Quảng Ninh: Hạ Long hướng tới thương hiệu "Thành phố của lễ hội"

Thứ Ba, 25/06/2024 06:00 GMT+7

Google News

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất thu hút du khách, thành phố Hà Long - tỉnh Quảng Ninh đang triển khai hai đề án "Hạ Long - Thành phố của lễ hội" và "Hạ Long - Thành phố của hoa".

Từ làm mới các lễ hội

Với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, TP Hạ Long đang có những bước đi bài bản trong công tác lập quy hoạch, làm mới các lễ hội… trong triển khai Đề án "Hạ Long - Thành phố của Lễ hội". 

Từ năm 2007, UBND tỉnh đã tổ chức Carnaval Hạ Long làm tâm điểm của Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh. Đến năm 2014, Carnaval Hạ Long được tỉnh uỷ quyền về thành phố nhưng vẫn là sự kiện quy mô cấp tỉnh.

Carnaval Hạ Long được thành phố đổi mới theo từng năm thông qua việc thay đổi cách thức thể hiện nhưng vẫn giữ được các đặc trưng riêng có của Carnaval quốc tế, như: Huy động lớn số lượng diễn viên quần chúng địa phương và nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế có mối quan hệ với Quảng Ninh tham gia, diễn diễu đường phố... Đặc biệt, năm 2024, kịch bản chương trình đã sáng tạo, đổi mới và lần đầu tiên thành phố sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay (3D mapping, drone light, thực cảnh trên biển) để biểu diễn trong chương trình. Bằng việc đổi mới về cả nội dung và hình thức tổ chức, Carnaval Hạ Long 2024 một lần nữa đem đến sự bùng nổ, gây ấn tượng cho du khách với những màn trình diễn đặc sắc.

Bài Quảng Ninh chị Hằng biên tập - Hạ Long - Thành phố của lễ hội - Ảnh 1.

Màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long. Ảnh: Đức Hiếu/ TTXVN

Làm mới lễ hội Carnaval Hạ Long từ nội dung, hình thức đến không gian tổ chức là cách để TP Hạ Long khẳng định khát vọng đổi mới, tăng sức hấp hẫn cho thành phố biển, phấn đấu đưa Carnaval Hạ Long trở thành sản phẩm định vị thương hiệu du lịch quốc gia trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, chia sẻ: Hạ Long có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, đặc biệt là vịnh Hạ Long được UNESCO 3 lần ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Thành phố hiện có 13 lễ hội truyền thống và hiện đại, một số lễ hội truyền thống vừa qua đã được phục dựng, bảo tồn, phát huy, trong đó phải kể đến Carnaval Hạ Long được tổ chức hằng năm.

Bài Quảng Ninh chị Hằng biên tập - Hạ Long - Thành phố của lễ hội - Ảnh 2.

Màn biểu diễn của các nghệ sỹ nước ngoài tại Lễ khai mạc Carnaval Hạ Long 2024. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện tốt công tác phục hồi, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, như: Nâng cấp quy mô tổ chức Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn từ cấp phường lên cấp thành phố (từ năm 2023); mở rộng quy mô tổ chức Hội làng Bằng Cả gắn với phát triển du lịch (từ năm 2022); phục dựng tổ chức lại phần hội và phần lễ rước trong lễ hội Đình Trới (từ năm 2023). Việc một số lễ hội, sự kiện mới, nâng cấp các lễ hội truyền thống cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng được những thay đổi trong nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa mới của du khách và nhân dân, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Cả hai loại hình sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống và lễ hội mới bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để có thể thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa tinh thần, vật chất cho cộng đồng trong những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, TP Hạ Long đã triển khai xây dựng Đề án "Hạ Long - Thành phố của Lễ hội". Mục tiêu chung Đề án đặt ra là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.

Đến xây dựng sản phẩm có giá trị gia tăng về mặt kinh tế

Trong xu thế hiện nay, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển. Các tài nguyên thiên nhiên - con người - văn hóa đang là nền tảng, động lực quan trọng để TP Hạ Long khai phá mạnh tiềm năng, phát triển nhanh, bền vững ngành du lịch, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân. Việc tổ chức, nâng cấp các lễ hội, sự kiện phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay, nhất là nhiều địa phương trong cả nước và trên thế giới đã rất thành công trong việc kết hợp giữa công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Bài Quảng Ninh chị Hằng biên tập - Hạ Long - Thành phố của lễ hội - Ảnh 3.

Các đại biểu dâng hương tại Lễ hội Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, thực tế cho thấy, du lịch văn hoá chính là ngành công nghiệp văn hoá mà TP Hạ Long có ưu thế vượt trội so với các thành phố khác trong cả nước. Du lịch văn hoá không chỉ đóng góp doanh thu lớn cho ngành kinh tế, mà còn có khả năng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá khác cùng phát triển (điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, phát thanh và truyền hình, thủ công mỹ nghệ...).

Xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của lễ hội là hướng đi rất đúng đắn để đưa các lễ hội, di sản văn hóa thực sự trở thành sản phẩm có giá trị gia tăng về mặt kinh tế.

Quyết tâm xây dựng thành phố của lễ hội, trước mắt, thành phố tập trung xây dựng và hoàn thiện phố đi bộ Hàn Quốc (khu di lịch Bãi Cháy), xây dựng phương án đưa khu vực ngọn Hải Đăng thành tổ hợp vui chơi, giải trí và địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ ít nhất mỗi tháng một lần. Thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan triển khai việc trồng cây xanh, trồng hoa theo mùa tại khuôn viên Công viên Sun Group (phường Bãi Cháy) và khu vực đất trống của Tập đoàn BIM tại phường Hùng Thắng để tạo cảnh quan cửa ngõ vào thành phố; đồng thời, triển khai trồng hoa anh đào tại xã Kỳ Thượng, duy trì Thiên đường hoa Quảng La, chợ hoa Đồng Chè (phường Hoành Bồ), dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hóa núi Bài Thơ, dự án mở rộng, tu bổ và tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ.

Bài Quảng Ninh chị Hằng biên tập - Hạ Long - Thành phố của lễ hội - Ảnh 4.

Đoàn rước Đức Ông bắt đầu khởi hành từ đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vòng qua một số tuyến đường lớn của thành phố Hạ Long. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Xác định sản phẩm du lịch tâm linh là thế mạnh của thành phố trong tương lai chỉ sau việc khai thác giá trị của Vịnh Hạ Long. Do vậy, thành phố đã khẩn trương hoàn thiện việc quản lý quy hoạch các điểm di tích, các dự án, công trình liên quan đến cải tạo di tích, thắt chặt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xung quanh lễ hội, đền, chùa.

Như vậy, có thể khẳng định, việc xây dựng và triển khai Đề án "Hạ Long - Thành phố của lễ hội" là cơ sở quan trọng cho việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, điểm nhấn cho ngành du lịch thành phố, thúc đẩy hoạt động du lịch bốn mùa và là sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có, tạo sự khác biệt, tăng cạnh tranh giữa các điểm đến, tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Đề án cũng quảng bá sâu rộng về văn hoá, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người Hạ Long hào sảng, thân thiện, mến khách.

Xây dựng thương hiệu Hạ Long - "Thành phố của hoa"

Song song với Đề án "Hạ Long - Thành phố của lễ hội", thành phố cũng xây dựng Đề án "Hạ Long - Thành phố của hoa".

Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, việc xây dựng Hạ Long trở thành "thành phố của hoa" nhằm chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tạo cảnh quan đô thị đẹp, đẳng cấp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu "Hạ Long - Thành phố của hoa" gắn với "Hạ Long - Thành phố của lễ hội."

Đề án "Hạ Long - Thành phố của hoa" được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, tổng kinh phí triển khai xây dựng đề án giai đoạn 2024 -2025 trên 43 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 270 tỷ đồng.

Minh Anh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›