“Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng toả Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời…”. Mỗi mùa thu đến, những câu hát “Ca ngợi Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Văn Cao lại vang lên như gợi nhớ về một mùa thu lịch sử.
79 năm trước, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và cũng ngày này 55 năm trước, ngày 2/9/1969, Bác Hồ đã ra đi, để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng ta.
Hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc
Để có Ba Đình tỏa nắng mùa thu, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (1). Người thanh niên mảnh khảnh bước lên tàu để vượt đại dương bao la, đằng sau là ánh nắng ấm áp của quê hương để đến với những mùa đông giá lạnh nơi xứ người. Nhà thơ Chế Lan Viên đã tả lại những khó khăn, vất vả này của Người qua những câu thơ: “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?” (Người đi tìm hình của nước).
Trong hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các châu lục Âu, Á, Phi đến Mỹ latinh, trong một không gian rộng lớn đa sắc màu; trong một thời gian dài rộng đầy biến cố lịch sử. Và hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp. Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Với trí tuệ thiên tài, tầm nhìn vượt thời đại, Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, dày công chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời một đảng cách mạng chân chính - Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tạm biệt đất nước ra đi từ một thành phố phía Nam, 30 năm sau, ngày 28/1/1941, Người trở về Tổ quốc ở vùng núi cao phía Bắc (Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Người trở về mang theo con đường giải phóng, con đường cách mạng, độc lập cho dân tộc, tự do cho giống nòi.
Tháng 8/1945, với tư duy chính trị nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày 2/9/1945, cả Thủ đô Hà Nội bừng sáng, khắp mọi nẻo đường, con phố đều rực rỡ cờ, hoa và biểu ngữ. Từng dòng người hớn hở, tươi vui từ các ngả đổ về Ba Đình để dự ngày lễ thiêng liêng nhất của dân tộc trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Trước hàng chục vạn đồng bào, trên lễ đài, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Vị thế và quyền của dân tộc Việt Nam, "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Ðồng minh chống phát xít mấy năm nay" (2) đã được Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập" (3).
Trong đoạn cuối của bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (4). Và những gì diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ sau đó đã chứng minh cho lời khẳng định trên của Người. Cùng với Trung ương Đảng, Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Người đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc những mốc son sáng chói trong các cuộc đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập cho tổ quốc, bảo vệ tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đó là là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao với Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”; là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vững bước tiến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
“Phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân"
Ðối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc không tách rời với thống nhất Tổ quốc và độc lập, thống nhất Tổ quốc, gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Vì “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (5) nên phải làm sao cho mọi người được ăn no, mặc ấm, được sung sướng, tự do.
“Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, Người luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên lợi ích của bản thân. Người bộc bạch chân thành trước quốc dân đồng bào: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (6). “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. (7)
Chính vì thế, sau Cách mạng Tháng Tám, Người phát động ngay việc diệt “giặc đói”, cứu đói dân nghèo. Người mẫu mực thực hiện trước: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (8). Sau này, Người luôn nêu cao khẩu hiệu “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Đi đến đâu Người cũng hỏi đời sống của người dân, việc phát triển kinh tế thế nào và động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống.
Sau Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở và dành tâm trí cùng Trung ương Đảng tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một đất nước còn nghèo và nhiều năm có chiến tranh khốc liệt. Tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân, Người nói: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người nhắc nhở, từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đến mỗi cán bộ, đảng viên, đều phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người yêu cầu, để làm tốt trách nhiệm “là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”, thì cán bộ phải gần dân, hiểu nguyện vọng của dân, để kịp thời giúp đỡ và “giải quyết các mắc mớ ở nơi dân”. Người đả phá quyết liệt những tư tưởng quan liêu, xa dân, lên mặt “quan cách mạng”, cơ hội, cậy quyền thế, đè đầu, cỡi cổ nhân dân.
