The Beatles đáp xuống thành phố New York vào tháng 2/1964. Đây là lần đầu tiên họ đặt chân lên đất Mỹ, nơi mà họ đã dành cả cuộc đời mơ ước đến. Ngay cả khi máy bay đã hạ cánh, họ vẫn tự hỏi tại sao nước Mỹ lại quan tâm đến một nhóm nhạc rock & roll tới từ Anh.
Nhưng khi họ biểu diễn trong chương trình The Ed Sullivan Show, trước 73 triệu khán giả truyền hình, họ đã làm nhiều hơn so với việc "chinh phục" nước Mỹ. Họ đã lập nên một cộng đồng mới là Beatlemania (tên gọi những người hâm mộ The Beatles).
Những người đàn ông kiểu mới
Bộ phim tài liệu mới trình chiếu vài tuần trước Beatles '64 kể lại câu chuyện John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr đã làm thay đổi nền văn hóa Mỹ như thế nào, ngay từ khoảnh khắc họ hạ cánh xuống sân bay John F. Kennedy.
Tại sân bay, họ được hàng ngàn người hâm mộ hò hét chào đón. Trong Beatles '64 đầy rẫy những fangirl (người hâm mộ nữ) náo loạn trên phố. Họ dường như đột ngột phát hiện ra sức mạnh mới của mình, hoàn toàn nhận thức được thế giới đang dõi theo họ và hoàn toàn tự tin rằng họ đang tạo nên lịch sử.
The Beatles và đám đông người hâm mộ mới của họ tại Mỹ thật sự đã cùng nhau xây dựng một tương lai hoàn toàn mới.
Beatles '64 do Martin Scorsese sản xuất và David Tedeschi đạo diễn. Tedeschi cũng từng làm việc với Scorsese trong bộ phim tài liệu tuyệt vời năm 2011 về một thành viên The Beatles George Harrison: Living in the Material World.
Bộ phim mới được công chiếu tại New York vào cuối tháng qua, với khán giả bao gồm nhiều tên tuổi lừng lẫy như Scorsese, Tedeschi, Paul McCartney, Sean Ono Lennon, Olivia Harrison, Elvis Costello, Steven Van Zandt, Chris Rock, Fran Lebowitz và 2 thành viên nhóm rock Yo La Tengo là Ira Kaplan và Georgia Hubley.
Trong buổi hỏi đáp sau buổi chiếu, Scorsese đã kể về lần đầu tiên ông nghe ca khúc I Want To Hold Your Hand của The Beatles trên đài phát thanh bán dẫn của mình, khi đi bộ từ phố Elizabeth ở Little Italy đến cao đẳng Washington Square. Ông nhớ về thời sinh viên của mình. "Mẹ tôi rất thích The Beatles. Bà ấy đã đi cùng chúng tôi đến nhà hát Playhouse Phố 8 để xem phim A Hard Day's Night" - Scorsese kể.
Bộ phim ghi lại những tác động tức thời của The Beatles về mặt văn hóa khắp nước Mỹ, đặc biệt là về mặt giới tính và tính dục. Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi Betty Friedan - người tiên phong theo chủ nghĩa nữ quyền - nói về Tứ quái trên trên CBC, chỉ 1 năm sau khi phát hành tác phẩm kinh điển của bà là The Feminine Mystique.
"Những chàng trai đó để tóc dài và nói không với sự bí ẩn của nam tính" - Friedan nói - "Nói không với kiểu nam tính tàn bạo, độc ác, mím môi, cắt tóc húi cua, cơ bắp cuồn cuộn… Người đàn ông đủ mạnh mẽ để trở nên dịu dàng - đó là kiểu người đàn ông mới".
Beatles '64 còn là lời tri ân dành cho người hâm mộ Tứ quái. Những người hâm mộ cuồng nhiệt The Bealtes đã lấp đầy những con phố của New York, và họ thích cảm giác ở đó.
Trong phim, tác giả Jamie Bernstein đã nói một cách hùng hồn về việc khám phá ra khả năng của mình và những cảm xúc nguyên thủy từ âm nhạc của The Beatles. Đây là một trong những khoảnh khắc quan trọng trong những câu chuyện của các Beatlemania về một thế lực văn hóa mới.
Beatles '64 cũng cho thấy sự coi trọng những cô gái hâm mộ The Beatles - giống như chính The Beatles vẫn luôn làm. Trong suốt bộ phim, khán giả thấy những fangirl bị coi thường bởi những người đàn ông trưởng thành vây quanh họ - phóng viên, cảnh sát, người dẫn chương trình tin tức, những kẻ đầu đinh hay những nhiếp ảnh gia. Nhưng những cô gái này đã hoàn toàn không nao núng trước sự thù địch nhắm vào họ.
