(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 24/11, tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chủ trì, trao Quyết định Chủ tịch PVN cho ông Hoàng Quốc Vượng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Việc kiện toàn cán bộ chủ chốt, người đứng đầu PVN để chèo lái con tàu dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển vững vàng trong giai đoạn tới là rất quan trọng. Trọng trách là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch PVN vừa là trách nhiệm lớn và cũng là vinh dự đối với đồng chí Hoàng Quốc Vượng trong giai đoạn phát triển mới hiện nay.
Biểu dương những nỗ lực của PVN trong vượt khó khăn kép do tác động của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy phương châm “Bản lĩnh, đoàn kết, đổi mới, hành động” để đưa PVN tiếp tục phát triển bền vững.
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Kêu gọi tàu, thuyền tránh trú và sơ tán dân đến nơi an toàn trước bão số 10
- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo
Theo đó, PVN cần tập trung đổi mới nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa những thành quả đã xây dựng và tích lũy được của Tập đoàn, những tinh hoa của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kịp thời nhạy bén trước những xu thế toàn cầu.
Cùng với đó, Tập đoàn cần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đang bị chậm so với yêu cầu, đảm bảo hiệu quả như: Chuỗi dự án khí điện Cá voi xanh, nhiệt điện khí Sơn Mỹ, Thị Vải; Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; đảm bảo công suất và hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch PVN tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành an toàn, đảm bảo chất lượng trong năm 2021-2022, giảm thiểu những thiệt hại do sai phạm đã xảy ra trước đây làm chậm tiến độ.
Ngoài ra, PVN cần xây dựng phương án sẵn sàng triển khai đề án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo xử lý các vấn đề còn tồn tại của 5 dự án khó khăn yếu kém của Tập đoàn là: Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và ba nhà máy nhiên liệu sinh học.
Phát biểu tại lễ nhận Quyết định, Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh các hoạt động của PVN trong thập niên cuối của thế kỷ trước vào đầu thế kỷ 21 này đã mang lại khoảng 25% nguồn thu ngân sách Nhà nước, là nguồn lực quan trọng để khôi phục, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế. Sự đóng góp của PVN cho đất nước không chỉ là dầu khí và ngoại tệ mà quan trọng hơn là những người lao động dầu khí đã luôn thể hiện tinh thần dấn thân, tiên phong, vượt qua gian nan, thử thách đồng hành cùng dân tộc.
Truyền thống hào hùng của ngành dầu khí Việt Nam luôn là niềm tự hào nhưng cũng nhắc nhở người lao động dầu khí tiếp tục phải nỗ lực vượt bậc để vượt qua những khó khăn hiện tại. Đó là sự suy giảm của thị trường dầu mỏ thế giới do đại dịch COVID-19, do xu hướng chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu; sự suy giảm sản lượng khai thác hàng năm của PVN trong khi gia tăng trữ lượng không đáp ứng yêu cầu; việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại các lô xa bờ cực kỳ khó khăn phức tạp; nhiều dự án đầu tư của PVN đang bế tắc, thua lỗ. Những khó khăn này cộng với khủng hoảng niềm tin trong PVN đang tác động lớn đến sự phát triển bền vững của PVN và ngành dầu khí Việt Nam.
Vì vậy, để vượt qua các thách thức rất lớn này, giải pháp chính là tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống của những người đi tìm lửa, dám chịu trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên tập đoàn, cùng với sự thấu hiểu, chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành.
PVN mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế chính sách phù hợp để Tập đoàn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành dầu khí Việt Nam và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Chủ tịch PVN cam kết sẽ cùng với tập thể lãnh đạo PVN, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả tiếp tục đưa PVN vượt qua khó khan, phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Trước đó, ngày 16/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1819/QĐ-TTg về việc điều động, bổ nhiệm đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Ngày 20/11/2020, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Quyết định số 12-QĐ/ĐUK chỉ định đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tính đến ngày 15/11, mọi mặt hoạt động của PVN vẫn được duy trì ổn định, tiếp tục có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 18,12 triệu tấn, bằng 89% kế hoạch năm; sản xuất điện đạt 16,7 tỷ kWh; sản xuất đạm đạt 1,57 triệu tấn, vượt 0,6% kế hoạch cả năm; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 10,2 triệu tấn, bằng 86,5% kế hoạch năm.
Về chỉ tiêu tài chính: tổng doanh thu toàn PVN đạt 487 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 61,7 nghìn tỷ đồng.
Đồng chí Hoàng Quốc Vượng sinh năm 1963, tốt nghiệp Trường Đại học Địa chất thăm dò Matxcova (MGRI), đây là một ngôi trường danh tiếng trong lĩnh vực khai thác mỏ. Quá trình công tác, đồng chí đã kinh qua một số chức vụ trọng yếu: từ tháng 6-2008 là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; từ tháng 8-2010, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương; từ tháng 9-2012 là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và giữ chức Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam; từ tháng 01-2015 đến nay, trước khi được điều động, bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Vượng là Ủy viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương. |
TTXVN
Tags