Rùng mình vì quy trình "hồi sinh" chân gà đen xì, ôi thiu thành trắng phau, mập mạp: Nguy cơ ung thư và suy thận rất cao

Chủ nhật, 15/01/2023 09:48 GMT+7

Google News

Chân gà nướng, chân gà ngâm sả tắc, chân gà rang muối... là những món khoái khẩu của giới trẻ Việt. Thời điểm cận Tết, nhu cầu về chân gà càng cao hơn do nhiều gia đình có xu hướng tích trữ trong nhà để chế biến các món nhậu đãi khách. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chân gà lại thuộc một trong những loại thực phẩm thường bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì bị nhập lậu, hoặc có dấu hiệu bị tẩm hóa chất nhiều nhất. Nếu là một người tiêu dùng thông thái, bạn nhất định đừng vội chủ quan khi mua chân gà về nhà mà không nắm rõ những thông tin dưới đây.

cach-ngam-chan-ga-sa-tac-1024x685.jpeg

Thời điểm cận Tết, nhu cầu về chân gà càng cao hơn.

Liên tục bắt quả tang, tiêu hủy hàng tấn chân gà ôi thối, chuyển màu thâm đen

Cuối năm 2022, Đội 3 - Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an thành phố phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 20 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện hơn 3 tấn chân gà bẩn đang chuẩn bị được chủ cơ sở đem đi tiêu thụ. Dù được bảo quản ở nhiệt độ âm 8 độ C nhưng ngay khi đưa ra khỏi kho lạnh, số chân gà này đã bốc mùi hôi thối và xuất hiện nhiều dấu hiệu hư hỏng.

chan-ga-220221028223532.jpeg

Hơn 3 tấn chân gà đều đã bốc mùi đang chuẩn bị được chuyển đến các cơ sở chế biến chân gà rút xương. (Ảnh: Congthuong).

Giữa tháng 7/2022, Công an tỉnh Hải Dương cũng phát hiện xe tải chở hơn 4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lái xe không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đang chở trên thùng xe. Quan sát bằng mắt thường cho thấy chân gà đang trong quá trình phân hủy, thậm chí chuyển màu đen xì.

14722Phimgp7177.jpeg

Chân gà chuyển màu đen xì bị bắt giữ. Ảnh: Công an tỉnh Hải Dương.

Tháng 3/2022, tổ công tác Đội 3, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện trong kho đông lạnh của một cơ sở kinh doanh tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đang chứa khoảng gần chục tấn sụn gà, chân gà, dạ dày động vật… không rõ nguồn gốc được ép thành bánh, bọc nilon đóng trong thùng cát tông và bao tải. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hoá có dấu hiệu vi phạm tại kho đông lạnh này.

Changa_O-1646392524387.jpeg

Chân gà đông lạnh không bao bì, không hạn sử dụng được cơ quan chức năng phát hiện tại Thanh Oai.

Chân gà đen xì, ôi thối cũng có thể "hồi sinh" thành trắng phau, mập mạp

Một phóng sự của ANTV trước đây từng tố cáo quy trình rùng rợn để "hồi sinh" từ một chiếc chân gà ôi thối trở nên trắng phau, to, đều, hấp dẫn.

Sở dĩ các hàng buôn phải thực hiện quy trình "biến hóa" này là bởi những chiếc chân gà này đều được nhập khẩu từ nhiều nước như Trung Quốc, Mexico. Do được bảo quản lâu nên chân gà thường chuyển màu thâm đen, thậm chí có mùi ôi thiu.

Theo đó, để phù phép cho những chiếc chân gà đen này, các hàng buôn thường dùng hóa chất oxy già. Chỉ sau ít phút ngâm chân gà vào hỗn hợp dung dịch oxy già, chân gà đã trở nên trắng tươi, hết mùi hôi thối, nhìn rất bắt mắt. 

Rùng mình vì quy trình "hồi sinh" chân gà đen xì, ôi thiu thành trắng phau, mập mạp: Nguy cơ ung thư và suy thận rất cao - Ảnh 5.

Cận cảnh hình ảnh phù phép chân gà. (Ảnh cắt từ video của ANTV).

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp, bệnh viện Nguyễn Tri Phương,  TP. Hồ Chí Minh): Nhiều người dùng oxy già công nghiệp với mục đích là tẩy trắng và bảo quản chân gà được lâu hơn. Nồng độ oxy già công nghiệp trong thức ăn cao có thể gây đau dạ dày, đau bụng, loét miệng".

Cũng theo vị chuyên gia, để làm trắng chân gà có nhiều quán cũng thường tẩm hóa chất fomalin, fomaldehyde, chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Hai chất fomalin, fomaldehyde biến thành axit focmic, gây ngộ độc, suy hô hấp, suy gan, suy thận, thậm chí gây tử vong.

Nên ăn chân gà như thế nào?

Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo: Ngay cả khi chân gà có nguồn gốc rõ ràng, mọi người cũng không nên ăn nhiều. Theo nhiều chuyên gia sức khỏe, chân gà là một bộ phận tiếp xúc trực tiếp với đất cát, môi trường bẩn. Nếu món ăn này không được sơ chế sạch sẽ, vệ sinh thì khả năng gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, suy thận, suy gan… là rất lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), giới trẻ và dân nhậu thường rất hứng thú với món chân gà vì nó dai ngon, nhâm nhi rất tốt. Tuy nhiên, đây là một món ăn cần phải hạn chế vì đem lại ít dinh dưỡng, ăn nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. "Chân gà chủ yếu toàn da, có hàm lượng chất béo tùy vào kích cỡ của nó. Nếu ăn quá nhiều chân gà có thể làm gia tăng lượng mỡ máu ở những người có cholesterol máu cao", PGS Thịnh cho biết.

f3c17536-cach-lam-chan-ga-sa-tac.jpeg

Vị chuyên gia khuyên những người có mỡ máu cao hoặc bị bệnh cao huyết áp nên hạn chế ăn những món chế biến từ chân gà.

Cần lưu ý rằng, muốn ăn chân gà an toàn và ít có nguy cơ bị tẩm hóa chất, người tiêu dùng nên mua ở các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm sạch, kiểm soát thói quen ăn loại thức ăn này, tránh lạm dụng. Nên mua những chiếc chân gà có màu sắc tự nhiên. Nếu có thời gian thì nên tự mua chân gà về nhà làm, sơ chế sạch sẽ bằng cách rửa bằng muối, loại bỏ móng, luộc sơ và rửa chân gà lại... 

chan-ga-sa-tac-tphcm-2-3.png

Đậu Đậu

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›