thể tham gia in lậu, in trái phép các loại giấy tờ giả, tài liệu có những nội dung sai lệch chủ quyền quốc gia, gây phương hại đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Vấn đề nêu trên không phải Cục Xuất bản và các cơ quan quản lý có thẩm quyền tại địa phương không biết. Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định 105/2007/NĐ-CP để điều chỉnh in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm. Tuy nhiên, cùng một hoạt động in nhưng công tác quản lý lại không cùng một khung pháp lý nên chưa phát huy hết hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực in.
Để khắc phục những tồn tại trên, Luật Xuất bản sửa đổi lần này đã nghiên cứu luật hóa những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với lĩnh vực này một cách toàn diện. Tuy nhiên, không phải cái gì nhà nước không quản lý được thì cấm hoặc quản lý thật chặt mà điều quan trọng của Luật sửa đổi lần này là tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản phát triển, các quy trình được quy định theo hướng cải cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Sách giả tràn lan.
* Thực trạng sách giả, sách in lậu nhiều năm nay vẫn là tồn tại nhức nhối trong làng xuất bản và bóp chết những người làm xuất bản chân chính. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường xuất bản, cụ thể là đối với những loại sách này dường như vượt quá khả năng của các cơ quan quản lý. Phải chăng do thiếu chế tài xử lý những đối tượng in lậu, tiêu thụ sách giả hoặc mức xử lý còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe?
- Thời gian qua, cùng với việc thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực trong hoạt động xuất bản, đã tạo ra một sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới phát hành, đây là đầu ra quan trọng nhất, quyết định đến hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản và các đối tác liên kết. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn quốc có khoảng 15.000 cơ sở phát hành với các loại hình khác nhau như doanh nghiệp, nhà sách, siêu thị sách, cửa hàng sách… Bên cạnh việc phát triển mạng lưới phát hành rộng khắp tại các địa bàn để đưa được nhiều xuất bản phẩm phục vụ người dân thì hoạt động này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc quản lý, quy hoạch và định hướng phát triển.
Thực tế cho thấy, nếu không có sự quản lý tốt thì mạng lưới phát hành sẽ là đầu mối đưa ra thị trường những xuất bản phẩm kém chất lượng, và không có sự hợp tác của các cơ sở phát hành thì các đối tượng in lậu, làm sách giả không thể phát triển được. Tuy nhiên, về công tác quản lý đối với hoạt động này trong thời gian qua gần như buông lỏng, bởi vì chúng ta cứ nghĩ chủ quan một chiều là đã thực hiện xã hội hóa thì cứ để cho mọi thành phần kinh tế tự do phát triển, nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết. Vì vậy, lĩnh vực pháp hành xuất bản phẩm, ngoại trừ quản lý phần nhập khẩu, còn lại các hoạt động khác thiếu chế tài điều chỉnh, hình thức xử phạt hành chính lại không đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này ngày một gia tăng, là đầu mối tạo ra những phát sinh phức tạp trong hoạt động xuất bản.
Để khắc phục những hạn chế trên, Luật Xuất bản sửa đổi lần này cũng đã nghiên cứu, sửa đổi bổ sung những chế tài điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này một cách hiệu quả, trong đó, quy định rõ những điều kiện cần thiết đối với các chủ thể tham gia phát hành xuất bản phẩm, đồng thời xác định cụ thể những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này để có những chế tài xử phạt nghiêm minh, nhằm phát triển một thị trường kinh doanh xuất bản phẩm lành mạnh, đúng pháp luật.* Có một thực tế là nhiều cuốn sách có vấn đề sau khi bị xử lý, thu hồi thì lại là dịp làm ăn tốt cho giới làm sách lậu, dẫn đến việc xử lý các cuốn sách này luôn trong tình trạng không công khai, bởi nếu làm lớn chuyện sẽ tạo nên hiệu ứng ngược. Theo ông vấn đề này như thế nào?
- Việc xử lý một cuốn sách có “vấn đề" và một sản phẩm tiêu dùng kém chất lượng không giống nhau. Đối với một sản phẩm kém chất lượng bị xử lý thu hồi, có thể thông tin rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và họ sẽ không mua. Tuy nhiên, đối với một cuốn sách có “vấn đề” thì lại khác. Nếu không có biện pháp phù hợp và quy trình xử lý cẩn trọng thì lại tạo cơ hội để những đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng để kinh doanh kiếm lời, vì người dân mình luôn có tính tò mò và hiệu ứng đám đông.
Trong thời gian qua, việc xử lý những cuốn sách có “vấn đề” của cơ quan quản lý không phải là không công khai, minh bạch. Việc xử lý này luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình và được thông báo công khai đến các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, việc thông báo rộng rãi đến toàn xã hội lại là một vấn đề phải cân nhắc, bởi vì yếu tố như đã nói ở trên. Mặt khác, những vấn đề xử lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, không phải vấn đề gì cũng có thể công bố rộng rãi được. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Cục Xuất bản sẽ nghiên cứu để thiết lập một kênh thông tin, lựa chọn những vấn đề gì xử lý cần được thông báo rộng rãi sẽ phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin đầy đủ đến người dân. Để làm được điều này thì chúng ta phải quản lý được toàn diện hoạt động xuất bản, và Luật Xuất bản phải được thực thi một cách hiệu quả trong toàn xã hội.
Chiêu Đại hạ giá được hầu hết các nhà sách áp dụng, bất kể sách thật hay sách giả.
* Trước thực trạng nhức nhối của ngành xuất bản hiện nay, cơ quan quản lý mà cụ thể là Cục Xuất bản sắp tới đây sẽ có giải pháp gì mạnh để chấn chỉnh hoạt động này?
- Trước những vấn đề đặt ra của ngành xuất bản trong thời gian qua, kể cả những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế rất cần có sự quản lý, điều tiết của nhà nước. Vì vậy, với trách nhiệm được giao, Cục Xuất bản sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.Bên cạnh đó, cùng với việc sửa đổi Luật Xuất bản, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, quyết định cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản Việt Nam. Hy vọng rằng với những công cụ pháp lý và sự đầu tư kịp thời của nhà nước, hoạt động xuất bản sẽ có những bước phát triển mới trong thời gian tới.
Theo Vietnamnet