Chiều 26/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.
Đối với các trường tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, Quy chế nêu rõ nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển là duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014 và các năm trước (khối thi truyền thống) để xét tuyển. Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10), và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Về tổ chức xét tuyển, các trường sẽ tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ.
Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Đối với nguyện vọng I, thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Đối với nguyện vọng bổ sung, thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng, Quy chế nêu rõ yêu cầu về đảm bảo chất lượng đầu vào như yêu cầu riêng đối với trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển theo môn hoặc xét tuyển dựa trên tổ hợp các môn học ở Trung học phổ thông, việc lựa chọn tổ hợp môn thi hoặc tổ hợp môn học dùng để xét tuyển được thực hiện theo quy định của Quy chế này. Trường sử dụng phương án thi tuyển cũng có yêu cầu thực hiện theo quy định tại Quy chế này. Những trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập Trung học phổ thông, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với hệ đại học và 5,5 đối với hệ cao đẳng (theo thang điểm 10).
Trường đại học, cao đẳng đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và trường cao đẳng cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp Trung học phổ thông tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định tại khoản 3 Điều này. Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Đối với trường xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp vào các ngành học trình độ cao đẳng , phải quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh cách thức xét tuyển vào ngành học phù hợp và các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông và được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận.
Đối với các trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển, Quy chế nêu rõ yêu cầu đề thi các môn văn hóa phải thực hiện theo quy định tại Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia.
Đối với các môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù khác thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh do Hiệu trưởng ban hành sau khi lấy ý kiến của Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Ngọc Anh- TTXVN
Tags