Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt trên khắp các mặt trận thông tin, kịp thời phản ánh tin tức, hình ảnh từng vùng giải phóng từ miền Trung, Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Những chiến sĩ thông tin bừng bừng khí thế và niềm tin chiến thắng, bám sát từng cánh quân của quân giải phóng, tiến vào Sài Gòn trong trận chiến cuối cùng.
Chiến thắng tới đâu, phát tin tới đó
Tiếp theo đoàn chi viện lớn tháng 3/1973, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Việt Nam Thông tấn xã tiếp tục cử thêm các đoàn kỹ thuật viên, điện báo viên vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Trong giai đoạn lịch sử này, Việt Nam Thông tấn xã coi việc chi viện cho miền Nam là ruột thịt, cho Thông tấn xã Giải phóng là nhiệm vụ thiêng liêng.
Vào tháng 3/1975, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đã làm đơn xin tham gia đoàn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vào mặt trận Trị Thiên. Chính ông cũng không ngờ, chuyến đi đó trở thành chuyến đi dọc chiều dài đất nước, kết thúc vào đúng trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Các phóng viên GP10 Trần Mai Hưởng và Ngọc Đảm tham gia đưa tin về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong hành trình vừa đi đường vừa viết của mình, nhà báo Trần Mai Hưởng không nhớ đã đi qua bao nhiêu con đường, mặt trận, hoàn thành bao nhiêu bài viết, bức ảnh, nhưng ông tự hào là một trong những phóng viên có mặt sớm nhất, kịp thời đưa tin giải phóng ở những mặt trận chiến lược.
“Sau một đêm đi bộ hành quân từ Quảng Trị vào đến Huế, sáng sớm hôm đó, tôi đi một vòng thành phố và đến Phu Văn Lâu khoảng hơn 10 giờ, kê ba lô lên bậc thềm rồi lấy sổ, bút ra viết bài “Huế cờ đỏ bay”. Bài báo hoàn thành trong 45 phút, vừa kịp thời gian gửi xe đem ra Quảng Trị - nơi có khu điện đài để phát tin. Sau đó, tôi cũng là người viết bài báo đầu tiên về việc quân ta giải phóng Đà Nẵng. Những bản tin nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn vì sau Huế và Đà Nẵng, ai cũng cảm nhận được ngày giải phóng miền Nam đang đến rất gần”, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.
Khi mặt trận Tây Nguyên và Đông Nam Bộ lần lượt được giải phóng, nhà báo Hoàng Đình Chiến đang bám sát Phòng Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Miền, liên tục viết các tin, bài bình luận về diễn tiến chiến sự hằng ngày. Khi Xuân Lộc được giải phóng và nhận được thông tin “Một phi công Ngụy phản chiến sau khi lái máy bay F5 ném bom Dinh Độc Lập và kho xăng Nhà Bè, anh đã hạ cánh an toàn xuống vùng giải phóng”, nhà báo Hoàng Đình Chiến đang ở Tà Thiết (Lộc Ninh, Bình Phước) nhận được chỉ đạo phải viết nhanh bài bình luận “Một hành động yêu nước, thức thời”. Chiều hôm đó, khi bản tin được đọc trên sóng phát thanh, Thượng tá Ngô Thế Kỷ đã “thưởng” một bao thuốc lá Thăng Long với lời khen: “Cậu khá lắm!”.

Phóng viên VNTTX và TTXGP tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tại căn cứ “R” Tây Ninh, từ đầu tháng 4/1975, tình hình trở nên gấp rút. Sáng 6/4/1975, nhà báo Trần Thanh Xuân, Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, đã triệu tập nhà báo Nguyễn Thanh Bền cùng bốn thành viên khác để thành lập tổ Thông tấn xã Giải phóng đầu tiên xuống đường phố Sài Gòn thu thập thông tin, ghi nhận, phản ánh tình hình, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân dân ta.
“Hành quân tới đâu, phóng viên tin tranh thủ tốc ký, ghi nhận tình hình; phóng viên ảnh tranh thủ thu mở ống kính ghi lại từng khoảnh khắc quý giá bởi thời gian, sự kiện… là những thứ "một đi không trở lại". Trong mỗi trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của Thông tấn xã Giải phóng đã kịp được phát đi, Đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước”, nhà báo Nguyễn Thanh Bền tự hào kể.
Với tinh thần “Làn sóng điện không bao giờ tắt”, Thông tấn xã Giải phóng cùng với các phóng viên Việt Nam Thông tấn xã vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, dù đang chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ.
Sát cánh trong từng mũi tiến quân
Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cơ quan Thông tấn xã Giải phóng tung ra các cánh quân. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ nhân sự cho đến trang thiết bị cần thiết, đội quân Thông tấn đã sát cánh cùng các cánh quân chủ lực, cùng quân và dân ta bước vào trận đánh cuối cùng - giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cánh thứ nhất gồm nhiều mũi, đi trước theo các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhiều tổ phóng viên, điện báo đã gấp rút được thành lập, khẩn trương bám theo các đơn vị tác chiến ra chiến trường, cùng bộ đội triển khai các mũi tiến công bao vây Sài Gòn.
