(Thethaovanhoa.vn) - Với ý nghĩa gửi lời tri ân tới nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng như động viên ông vượt qua cơn bạo bệnh, ê-kíp nghệ sĩ và gia đình nhạc sĩ tổ chức đêm nhạc Phó Đức Phương - Khúc hát phiêu ly vào tối nay, 10/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
1. “Thổn thức trong tôi một dòng sông
Bờ bến phiêu diêu giữa nước chảy mênh mông
Một dòng sông tha thiết con sóng dềnh
Biền biệt trôi trong nỗi hoài mong trắng xóa...”.
"Mỗi lần nghe những câu hát này, thực sự tôi đã khóc" - Phó Đức An, em trai nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ - "Tâm trạng giống hệt như khi tôi đứng bên cạnh giường bệnh của anh tôi, nhìn anh tha thiết như nhìn “một dòng sông” đang bị bão táp phong ba, giông tố vô thường giày vò, hành hạ, khiến trái tim tôi co thắt lại, quặn đau...
Thổn thức trong tôi là một dòng sông, không! Là hình ảnh người anh mà tôi yêu quý kính trọng đã hơn nửa thế kỷ qua. Anh tôi - Phó Đức Phương. Người nhạc sĩ cống hiến cả đời mình cho nền âm nhạc Việt Nam, từ lâu đã hòa tan linh hồn mình trôi theo thác ghềnh của những dòng sông quê hương và mang theo tâm tư tình cảm của một người con vùng đồng bằng Bắc bộ, của một trái tim Việt Nam.
“Ơi con sông hiền hòa, dịu dàng an ủi lòng ta
Ơi con sông thiết tha, chứa chan chung tình sâu nặng”.
Câu hát đã minh chứng rằng, dòng sông quê hiền hòa là động lực, là nguồn an ủi anh đứng vững trên đời, và tình yêu anh dành cho quê hương thủy chung, sâu nặng, chứa chan cùng con nước quê hương và cứ thế trôi đi, trôi mãi...
“Ơi con sông trôi suốt muôn đời, hãy cho ta gửi lời thương nhớ
Nhắc giùm ta về nơi góc biển, rằng phía đầu nguồn ta vẫn ngóng trông
Chảy đi sông ơi
Chảy đi kìa, sông ơi...”.
Cả một đời anh là sống và “chiến đấu” cho âm nhạc. Khi anh sáng tác, cũng như khi anh làm bản quyền âm nhạc, anh đều dành hết trái tim và khối óc của mình để sáng tác, để làm bản quyền. Giống như anh đã viết trong Chảy đi sông ơi: “Sông hiến mình tất cả. Ðời sông không hề tiếc vơi đầy”. Thật vậy, anh là một con người như vậy. Cả một đời anh không hề “cân đo đong đếm” những gì mình cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc, không suy nghĩ về tiền bạc, không suy nghĩ về công danh, anh luôn luôn vô tư, hồn nhiên đến với bạn bè như không hề biết mình có tuổi hay không có tuổi, “Sông mấy ngàn năm tuổi, mà sao sông trẻ mãi không già”.
Nhưng chứa chấp trong tâm hồn tưởng như vô tư ấy là một trái tim đau đáu thương quê, thương các mẹ các chị, thương dân thương nước. Tất cả những tình cảm ấy như những dòng sông cuồn cuộn chảy xiết. Chỉ thấy: “Hun hút con sông dài. Hun hút đôi bờ tê tái...”. Yêu quê đến tê tái ruột gan, anh đã dùng con chữ và âm nhạc thốt lên điều này.
Ngay từ những ngày đầu biết anh lâm bệnh, tất cả các thành viên trong gia đình họ Phó đều đau đớn không tin được đó là sự thật. Bởi trong con mắt tôi và mọi người, anh là gang, là thép, anh chưa hề bao giờ biết bệnh tật là gì, cũng như anh chưa bao giờ quỳ gối trước bão táp phong ba cuộc đời, trước những khó khăn của công việc mà anh cống hiến cho xã hội".
2. Trên đây là đoạn viết của em trai nhạc sĩ Phó Đức Phương đã làm xúc động trái tim đông đảo bạn bè trên Facebook ngày 26/6 vừa qua. Tôi có may mắn được gặp và phỏng vấn nhạc sĩ Phó Đức Phương cách đây 15 năm và sau này chơi với nghệ sĩ piano Phó Vũ Thư con gái nhạc sĩ.
Cuối năm 2017, tôi và các cộng sự Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội có vẽ bức tranh tường Hà Nội 12 mùa hoa trên đường Phó Đức Chính. Có một sợi dây tinh thần xuyên suốt về khí phách hiên ngang kiên cường của dòng họ Phó Đức từ nhân vật lịch sử -nhà cách mạng Việt Nam, sáng lập viên và một trong những lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng quê gốc tại làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đến nay trong dòng họ Phó Đức tiếp nối nhiều trí thức văn nghệ sĩ đa tài.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên chất âm nhạc dân tộc, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ thấm vào trong những ca khúc của Phó Đức Phương cho thấy tâm hồn vừa hào sảng vừa dung dị với tình quê, tình đất trong ông.
