(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1955, nhà văn/nhà thần học người Anh Clive Staples Lewis đã xuất bản tập 6 của bộ sách giả tưởng sử thi cho thiếu nhi The Chronicles Of Narnia (Biên niên sử Narnia) là The Magician’s Nephew (Cháu trai của pháp sư). Trong chương 8 của cuốn sách này (Cuộc chiến tại cột đèn), Lewis đã viết cụm từ “một ngàn điểm sáng” để miêu tả sự xuất hiện của những ngôi sao trên thiên đường tăm tối trước đây của Narnia, khi Aslan tạo ra thế giới.
Như hiệu ứng bươm bướm, chỉ một cụm từ nhỏ nhắn trong một bộ sử thi đồ sộ mà đã sinh ra rất nhiều tranh cãi trong chính trị và bù lại, một kiệt tác âm nhạc của lịch sử cũng xuất hiện.
“Một ngàn điểm sáng”
Năm 1988, Peggy Noonan và Craig R. Smith đã dùng cụm từ này trong bài phát biểu nhận vị trí ứng cử tổng thống của ông George H.W. Bush. Ở đây, những câu lạc bộ và tổ chức tình nguyện được ví như “một ngàn điểm sáng trên bầu trời rộng lớn và bình yên”. Ông Bush còn trích dẫn lại nó ở cuối bài phát biểu, khẳng định ông sẽ “giữ cho nước Mỹ tiến về phía trước, luôn tiến về phía trước - vì một nước Mỹ tốt đẹp hơn, vì một giấc mơ bất tận và một ngàn điểm sáng”.
Trong lễ nhậm chức của mình vào ngày 20/1/1989, ông Bush một lần nữa nhắc lại cụm từ này nhiều lần: “Tôi từng nói về một ngàn điểm sáng, của tất cả các tổ chức cộng đồng trải rộng như những ngôi sao khắp đất nước, làm những điều tốt” và “Tôi sẽ đến với mọi người và các chương trình là những điểm sáng nhất, và tôi sẽ kêu gọi mọi thành viên trong chính phủ của tôi cùng tham gia”. Và rằng, thông qua đó, “làm bộ mặt quốc gia tử tế hơn và bộ mặt thế giới dịu dàng hơn”.
Chưa dừng lại ở đó, năm 1990, ông Bush còn đi đầu trong việc thành lập Quỹ Điểm sáng với mục tiêu là thúc đẩy các giải pháp tư nhân, phi chính phủ cho những vấn đề xã hội. Năm 1995, quỹ này vướng nhiều tranh cãi. Tên của quỹ được thay đổi theo thời kỳ, nhưng sau khi sáp nhập với HandsOn Network năm 2007, tổ chức liên kết này được gọi đơn giản là "Những điểm sáng". Tổ chức này hiện có trụ sở tại Atlanta, Washington và New York, tự miêu tả là “tổ chức tình nguyện hàng đầu thế giới”.
Những điểm sáng có hơn 250 chi nhánh ở 30 quốc gia và hợp tác với hàng ngàn tổ chức phi lợi nhuận và công ty tâm huyết với các dịch vụ tình nguyện trên khắp thế giới. Năm 2012, Những điểm sáng thu hút 4 triệu tình nguyện viên và 30 triệu giờ dịch vụ trị giá 635 triệu USD.
Nhưng nhìn vào thực trạng xã hội, ngay từ năm 1989, Neil Young đã phản ứng với “một ngàn điểm sáng” qua ca khúc sẽ trở thành biểu tượng về sau của ông Rockin’ In The Free World.
Giữa hiện thực và những lời hứa
Rockin’In The Free World gần như được viết theo lối dòng ý thức với Young miên man trong những sự kiện lịch sử đương đại. “Đây là một phần của quá trình: Tôi cứ làm cái tôi làm và thật tập trung” - Young viết trong hồi ký năm 2013 Wagin Heavy Peace. “Chuyện như thế xảy ra suốt. Anh cứ đưa ra ý tưởng và mọi thứ bỗng dưng đến”.
Ông nhắc tới khẩu hiệu tranh cử của ứng viên tổng thống Jesse Jackson (“Có người đàn ông của nhân dân/Nói hãy giữ hy vọng sống/Có nhiên liệu để đốt/Có đường để lái xe”).
