Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày công nhận Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo

Thứ Bảy, 27/04/2019 07:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 26/4, tại Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày công nhận Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo (29/4/1979-29/4/2019) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng III.

Ngắm Côn Đảo xưa và nay qua 55 bức ảnh

Ngắm Côn Đảo xưa và nay qua 55 bức ảnh

55 tấm ảnh tư liệu về Côn Đảo xưa và nay được Bảo tàng Côn Đảo phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng nhằm giới thiệu đến du khách và người dân thành phố Đà Nẵng

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cựu tù Côn Đảo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Côn Đảo đã dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động Hạng III tặng tập thể Ban Quản lý Khu Di tích Côn Đảo vì đã có thành tích xuất sắc trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Mạnh Dương-TTXVN

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, huyện Côn Đảo tiếp tục triển khai thật tốt các quyết định của Trung ương đối với Côn Đảo, chỉ đạo tập trung 5 định hướng phát triển đối với Côn Đảo đã đề ra. Tỉnh cần có chiến lược phát triển Côn Đảo gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam. Tỉnh đặc biệt quan tâm phát huy giá trị của Khu Di tích để tạo nên một Côn Đảo đặc sắc, trở thành “Viên ngọc xanh” quý hiếm của cả nước, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước cũng như thu hút nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho tỉnh và huyện trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, tuyên truyền về vai trò ý nghĩa lịch sử của Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo để phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc đến thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế nhằm tăng cường tìm hiểu, quảng bá văn hóa, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch, nâng cao uy tín, vị thế đất nước.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm đặc trưng, độc đáo mang thương hiệu riêng của Côn Đảo, chú trọng công tác bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển dịch vụ du lịch xanh trên đảo một cách tổng thể, để phát triển bền vững. Tỉnh thực hiện tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, quan tâm nâng cao đời sống gia đình các Anh hùng, Liệt sỹ, chiến sỹ đã hy sinh, các cựu tù còn sống…

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng bức ảnh lưu niệm cho Ban Quản lý Khu du lịch Côn Đảo. Ảnh: Mạnh Dương-TTXVN

Trong suốt 113 năm tồn tại (1862-1975), tại Nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sỹ cách mạng, những người yêu nước Việt Nam, biến Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian”. Thời thực dân Pháp, nhà tù Côn Đảo có 4 trại giam chính gồm: Banh I, banh II, banh III, banh IV và hệ thống các Sở vừa là nơi giam giữ vừa là nơi lao dịch khổ sai. Thời Mỹ - Ngụy đã xây dựng thêm 4 trại giam, đưa hệ thống nhà tù Côn Đảo lên 8 trại với 127 phòng giam, 44 xà lim và hệ thống “chuồng cọp Pháp”, “chuồng cọp Mỹ” với 504 phòng.

Bất chấp lao tù, sự đàn áp dã man của địch, các chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước Việt Nam đã kiên cường, giữ vững khí tiết “thà hy sinh chứ nhất định không chịu đầu hàng” đã biến ngục tù Côn Đảo thành “Trường học đấu tranh cách mạng”. Nhiều đồng chí đã trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta như các đồng chí: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh…

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động Hạng III cho tập thể Ban Quản lý Khu di tích Côn Đảo. Ảnh: Mạnh Dương-TTXVN 

Với những giá trị lịch sử đặc biệt ấy, ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa thể thao đã ra quyết định số 54/VHTT.QĐ đặc cách công nhận Khu Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận Di tích Côn Đảo là Di tích Quốc gia đặc biệt với tổng diện tích bảo vệ hơn 110ha.

Trong suốt 40 năm qua, Khu Di tích Côn Đảo luôn được bảo tồn và phát huy giá trị, qua đó đã giúp giáo dục lòng yêu nước, lịch sử đấu tranh hào hùng của các chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước trong hai cuộc khác chiến chống thực dân và đế quốc cho nhân dân cả nước. Tính đến nay, có di tích đã tồn tại trên 150 năm như di tích Phú Hải, Phú Sơn, nhà Chúa đảo…
Khu Di tích Nhà tù Côn Đảo đã luôn được phát huy giá trị một cách tốt nhất trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng.

Trong 40 năm qua, Khu di tích Nhà tù Côn Đảo đã đón trên 1,5 triệu lượt khách tham quan tìm hiểu, tham quan, học tập. Nhiều năm liền, Ban Quản lý Di tích Côn Đảo đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen, Cờ thi đua đơn vị xuất sắc. Năm 2012, Ban Quản lý Khu Di tích được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2013 nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và năm 2019 là Huân chương Lao động Hạng III.

Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›