Chỉ trong vài năm cầm quân ngắn ngủi, bắt đầu từ Casa Pia ở giải hạng ba Bồ Đào Nha vào năm 2018, Ruben Amorim nhanh chóng vươn tới giải đấu hàng đầu thế giới Premier League khi chấp nhận thử thách tại Old Trafford.
Tại sao MU lại muốn có Ruben Amorim, một "thi sĩ" của bóng đá Bồ Đào Nha, chứ không phải là một HLV đề cao tính kỉ luật và có khả năng vực dậy một tập thể đã sa sút nghiêm trọng giống như Hansi Flick.
Vì sao là Amorim?
Chúng ta xem xét cội nguồn của lý do này, có thể, nó không bắt đầu bằng triết lý bóng đá hoặc phong cách bắt mắt mà HLV 39 tuổi đã tạo ra Sporting Lisbon, mà nằm ở cách anh vượt qua thử thách trong thời điểm mà bầu không khí ở Sporting độc hại đến mức, một đám đông gồm 50 cổ động viên đeo mặt nạ chiếm phòng thay đồ của câu lạc bộ và bắt đầu tấn công các cầu thủ. Vì vụ này mà 7 cầu thủ hủy hợp đồng, bao gồm cả các tuyển thủ Bồ Đào Nha Rui Patricio, William Carvalho, Rafael Leao.
Tất cả những gì mà MU trải qua không hỗn loạn và mất kiểm soát như vậy. Nhưng sự sa sút về tính cách và giá trị không thua kém so với Sporting Lisbon thời gian qua. Amorim, giúp Sporting giành cú đúp quốc nội, trong đó có chức vô địch quốc gia đầu tiên sau 19 năm, ở mùa giải mà họ chỉ phải nhận một thất bại duy nhất, và nó diễn ra ở vòng đấu áp chót, sau khi họ đã giành chức vô địch.
HLV 39 tuổi đã vực dậy Sporting từ đống đổ nát. Đó là tiền đề cơ bản với một HLV có triết lý phổ biến như bất kì người đồng nghiệp nào khác. Tất cả những đặc điểm bóng đá của Amorim đều được nhìn thấy ở những HLV hiện tại, từ pressing, cấu trúc tấn công, phòng ngự, kiểm soát bóng, khai thác các cầu thủ trẻ...
Nhưng những gì được coi là ưu điểm của Erik ten Hag, của Arne Slot hay Enzo Maresca, và thậm chí là cả Mikel Arteta, cũng đều có khả năng trở thành vô nghĩa ở Old Trafford. Bởi vì vấn đề cốt lõi nhất của đội bóng là họ không biết mình đã làm sai ở chỗ nào.
MU đã có rất nhiều kiểu HLV khác nhau ở đây, từ người có bộ óc bóng đá kinh điển như Louis van Gaal, người đặc biệt như Jose Mourinho, thầy của các thầy như Ralf Rangnick, và hợp thời như Erik ten Hag, cũng đều bị chôn vùi danh tiếng.
Họ đã đưa về tất cả những ngôi sao tưởng như là mảnh ghép cuối cùng để chiến thắng như Pogba, Di Maria, Ronaldo, Bruno Fernandes, Jadon Sancho, Casemiro, Varane hay Ugarte, mà vẫn thất bại.
Thậm chí, ngay cả việc thay đổi chủ tịch, câu lạc bộ cũng đã thực hiện, nhưng không có cuộc cách mạng nào được khởi phát thật sự đến lúc này.
Người chữa trị hay con bệnh?
Sẽ không phải là một sự xúc phạm nếu như các cổ động viên MU nghi ngờ khả năng thành công của Amorim tại Old Trafford, bởi vì họ đã quen thấy việc ai đó được chờ đợi đến đây để chữa trị cho đội bóng, nhưng cuối cùng lại trở thành một con bệnh khác của câu lạc bộ.
Thành công của Sporting dưới thời Amorim được xây dựng dựa trên hệ thống 3-4-2-1 hoặc các biến thể của nó là 3-4-3, 5-3-2, nổi bật nhờ cách tiếp cận linh hoạt trong tấn công, sở hữu nhiều bóng và pressing cường độ cao cũng như nền tảng phòng ngự chắc chắn với lối chơi kiểm soát không gian nhỏ gọn.
Nhưng thực tế, pressing tầm cao hoặc chơi với sơ đồ 3 trung vệ và phát triển bóng từ phía dưới không phải đặc sản ở Premier League. Hoặc cách chơi này sẽ chỉ được sử dụng trong một số trường hợp phát sinh tình huống đặc biệt hơn là một hệ thống để tạo ra chiến thắng liên tục.
Cần lưu ý, Sporting của Amorim xếp thứ 4 trong nhóm các đội đẩy cao đội hình phòng ngự, khoảng cách lên tới 45,20 mét, CLB số 1 là Man City với 46,70 mét. Nhưng một chi tiết khác đáng lưu ý là 2 đội bóng khác xếp trên họ ở thông số này là Porto và Benfica.
Các trung vệ của MU hiện tại không phải là những người giỏi nhất ở vị trí của mình, cũng thường xuyên mắc sai lầm và không giỏi đọc trận đấu. Ngay cả một chuyên gia cách tân và luôn tạo ra xu hướng như Pep Guardiola hoặc giỏi tính toán như Carlo Ancelotti cũng không sử dụng hệ thống 3 trung vệ.
Triết lý bóng đá của Amorim có thể không thật sự tác dụng với tập thể mà không ai biết căn nguyên của thất bại. Những phẩm chất của các cầu thủ Sporting đều không bằng so với nhóm ngôi sao của MU hiện tại. Quỷ đỏ là tập hợp của những người có khả năng cạnh tranh, bên cạnh những tài năng trẻ và cả những nhân vật kì cựu như Casemiro hay Eriksen, thậm chí là Marcus Rashford. Cải thiện hiệu suất chơi bóng của MU ở mọi khía cạnh là nhiệm vụ hàng đầu.
Bây giờ, Ruben Amorim như bước vào phòng khám, nhưng không ai dám chắc, anh đóng vai trò gì ở đó: Bác sĩ hay bệnh nhân.
Thiên Ý
Tags