Ngày xưa, khi công nghệ còn chưa lan tràn, vào Tết âm lịch, hầu như gia đình nào cũng sắm lịch treo tường. Nó không chỉ dùng để xem thời gian, mà còn như một vật trang trí Tết trong nhà. Ngày nay, người ta có nhiều cách để biết ngày giờ tháng năm, có nhiều thứ để trang hoàng nhà cửa, nên việc mua lịch ngày Tết đã giảm đi rất nhiều. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều người đến hẹn lại lên, tìm mua cho mình một bộ lịch ưng ý để mừng năm mới.
1. Tại TP.HCM, ngoài các nhà sách, có vài khu bán lịch vỉa hè. Tiêu biểu ở gần Đại học Mỹ thuật TP.HCM, khu Lăng Ông - Bà Chiểu, khu công nghiệp Tân Bình, và nhiều con đường ở quận 5, khu Chợ Lớn... Vào những ngày thường, các khu vực kể trên kinh doanh những thứ vật dụng khác, nhưng từ cuối tháng 11 bước sang đầu tháng 12 Dương lịch, chủ sạp đã chuyển sang bán tất cả các loại lịch treo tường và để bàn.
Nếu như nghề bán lịch Tết ở khu vực Chợ Lớn đã hiện diện từ hơn 70-80 năm trước, khu vực Lăng Ông - Bà Chiểu cũng bắt đầu từ khoảng hơn 40 năm trở lại đây, thì ở khu công nghiệp Tân Bình mới hiện diện chừng 15 năm nay…
Lùi lại nhiều năm trước, từ đầu tháng 12 Dương lịch, các khu vực bán lịch thường tấp nập người đến chiêm ngưỡng, lựa chọn và sắm cho mình một bộ lịch ưng ý. Mua lịch như một thói quen cuối năm, nhưng về sâu xa, thói quen đó còn gửi gắm ước vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc. Những nét vẽ, những câu danh ngôn, ca dao, bài thơ... trên tờ lịch cũng là bài học, hoặc những điều suy niệm hữu ích về cuộc đời.
Một người phụ nữ bán lịch Tết tại khu vực gần Lăng Ông - Bà Chiểu bộc bạch rằng, nếu so với 10 năm trước, số lượng người mua lịch đã giảm đi khoảng 70%. Nhưng vẫn còn không ít người thích tha thẩn chọn lịch vào dịp cuối năm. Mỗi một người có một gu riêng, nên nhà làm lịch cũng luôn sáng tạo, nâng cao tính thẩm mỹ, để chinh phục khách hàng.
Lạ thay, dù nhu cầu mua lịch Tết giảm, nhưng ngay tại khu vực Lăng Ông - Bà Chiểu, số lượng sạp bán lịch từ 1 tăng lên 4, tạo nên một góc đo đỏ, vàng vàng tươi sáng vào dịp Tết. Cái góc nhỏ ấy, rõ ràng, tạo nên một bức tranh sống động, vui mắt và thi vị trong dòng chảy cuộc sống ồn ào, tấp nập người xe. Qua giao thừa, khu vực này, người ta lại bán bao lì xì và quà tặng.
Với người bán, đó là cơ hội để kiếm thêm thu nhập trong dịp đầu năm. May mà việc bán buôn này không quá gây mất thẩm mỹ và trật tự, nên vẫn được linh động, nhưng vẫn có thể bị dẹp bất cứ khi nào. Khó khăn là thế, nhưng họ vẫn bám trụ vì miếng cơm manh áo.
Giờ đây, người phụ nữ bán lịch lâu năm ở đây đã già yếu. Con trai bà thay thế. Có những khách hàng lâu năm, đến hẹn lại lên, gặp chàng trai để được nhờ tư vấn. Họ tranh thủ thời gian đàm đạo, tự nhiên người bán và người mua trở thành bạn hữu.
Đến sau ngày mồng 10 tết, chợ lịch vỉa hè sẽ biến mất, thay thế bằng những mặt hàng khác. Những cuốn lịch đã về nhà thân chủ để làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Có khi chúng sẽ được đối diện và đối thoại với gia chủ mỗi ngày, có khi sẽ nằm im trong một góc quên lãng. Để rồi đến năm mới, sẽ có một quyển lịch mới thay thế.