Khi cuộc tổng tấn công bước vào thời điểm quyết định, Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng tiếp tục cử nhiều tổ phóng viên chiến trường tỏa đi các địa phương, nhất là các tỉnh lân cận Sài Gòn, theo Đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (bí danh Đoàn 14), là mũi “thọc sâu” đầu tiên từ hướng Tây Bắc tiến về Sài Gòn. Tổ thông tin Thông tấn xã giải phóng gồm nhà báo Bùi Thanh Liêm cùng phóng viên ảnh Nông Quang Khánh và ba báo vụ được phân công đi theo Quân đoàn 232 của mặt trận Tây - Tây Nam, do Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) làm tư lệnh, tiến về Sài Gòn.

Bộ phận kỹ thuật của TTXGP lắp ráp thiết bị thu phát tin, ảnh. Ảnh: TTXGP
Nhà báo Bùi Thanh Liêm vẫn nhớ rất rõ hành trình của những ngày tháng 4 cách đây tròn 50 năm. Ông kể lại, để đi theo chiến dịch này, phần lớn các phóng viên phải hành quân trong đêm, hoạt động trong địa hình phức tạp. Vì địa hình các tỉnh Tây Nam Bộ sông ngòi chằng chịt, xe tăng, pháo binh rất khó di chuyển nên ngoài tư trang, tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng phải cõng trên vai những chiếc máy thu, phát điện, vượt qua không biết bao nhiêu đầm lầy để tiến về Sài Gòn.
Ngày 28/4, đội đã áp sát được sông Vàm Cỏ Đông. Mục tiêu của quân đoàn 232 không phải tiến vào Dinh Độc Lập, mà phải tiêu diệt Tổng nha Cảnh sát và Trung tâm Thông tin Phú Lâm của Việt Nam Cộng hòa - Trung tâm lớn nhất của phía Nam (Quận 6 bây giờ). Sau đó, cánh quân này hành quân gấp rút về Đồng bằng sông Cửu Long, đóng quân ở Tân An, phòng thủ ở đó để chặn đường rút lui của quân địch.
Cánh thứ hai cũng là cánh chủ lực, có mật danh là Đoàn H3, bao gồm các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, hình thành một bộ khung khá đầy đủ, theo đoàn lớn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Phóng viên tin, ảnh được chia thành từng tốp, được hướng dẫn, gợi ý về chủ đề, mỗi người được phát một bản đồ về đô thành Sài Gòn có đánh dấu vị trí quan trọng của địch và hướng dẫn đường đi ngắn nhất từ các hướng tới thẳng Dinh Độc Lập.
Ngày 2/4/1975, một đoàn gồm các phóng viên Văn Bảo, Lam Thanh, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí, kỹ sư vô tuyến Phạm Lộc, điện báo viên Cao Xuân Tâm, cùng ba lái xe Phí Văn Sửu, Phạm Văn Thu, Đào Trọng Vĩnh do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu, vào chiến trường để phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân và dân ta.
Ngày 7/4/1975, tổ phóng viên, báo vụ, kỹ thuật do nhà báo Nguyễn Thanh Bền làm tổ trưởng, tải hết máy móc, điện đài, lương thực, đồ nghề xuất phát từ Xa Mát - Tây Ninh để đến vùng giải phóng Thanh An (Thủ Dầu Một - Bình Dương).
Tổ cứ liên tục ngày đi đêm nghỉ, lội qua nhiều đồng bưng để tránh đồn bốt, thám báo địch. Đến Củ Chi, các thành viên trong tổ chứng kiến sự gay go, ác liệt của chiến tranh khi "cứ quay một vòng bàn chân là có 3 mảnh bom đạn", nhưng người dân ai cũng vững lòng, đúng với tên gọi “Đất thép”.
Theo nhà báo Nguyễn Thanh Bền, giữa tháng 4/1975, tin chiến thắng, giải phóng từ khắp Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ đổ về. Hệ thống đồn bốt, cứ điểm Mỹ - Ngụy liên tiếp bị gỡ sạch. Các mảng vùng giải phóng nối liền nhau. Thừa thắng, các cánh quân của ta rút ngắn đoàn đường tiến về Sài Gòn.
“Ngày 18/4 trở đi, càng gần Sài Gòn, địch phản kích càng mạnh. Đoàn “cờ đèn kèn trống” chúng tôi phải bám sát bộ đội để bảo toàn lực lượng. Cách hành quân cũng thay đổi là ngày nghỉ đêm đi. Điểm trú quân thì nay cụm rừng chồi này, mai vườn cây ăn trái nọ, lúc ở đồng thuốc lá, khi núp dưới xẻo lá dừa nước để bám địa hình ém kín quân. Mỗi người phải tự đào công sự để trú ẩn và sẵn sàng chống địch càn”, nhà báo Nguyễn Thanh Bền hồi tưởng về những ngày tiến vào trung tâm đầu não của ngụy quyền Sài Gòn.
Ngày 29/4/1975, Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân thực hiện lệnh “thần tốc”, trực tiếp dẫn đầu đoàn phóng viên, nhân viên kỹ thuật từ căn cứ “R” tiến gấp về Sài Gòn để chứng kiến và ghi lại giờ phút lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Sáng 30/4/1975, tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã gồm các phóng viên Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái đã bám sát Quân đoàn 2 từ hướng Đồng Nai, qua cầu Xa lộ Đại Hàn tiến vào dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Bài cuối: Chứng nhân ngày chiến thắng
Tags