(Thethaovanhoa.vn) - Tại Man United, Falcao “buồn” – như khẳng định của HLV Jose Pekerman. Tại Colombia, anh là một con hổ đáng sợ với khả năng săn hạ mọi con mồi trước mắt.
World Cup 2014 đã đưa tên tuổi của một cầu thủ Colombia lên đỉnh cao: James Rodriguez. Chiếc giày vàng cho 5 bàn thắng là đủ để thuyết phục chủ tịch Florentino Perez chi ra 80 triệu euro để mua Rodriguez về Real Madrid từ AS Monaco.
Thế nhưng, sự thật là, bất kỳ cổ động viên nào của đội tuyển Colombia cũng như Monaco đều hiểu rằng, James không phải cầu thủ Colombia hay nhất ở thời điểm ấy. Đó phải là Radamel Falcao.
Sư tử trong chuồng
Một chấn thương đen đủi ngay trước thềm World Cup đã cướp mất cơ hội tỏa sáng ở tầm quốc tế của Falcao. Và đến nay, một quyết định sai lầm – chuyển tới Man United – đang cướp mất những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp của tiền đạo người Colombia.
United dĩ nhiên là một đội bóng lớn, còn Louis Van Gaal dĩ nhiên là một nhà cầm quân có tài. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa rằng mọi cầu thủ có thể tỏa sáng tại United hoặc chơi hay dưới sự dẫn dắt của Van Gaal. Falcao hẳn hiểu rõ điều đó hơn ai hết.
Tại Old Trafford, Falcao hầu như chưa bao giờ được trao trọng trách của một tay săn bàn chủ lực. Anh dường như không quen với việc này. Tại Porto, Andre Villas-Boas đẩy Hulk của Brazil ra cánh để Falcao làm ông chủ vòng cấm địa. Tại Atletico Madrid, Diego Costa chỉ là hộ công cho Falcao. Tại Monaco, anh là họng súng được ưu tiên trên hết. Nhưng tại United, anh phải chia sẻ cơ hội với Robin Van Persie, phải cạnh tranh với Wayne Rooney. Không có sự ưu tiên, không có cơ hội để tỏa sáng. "El Tigre" như một chú hổ bị nhốt trong chuồng - ốm yếu, nhớ nhung thiên nhiên.
Phải đến khi trở lại đội tuyển Colombia, với tuyên bố sẽ làm anh hồi sinh của HLV Jose Pekerman, Falcao mới thực sự là chính mình. Hai pha ghi bàn gọn gàng và một cú gật đầu kiến tạo đẳng cấp đã kết liễu Bahrain ngay từ hiệp một. Hình ảnh ấy thật khó kiếm tìm trên đất Anh.
Vì ai nên nông nỗi này?
Công bằng mà nói, một phần của vấn đề nằm ở chính Falcao. Tâm lý thiếu tham vọng ở cầu thủ này đã nhiều lần được thể hiện trong sự nghiệp.
Đầu năm 2008, khi còn là một cầu thủ giàu tiềm năng trong màu áo River Plate (Argentina), rất nhiều CLB đã để mắt và thậm chí hỏi mua anh. AC Milan ra giá 15 triệu bảng, West Ham đề nghị 9 triệu bảng. Một bên là CLB hàng đầu châu Âu, một bên là cơ hội thi đấu tại Premier League hào nhoáng, cuối cùng Falcao... từ chối cả hai, dù khi ấy River đang sa sút thảm hại.
Chuyển tới Porto và Atletico Madrid được cho là những bước đi khôn ngoan để phát triển bản thân. Nhưng điều lạ lùng là trong mùa hè 2014, dù đã nhận được sự quan tâm của Chelsea – nơi Jose Mourinho đang tìm kiếm cật lực cho một tiền đạo cắm đẳng cấp, Falcao bất ngờ quyết định tới... AS Monaco.
Lý do anh đưa ra là vì muốn đi theo bước chân của huyền thoại Thierry Henry – nghe chẳng hợp lý chút nào. Báo giới đưa ra một lý giải có sức nặng hơn: tại CLB công quốc, anh hưởng trọn 18,2 triệu euro tiền lương thưởng mà chẳng phải nộp thuế.
Ở tuổi 29, một lần nữa Falcao lại khiến người ta bất ngờ khi chuyển tới United. Đành rằng đó là một CLB lớn, nhưng điều này một lần nữa khiến người ta đặt câu hỏi rằng phải chăng anh đang cố trốn chạy Champions League, giải đấu đỉnh cao châu Âu? Monaco hiện đã có mặt tại tứ kết với Dimitar Berbatov là thủ lĩnh hàng công.
Việc lựa chọn những bước đi sai lầm trong sự nghiệp của Falcao dường như là... rất có hệ thống. Vậy một năm tồi tệ qua là vì anh hay vì ai?
23 Hai bàn vào lưới Bahrain đã đưa tổng thành tích của Falcao trong màu áo Colombia lên 23 bàn sau 55 trận. 0,63 & 0,21 Hiệu suất làm bàn của Falcao trong sự nghiệp thi đấu cấp CLB là 0,63 bàn/trận, nhưng tại Man United chỉ là 0,21 bàn/trận. 82,7 Cho tới trước khi tới Man United theo hợp đồng cho mượn, tổng giá trị chuyển nhượng của Falcao đã lên tới 82,7 triệu bảng sau 4 lần chuyển CLB. |
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Tags