Đặc biệt, Young đã đối nghịch cặp cụm từ của Tổng thống George H.W. Bush khi vừa nhậm chức (“một ngàn điểm sáng” và “quốc gia tử tế, dịu dàng”) với tình trạng vô gia cư và bạo lực sau khủng hoảng kinh tế giữa thập niên 1970 (“Tôi thấy một người đàn bà/Với em bé trên tay/Dưới ánh đèn đường cũ/Gần một thùng rác/Giờ chị phải bỏ đứa trẻ lại/Để đi bán mình/Chị ghét đời mình/Và điều chị phải làm/Lại có thêm một đứa trẻ/Không bao giờ được tới trường/Không bao giờ được yêu thương/Không bao giờ biết những điều tuyệt vời”…).
Ở giữa tất cả những hình ảnh tăm tối đó lại là điệp khúc nghe có vẻ yêu nước: “Hãy tiếp tục rock trong thế giới tự do”. Thế nên, nhà văn Dean Kuipers từng hỏi Young rằng nên coi Rockin’ In The Free World là một bản cáo trạng hay tôn vinh? Young đáp: “Mọi người có thể hát nó như quốc ca, nhưng nếu nghe kỹ lời thì có thể có phản ứng”.
Họ vẫn đang loay hoay với giai điệu khi Young sẽ ra mắt nó vài ngày sau đó (ngày 21/2). “Chúng tôi thậm chí không tập trước với ban nhạc” - Sampedro nhớ lại. “Tôi nói các hợp âm với tay bass Rich Rosas khi đi cùng nhau”. Trong lần biểu diễn đầu đó, như Young thành thật kể lại, rõ ràngngười hâm mộ hoàn toàn xa lạ với ca khúc mới và có những phản ứng rất khác nhau: Một số chăm chú lắng nghe, một số thờ ơ. Nhưng phản ứng chung thể hiện rõ qua số liệu: Khi Rockin’ In The Free World phát hành dưới dạng đĩa đơn vào cuối năm 1989, nó đã leo lên tới No.2 BXH rock của Billboard và mở đường lớn cho Young với những sáng tạo đầy kịch tính và thành công thương mại trong những năm sau đó.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ vài tháng sau đó, ca khúc trở thành một dạng “thánh ca” trong các sự kiện về tự do, lan rộng khắp Đông Âu. Nó cũng được đông đảo nghệ sĩ tên tuổi yêu thích hát lại như Pearl Jam (biểu diễn tới hơn 300 lần), Bon Jovi, Suzi Quatro, Krokus… Trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại do Rolling Stone bình chọn năm 2004, Rockin’ In The Free World đứng thứ 216.
Dù miêu tả thực trạng xã hội cách đây hơn 30 năm nhưng tới hiện tại, Rockin’ In The Free World vẫn là ca khúc nóng hổi trong chính trường. Có thể vì bản chất của cuộc sống không thay đổi nhiều theo thời gian.
Young vô cùng cẩn trọng khi cấp phép sử dụng ca khúc này Vì sợ ca khúc có thể bị diễn giải sai, Young vô cùng cẩn trọng khi cấp phép sử dụng nó. Ông từng cho phép dùng nó trong phim tài liệu Fahrenheit 9/11 của Michael Moore và The Big Short, phim Hollywood chỉ trích phố Wall. Ông cũng cho phép ứng viên tổng thống năm 2016 yêu thích của mình là Bernie Sanders dùng nó tại các sự kiện. Tuy nhiên, do những quy định về tác quyền, Young đôi khi không có quyền kiểm soát hoàn toàn sản phẩm của mình. Do đó, ông đã phải cay đắng chịu trận, để ông Donald Trump - người cũng từng chế nhạo ý tưởng “một ngàn điểm sáng” của ông Bush - bật Rockin’ In The Free World khi bước xuống thang cuốn của Tháp Trump và theo ông tới các cuộc mít tinh diễn ra khắp nơi trên cả nước. Young đã nhiều lần yêu cầu ông Donald Trump ngừng dùng nó. Chiến dịch của ông Trump đơn giản đáp rằng họ có quyền hợp pháp. “Về mặt pháp lý, ông ấy có quyền dùng nó, tuy nhiên, nó đi ngược lại với những mong muốn của tôi” - Young chỉ có thể nói vậy. Gần đây, vào ngày 3/7, khi phát biểu tại Núi Rushmore, ông Trump một lần nữa lại dùng Rockin’ In The Free World, bên cạnh 2 ca khúc nữa của Young là Like A Hurricane và Cowgirl In The Sand. Lần này, Young lại cũng chỉ thể nói “Tôi không thích chút nào” chứ không có được cơ sở pháp lý mạnh như The Rolling Stones để dọa đâm đơn kiện. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags