Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/11, Raquel Viana, Trưởng nhóm Nghiên cứu khoa học tại Lancet, một trong những phòng thí nghiệm tư nhân lớn nhất Nam Phi, bàng hoàng khi giải trình tự gene 8 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bà phát hiện chúng đều mang một số lượng lớn các đột biến, đặc biệt trong protein đột biến mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào tế bào của con người.
Ngay lập tức, bà Viana nhấc máy gọi cho chuyên gia giải trình tự gene Daniel Amoako, một đồng nghiệp tại Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) ở Johannesburg. Bà chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không biết làm thế nào để diễn giải mối lo ngại này. Nó giống như một biến thể mới”.
Chuyên gia Amoako và nhóm nghiên cứu của mình tại NICD sau đó đã dành 2 ngày cuối tuần 20 và 21/11 để xem xét 8 mẫu bệnh phẩm mang virus SARS-CoV-2 mà bà Viana đã gửi cho họ. Tất cả 8 mẫu này đều có những đột biến giống nhau. Chuyên gia Amoako cùng các
đồng nghiệp chợt nhận thấy trong tuần qua, Nam Phi đã ghi nhận sự tăng vọt số ca mắc mới COVID-19. Thực tế này được nhìn nhận như một chỉ dấu báo hiệu sự xuất hiện của một biến thể mới.
Trong khi đó, chuyên gia Viana đã được một đồng nghiệp cảnh báo về một gene mục tiêu không được phát hiện (S-gene dropout) trong mẫu bệnh phẩm vào đầu tháng này.
Đây là một trong những đột biến mà sau này các nhà khoa học dùng để phân biệt biến thể Omicron với biến thể Delta đang chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Vào ngày 23/11, sau khi thử nghiệm 32 mẫu khác được thu thập từ Johannesburg và Pretoria, chuyên gia Amoako đã phát thốt lên: “Mọi chuyện đã rõ. Thật đáng sợ”.
Ngay lập tức, nhóm NICD đã thông báo cho Bộ Y tế và các phòng thí nghiệm khác trên khắp Nam Phi để giải trình tự gene và sau đó đều cho ra kết quả tương tự. NICD đã tải dữ liệu lên cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu GISAID và phát hiện ra Botswana và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã báo cáo các trường hợp có kết quả giải trình tự gene tương tự.
Đến ngày 24/11, NICD và Bộ Y tế Nam Phi thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vào giai đoạn đó, bà Viana cho biết hơn 2/3 các xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở tỉnh Gauteng, bao gồm Pretoria và Johannesburg, đều cho thấy sự xuất hiện của S-gene dropout - một dấu hiệu phản ánh biến thể Omicron đang dần trở nên phổ biến. Với sự xuất hiện của Omicron, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của Nam Phi được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần lên hơn 10.000 ca vào cuối tuần này.
Trao đổi với hãng tin Reuters, ba nhà khoa học được phỏng vấn cho biết các nhà nghiên cứu đang nỗ lực xác định mức độ nghiêm trọng và khả năng Omicron có thể né được hàng rào bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 trong khoảng 3-4 tuần tới. Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang cân nhắc ban hành quy định tiêm chủng bắt buộc, trong bối cảnh nước này đã ghi nhận 3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 89.000 ca tử vong.
- WHO: Cấm đi lại đại trà không thể ngăn biến thể Omicron lây lan
- Hàn Quốc phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron
Việc phát hiện ra biến thể Omicron ở Nam Phi đã kích hoạt cảnh báo toàn cầu. Nhiều chuyến bay đi và đến các nước châu Phi bị huỷ, các lệnh cấm đi lại được nhiều nước thiết lập vì lo ngại biến thể mới này có khả năng lây lan nhanh chóng ngay cả trong những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nam Phi đã lên tiếng phản đối những động thái này.
Các nhà khoa học cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo bởi họ cam kết thực hiện nghĩa vụ đạo đức của việc chia sẻ dữ liệu nhanh chóng. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đối phó dịch bệnh Nam Phi Tulio de Oliveira nhấn mạnh: “Thế giới nên hỗ trợ Nam Phi và châu Phi chứ không phải phân biệt đối xử hoặc cô lập. Bằng cách bảo vệ và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta sẽ bảo vệ thế giới!”.
Phương Oanh/TTXVN
Tags