(Thethaovanhoa.vn) - Remote tôi chưa từng dời xa chiếc tivi hay cái ghế sofa ấm áp nên chẳng biết đến Húng nhại ngoài rạp chiếu có thực sự là Đấu trường sinh tử như tên gọi của loạt phim hay không nhưng cuộc “khẩu chiến” của ông bà chủ nhà thì đúng là mang nghĩa đen của từ “sinh tử”, khởi phát từ “bão mạng”.
Ba tiếng đồng hồ tường thuật trực tiếp cuộc thi hoa hậu toàn quốc đã qua mấy ngày. Thế mà chẳng hiểu thế nào, ông chủ nhà vẫn cứ tiếng bấc, tiếng chì chê cô hoa hậu. Nào là trán cô ấy hơi rô, miệng cô ấy hơi nhỏ, gò má cô ấy hơi cao, tổng thể khuôn mặt thì không hài hòa. Ông chủ ít nói, nhưng hễ đã lên tiếng, nhất là chê bai, thì như ngôn ngữ của bọn trẻ, cứ gọi là... “xong phim”.
Nhưng bà chủ cũng chẳng phải vừa. “Ông không nghe người ta nói à: Đừng có đánh phụ nữ, dù chỉ bằng một nhành hoa. Sao đàn ông gì mà không biết trân trọng cái đẹp, cứ đua nhau lên facebook (trang cá nhân) nói xấu một cô gái 18 tuổi mới chỉ nhìn qua tivi chứ chưa hề gặp ngoài đời thực.
Ngay chuyện các ông mê bóng đá, chả ai cấm. Nhưng không thể vì chuyện một cầu thủ đội bạn có hành động bạo lực trên sân nhà với cầu thủ mình mà các ông vào facebook của họ chửi bới bằng những ngôn từ tục tĩu. Chê bai, lên án hành động xấu là việc nên làm, trẻ con vẫn thường được dạy thế, nhưng chẳng hiểu sao, người lớn thì lại hay... quên bài. “Fan” (người hâm mộ) như thế, phải bị phạt thẻ đỏ...” – bà chủ nhà nhấp một ngụm nước sau khi nói một lèo không nghỉ.
Mà cũng đúng thật, “fan” Việt, dù “mê” thể thao, hay văn hóa đều nhiều lần tỏ ra quá khích. “Fan” hôn ghế thần tượng vừa ngồi, hay “fan” nhà sư hôn môi ca sĩ thần tượng... giờ là chuyện xưa như trái đất. “Fan” bây giờ có thể ngay lập tức lên mạng xã hội bày tỏ quan điểm. Họ có thể thoải mái chửi bới, lăng mạ... bằng những ngôn từ thô tục vì cho rằng đó là trang cá nhân, muốn làm gì thì làm. Nhưng, rõ ràng, những thứ “rác” văn hóa đó rất dễ lây lan nhất là khi được cổ súy. Và hậu quả thì khó lường, mà gần nhất là chuyện một ca sĩ nước ngoài đã tuyên bố chặn facebook của tất cả fan Việt vì đã có những ngôn từ quá khích.
“Chúng ta vẫn đau đầu để tìm một đại sứ du lịch quảng bá hình ảnh Việt Nam. Nhưng cứ thô lỗ, tục tĩu như thế trên mạng xã hội toàn cầu, hình ảnh của người Việt còn xấu xí đến mức nào nữa...” – lần này thì bà chủ ra “đòn quyết định” khiến ông chủ im lặng.
Nhân tiện, bà nhắc lại quy định ở trường mà cô chủ đang học về việc cấm tuyệt đối nói tục chửi bậy, kể cả viết tắt các từ thô tục trên facebook hay cả việc sử dụng nút like (nút thích), bình luận cũng được hướng dẫn “cần phải đọc kỹ nội dung của nó và phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm với những điều xấu không lành mạnh”.
Đấy, cũng chỉ tại người lớn nhiều việc hay quên thôi, chứ thật ra, facebook là phát minh của thời đại, nó có gì sai đâu khi người dùng gây ra “bão mạng”...
Remote
Thể thao & Văn hóa
Tags