(Thethaovanhoa.vn) - Chính thức ra mắt vào 24/8, Việt vị của NXB Kim Đồng và Thương hiệu Wings Books, là một thử nghiệm đặc biệt cả về nội dung và hình thức so với những cuốn sách viết về môn thể thao vua.
- Sau Công Vinh, đến lượt kình ngư Ánh Viên ra tự truyện
- Công Vinh khiến nhiều người 'sốc' vì thông tin trong tự truyện
1. “Có lẽ từ bao lâu nay, chúng ta xem bóng đá còn là để kiếm tìm cái gì đấy chân thật giữa người với người. Con người vốn ít khi có dịp để thật với nhau về cảm xúc, ấy vậy mà tình yêu bóng đá, vô tình thôi, lại là dịp cho chúng ta thật với nhau về cảm giác.
Cái gì cũng có hai mặt. Thắng thua là chuyện bình thường. Thế mà, chơi cái môn này, ai cũng chỉ muốn thăng. Chính vì cái tính hiếu thắng ấy mà nhiều lúc trong lịch sử bóng đá, con người ta đã thua rất nhiều”.
Đó là những chia sẻ từ Duy Đào, một trong 2 tác giả của Việt vị. Người còn lại là Dũng Lê (hiện làm việc tại trung tâm bóng đá PVF), cây viết từng cộng tác với nhiều tờ báo thể thao, trong đó có Thể thao & Văn hóa.
Ý tưởng về sự liên quan giữa 2 mặt thắng – thua ấy cũng xuyên suốt trong cuốn sách, với những gì được thể hiện. Nói đúng hơn, nếu phần “thắng” của bóng đá là vẻ hào nhoáng, sôi động của những trận cầu cuồng nhiệt vẫn được cả thế giới biết đến thì phần “thua” của nó lại chìm khuất hơn, với những câu chuyện đôi khi mở rộng ra ngoài phạm vị bóng đá và liên quan tới số phận của những con người.
Và, khác với những cuốn sách thông thường viết về đề tài bóng đá (tự truyện, kiến thức phổ thông, các đội tuyển và các câu lạc bộ, những kỉ lục, các huyền thoại…), Việt vị ập trung khai thác những mặt ít được nói đến, ít được nhìn thấy: những “góc tối” trong lịch sử của môn thể thao vua.
“Trái bóng cổ điển gồm 32 mảnh ghép. 12 trong đó là những mảnh màu tối, chiếm 37,5%. Chúng ta có thể xem con số đó là một biểu tượng của môn thể thao vua - những mặt đẹp, tích cực, trong trẻo chiếm tới 62,5%. Phần còn lại sẽ được nói đến trong cuốn sách này” – Dũng Lê viết.
2. Cả Duy và Dùng đều thuộc thế hệ 9x, nghĩa là còn rất trẻ. Dũng được biết tới như một cây viết quen thuộc trong lĩnh vực phân tích bóng đá (anh từng được biết tới trong vai trò sáng lập viên trang web 4231.vn chuyên về mảng này) thì Duy từng tốt nghiệp khoa thiết kế tại Art Center College of Design, Los Angeles, Mỹ.
Lý do để họ hợp tác bắt đầu từ một bài khóa luận về thiết kế sách của Duy. Được bạn bè giới thiệu, anh tìm đến Dũng. Và dự án về Việt vị ra đời, với những thể nghiệm đặc biệt về thiết kế, cũng như cách tiếp cận khá độc đáo trong nội dung.
Tên gọi của sách, như chia sẻ của 2 tác giả, cũng giống với Luật việt vị, một luật rất nhạy cảm trong bóng đá. Phạm luật này cầu thủ không bị đuổi khỏi sân, không bị coi là phi thể thao, nhưng việc thổi hay không thổi việt vị ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả trận đấu và thường gây tranh cãi
Và những câu chuyện được đề cập tới trong Việt vị cũng nhạy cảm và gây tranh cãi như vậy. Đó là “Trận chiến Santiago” tại Chile năm 1962 và sự ra đời của luật thẻ vàng, thẻ đỏ; là vấn đề nhức nhối “hooligan” và tệ nạn ngoài sân cỏ; là những “sự thật giật mình” về công cuộc đăng cai World Cup hay góc tối phía sau kì tích của đội tuyển Hàn Quốc tại Worldcup 2002.
Đặc biệt, với phần thiết kế của Duy Đào, toàn bộ hình thức thể hiện của Việt vị được lấy cảm hứng từ chính bộ môn bóng đá. Sách dày hơn 300 trang, có kích thước mô phỏng theo tỉ lệ sân bóng đá tiêu chuẩn. Thiết kế tận dụng màu xanh của mặt cỏ sân bóng, màu trắng của vạch vôi, màu vàng và đỏ của các loại thẻ, sự tương phản giữa hai mặt sáng - tối khi dùng hai màu đen-trắng.
Thậm chí, ở nhiều trang viết, các hình ảnh và thông tin được thể hiện dưới hình thức của một khán đài bóng đá, giúp khán giả có thể theo dõi từ…4 phía quanh “mặt sân”.
Khá thú vị, ngay trong lần in đầu tiên, Việt Vị có tới 5 phiên bản bìa màu khác nhau. Tất cả đều là những màu sắc đặc thù của bóng đá, bao gồm màu đỏ (của tấm thẻ đỏ), màu vàng (thẻ vàng), màu xanh lá (mặt cỏ sân bóng), màu trắng ( những góc sáng tươi đẹp) và màu đen (những góc khuất tối tăm).
Cúc Đường
Tags