Là người lãnh đạo cao nhất của một nước, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở đâu thì trái tim nồng hậu của Người vẫn luôn hướng về quần chúng nhân dân. Người quan tâm từ cụ già "xuân về đem biếu lụa" đến em nhỏ "trung thu gửi cho quà". Nhiều đêm Người không ngủ vì thương đoàn dân công "ngủ ngoài rừng" đến những người chiến sĩ "đứng gác ngoài biên cương". Nhìn phu làm đường vất vả, Người thấu hiểu và sẻ chia: “Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/Ngựa xe hành khách thường qua lại/Biết cảm ơn anh được mấy người”. (Phu làm đường-Nhật ký trong tù). Người chân thành thăm hỏi, động viên từ công nhân khu mỏ Quảng Ninh, đồng bào dân tộc miền núi, quê hương “năm tấn” Thái Bình, đến các đơn vị không quân tuổi trẻ anh hùng, các trường học... Người cũng dành tình thương đặc biệt đối với miền Nam và đồng bào miền Nam. Người từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Bởi vậy, mỗi khi có đại biểu, các chiến sĩ miền Nam ra thăm, Người đều tiếp đón, thăm hỏi, tặng quà, cùng chụp ảnh kỷ niệm... Người vô cùng đau xót khi thấy đồng bào bị áp bức, kìm kẹp và vui mừng khi được tin thắng lợi.
Trong con người Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà lại vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết, tin tưởng và gắn bó với quần chúng, hết lòng, hết sức chăm lo cho nhân dân. Người thường xuyên giáo dục cán bộ phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, và chính bản thân Người là tấm gương tiêu biểu. Nhân dân ta, từ các vị nhân sĩ trí thức đến bà con lao động, nhìn vào tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy tỏa ra ánh sáng của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Ở Người, chúng ta thấy sự gần gũi, ấm áp tình thương và sự bao dung; nếp sống giản dị và đức tính khiêm tốn. Trong cuộc đời, Người không màng xa hoa, không ưa những nghi thức trang trọng. Từ lúc làm thợ ảnh ở ngõ Côngpoăng (Pari, Pháp), đến khi là Chủ tịch nước ở thủ đô Hà Nội, Người luôn sống một cuộc đời thanh bạch, tao nhã. Ngôi nhà sàn đơn sơ, chỉ có hai phòng nhỏ là nơi Người vừa ở, vừa làm việc. Phương tiện sinh hoạt của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc giường đơn, một tủ quần áo nhỏ, một chiếc máy thu thanh, một đôi dép cao su, mấy bộ quần áo đơn sơ… Sự giản dị đó thật vĩ đại, vì Người đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho đồng bào.
Cho đến phút cuối đời Người vẫn canh cánh “nỗi lo dân nước, nỗi năm châu”, trong bản Di chúc Người căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (9). Ngay cả việc hậu sự của mình, Người cũng chỉ nghĩ đến dân, đất nước: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (10). Trong trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài 3 tháng trước khi Người đi vào cõi người hiền, Người nói "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi". Ðủ hiểu vì sao, trên giường bệnh, trước phút lâm chung, Người vẫn đau đáu chờ tin chiến thắng trên chiến trường miền Nam, Người vẫn hỏi về đời sống nhân dân, nhất là nông dân ở nông thôn trong những ngày đê vỡ, lũ lụt. Người vẫn quan tâm tới Tết Trung thu của các cháu thiếu nhi và việc chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới của các cháu.
Trong Di chúc ở những dòng cuối cùng, Người ra đi không có gì phải hối hận vì đã sống hết mình, đã phục vụ hết mình cho dân, cho nước. Người chỉ có điều tiếc nuối, "không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa" (11). Tâm nguyện của Người, điều mong muốn cuối cùng của Người ký thác vào toàn dân, toàn Ðảng là "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". (12)
Với hành trình 79 mùa Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người chính là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước đi lên.
Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
(1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr 5,6.
(2) (3) (4): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64.
(6): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.187.
(7): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.272.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.33.
(9) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.15, tr.622.
(10) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.15, tr.623.
(10) (11) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.15, tr.623.
(12) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.15, tr.624.
Tags