Đương nhiên, nghề làm ảnh lịch đã biến mất sau thời hoàng kim rực rỡ. Giờ đây, nhắc lại chỉ để ôn lại kỷ niệm, bởi vì, ngày nay loại lịch ấy không còn được ưu chuộng.
2. Đâu đó, có những người đầy hoài niệm sẽ đặt ra câu hỏi: đến khi nào thì lịch block mùa Tết sẽ chẳng còn tồn tại? Điều này có xảy ra hay không, thật khó mà biết được.
Bởi vì còn nhiều người mê lịch, đặc biệt là cả những nhà sưu tầm cổ vật.
Nhà sưu tập nổi tiếng Huỳnh Minh Hiệp bộc bạch: "Tôi sưu tầm và lưu giữ tất cả những kỷ vật của Sài Gòn, chứ không tập trung vô một thứ nhất nào. Trong đó, có những tờ lịch Xuân đã cũ. Một tấm lịch được in vào năm 1967, có chân dung của huyền thoại nhan sắc Thẩm Thúy Hằng, là thứ mà tôi rất quý. Khi nhìn thấy nó, tim tôi rung lên bồi hồi vì nét xưa, mà đặc biệt vì tôi rất thần tượng cô ấy".
Có những gia đình nghèo, mua lịch chân dung nghệ sĩ về dán khắp các bức vách loang lổ, cũ nát. Đó cũng là cách để họ làm mới căn nhà trong ngày đầu năm, để thỏa giấc mơ được nhìn thấy thần tượng. Sở thích ấy, đương nhiên, giúp cho người mẫu kiếm được nhiều tiền, các nhiếp ảnh gia làm lịch cũng rất sung túc nhờ làm một mùa sống một năm. Giờ đây, vẫn có người lưu giữ những tờ lịch ấy một cách cẩn trọng trong bộ sưu tập, họ sẽ công bố vào thời điểm cần thiết.
Đương nhiên, nghề làm ảnh lịch đã biến mất sau thời hoàng kim rực rỡ. Giờ đây, nhắc lại chỉ để ôn lại kỷ niệm, bởi vì, ngày nay loại lịch ấy không còn được ưu chuộng. Nó đã hoàn thành sứ mệnh thời đại, nhưng để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho cả người mẫu, nhiếp ảnh và người mua.
Cựu người mẫu La Kim Phụng nhớ lại: "Ngày ấy showbiz không có nhiều việc như bây giờ. Người mẫu nổi tiếng từ đầu năm đến cuối năm có chừng chục show lớn nhỏ. Đóng phim cũng tầm vài bộ một năm. Thu nhập chính của chúng tôi đến từ quảng cáo, mà một trong những nguồn thu nhập lớn ấy là làm người mẫu lịch Tết. Tiền cát-sê cho công việc này thực sự lớn. Chúng tôi mong đến Tết, để được trưng những bộ cánh đẹp nhất, rồi sau đó, phong cách thời trang ấy sẽ thành xu hướng. Vừa có thu nhập, mà hình ảnh được lan tỏa rộng. Rất thích. Giờ nhớ lại vẫn còn vui".
Ngày nay, muốn xem giờ chỉ cần mở điện thoại, muốn tìm hiểu thông tin thì tra Google cũng trên chiếc điện thoại thông minh ấy, vì vậy, với nhiều người, việc mua lịch có khi chẳng biết dùng vào việc gì. Thậm chí được tặng lịch block, họ mang treo trong nhà từ đầu năm đến cuối năm mà không xé bất kỳ một tờ lịch nào. Quyển lịch đứng yên bất động như chưa hề tồn tại.
Ngôi sao điện ảnh trên lịch một thời
Vào đầu thập niên 1990, kéo dài đến tầm 10 năm sau, lịch treo tường có hình ảnh các ngôi sao điện ảnh khuynh đảo thị trường lịch Xuân cả nước. Ngày ấy, các tên tuổi như Diễm My, Diễm Hương, Việt Trinh, Mộng Vân, Y Phụng, La Kim Phụng, Thu Hà… đến Tết là xuất hiện dày đặc trên lịch ở các chợ và tỏa về mọi ngõ ngách.
Tags