Âm nhạc Phó Đức Phương luôn mới mẻ, hùng tráng như dòng chảy cuồn cuộn không ngừng nghỉ của dòng sông, ẩn chứa trong đó những suy ngẫm, những triết lý của dòng chảy lịch sử, dòng chảy đời người. Ông đang tâm huyết hoàn tất những bản hùng ca về những nhân vật anh hùng có công giữ nước trong lịch sử Việt Nam.
Trước mắt, ông đã hoàn tất được 6 bài trong bộ trường ca ấy, cụ thể là: Văn Giang - Một khúc sông Hồng, Hoa Lư đại trận tập, Bạch Đằng bản hùng ca sông thiêng, Mãi mãi Việt Nam, Hội thề Mê Linh, Lời thề sông Hóa. Những bài hát này đã được trình diễn ở các chương trình khác nhau của khu vực, các hội diễn hoặc làn sóng đài truyền hình và phát thanh. Ông đang mong muốn khỏi bệnh để tiếp tục mạch sáng tác đang cuộn chảy này.
Những ngày này, nhạc sĩ Phó Đức Phương đang phải nằm điều trị trong một bệnh viện đa khoa quốc tế.
“Tôi và chị Thanh Lam rủ nhau vào viện thăm chú, chúng tôi thấy một đôi mắt sáng rực... Chú bảo muốn ra viện lắm rồi, chú còn những lời hẹn với âm nhạc mà chưa hoàn thành” - ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ với giọng xúc động trong buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu về đêm nhạc tôn vinh người nhạc sĩ tài ba.
3. Đêm nhạc Khúc hát phiêu ly có sự tham gia của những giọng ca gắn bó với nhạc sĩ Phó Đức Phương, như: NSƯT Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Minh Thu và những gương mặt trẻ như: Nhóm Oplus, nhóm M4U, ca sĩ Phương Anh. Ngoài ra, có sự tham gia của nghệ sĩ chèo Thu Huyền; 2 người bạn thân thiết của ông là nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ đảm nhiệm vai trò người dẫn chuyện.
Điểm nhấn của đêm nhạc sẽ là sự xuất hiện của những người thân của nhạc sĩ Phó Đức Phương, đó là con gái đầu lòng Phó Vũ Thư, con trai Phó Đức Hoàng. Họ sẽ trình tấu những bản nhạc do chính họ sáng tác, như là món quà đặc biệt gửi tặng đến cha của mình.
Con gái thứ hai của ông, nghệ sĩ Phó Khánh Chi, đảm trách vai trò xây dựng kịch bản đêm nhạc cho biết: “Mặc dù đã ngoài 70 tuổi và đang điều trị bệnh, nhưng ông vẫn đầy lạc quan, sung sức và đầy ắp ý tưởng trong việc sáng tác âm nhạc. Ông dự định viết về những nhân vật lịch sử để những thế hệ sau này sẽ nhớ về những người hùng áo vải của dân tộc thông qua các sáng tác của ông. Hy vọng sau đêm nhạc này, bố tôi sẽ được tiếp thêm sức mạnh, ý chí vượt qua bệnh tật để tiếp tục với những công việc còn đang dang dở của mình”.
Trong những ngày chuẩn bị cho đêm nhạc đặc biệt Khúc hát phiêu ly, Phó Khánh Chi tâm sự: “Trái tim tôi như nghẹn lại, ngộp thở trào dâng cảm xúc khi nghĩ lúc này đây, bao nghệ sĩ, ca sĩ, dàn nhạc, vũ công, nhà thiết kế, đạo diễn âm nhạc, đạo diễn sân khấu, ê-kíp làm phim, tổng đạo diễn đang miệt mài tập luyện. Tất cả đều đầy hào hứng sáng tạo trao đi những gì đẹp nhất, tuyệt vời nhất cho đêm duy nhất 10/7 tại Nhà hát Lớn dành tặng cho nhạc sĩ Phó Đức Phương, người nhạc sĩ hơn 50 năm con đường âm nhạc, 18 năm nhọc nhằn đằng đẵng khổ ải bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, người có nhiều đóng góp cho lĩnh vực âm nhạc cho điện ảnh và sân khấu, được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (2001) cùng rất nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý khác... Tình yêu diệu kỳ sẽ khiến con người ta thêm sức mạnh. Và cuộc sống luôn hiện hữu những điều tuyệt vời, nếu ta luôn hướng tới...”.
Cầu mong điều kỳ diệu sẽ sẽ giúp nhạc sĩ vượt qua bạo bệnh để tiếp tục chắp cánh cho những bài hát ông đang ấp ủ dở dang, tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam như ông đã và đang làm trong những thập niên qua.
“Thành viên” của “Bộ tứ sông Hồng” Có thể nói, âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo nên sự đa sắc cho nhạc Việt những năm 1980-1990, đặc biệt là suốt thập niên 1990, âm nhạc của Phó Đức Phương cùng các nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường tạo nên một làn sóng nhạc nhẹ thời kỳ Đổi mới, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của nhạc nhẹ Việt Nam sau này, danh xưng “Bộ tứ sông Hồng” đã nổi lên tên tuổi của 4 người nhạc sĩ tài năng. |
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy
(Tác giả Con đường gốm sứ ven sông Hồng)
Tags