Trailer phim “Beatles ‘64”
Ở 1 trong những cảnh hài hước nhất, 2 fangirl gan dạ lẻn vào khách sạn Plaza, cố gắng lừa 1 cảnh sát đang dọa ném họ xuống cầu thang. Họ không hề sợ hãi. Anh ta gào lên: "Đây là nơi xa nhất mà các người có thể đến". Nhưng anh ta đã nhầm.
Trong một cảnh khác, khi rất nhiều máy quay đang đuổi theo ban nhạc, 1 người hâm mộ đã hài hước: "Hãy theo dõi các cô gái và mọi người sẽ tìm thấy The Beatles ở đâu".
"Chúng tôi là những chàng trai thuộc tầng lớp lao động, thường bị những người sang trọng coi thường. Nhưng chúng tôi chẳng quan tâm"- McCartney.
Tự hào được là chính mình
Các cảnh quay trong Beatles '64 chủ yếu đến đến từ bộ đôi quay phim huyền thoại Albert và David Maysles. Hai anh em từng thực hiện bộ phim tài liệu tuyệt vời nhưng ít được biết đến là What's Happening!: The Beatles in the USA, trong đó họ theo sát Tứ quái trong vài tuần đầu tiên ở Mỹ.
Đó là những cảnh quay cận đáng kinh ngạc về những chàng trai đùa giỡn ở nơi riêng tư, trên tàu hỏa, ô tô và phòng khách sạn, trong khi anh em nhà Maysles để máy quay quay theo phong cách "điện ảnh trực tiếp" của họ. Như Scorsese đã nói tại buổi ra mắt: "Họ để mọi người cư xử thoải mái, rồi nhặt ra những cảnh phim từ đó".
Anh em nhà Maysles có tới 11 giờ quay, cung cấp hầu hết các cảnh quay trong Beatles '64. Phim được Peter Jackson của xưởng phim WingNut ở New Zealand phục chế hình ảnh, với phần âm nhạc do Giles Martin sản xuất.
Ngoài ra, phim còn lấy những cảnh quay trực tiếp mạnh mẽ từ chương trình Washington Coliseum đình đám, với The Beatles biểu diễn This Boy và Long Tall Sally. Paul McCartney và Ringo Starr cũng xuất hiện trong những đoạn phỏng vấn ngắn. Có 1 cảnh đáng yêu khi Starr cho Scorsese xem bộ sưu tập thiết bị của mình, bao gồm cả bộ trống mà anh ấy chơi trong The Ed Sullivan Show, trong khi Scorsese hỏi Ringo có thích phim noir của New York không.
Bộ phim xen kẽ rất nhiều cảnh những người hâm mộ nổi tiếng hoài niệm về The Beatles thời đó, làm gián đoạn những cảnh quay thú vị của anh em nhà Maysles. Nhưng 2 trong số những người được phỏng vấn - cả hai đều là huyền thoại âm nhạc Mỹ - vẫn thực sự nói lên điều gì đó.
Một là trưởng nhóm nhạc đình đám The Ronettes, Ronnie Spector quá cố, người nhớ lại chuyện đưa các chàng trai The Beatles lên Harlem để ăn thịt nướng, nơi bà biết họ sẽ không bị nhận ra. "Mọi người đều nghĩ họ là những chàng ngốc người Tây Ban Nha" - như bà nói.
Còn Smokey Robinson say sưa nhớ lại khi nghe The Beatles cover nhạc của mình: "Tôi đã rất vui mừng". Nhưng ông còn tự hào hơn nữa về cách ban nhạc không thể ngừng tôn thờ ông, Motown và nhạc R&B Mỹ nói chung. Họ đã dành suốt những tháng ngày thiếu niên để lật giở các giá đĩa, tìm kiếm những đĩa đơn có chữ "W. Robinson" trong phần giới thiệu - ông chính là nhạc sĩ mà họ mơ ước trở thành.
Đối với Robinson, trong việc biểu diễn ở nước Mỹ (khi đó vẫn còn phân biệt chủng tộc sâu sắc), thật sốc khi nhận được sự tôn sùng công khai như vậy từ The Beatles. Như ông nói: "Họ là nhóm nhạc da trắng đầu tiên mà tôi từng thấy trong đời nói rằng: "Đúng vậy, chúng tôi lớn lên với âm nhạc của người da đen".
Bộ phim còn có 1 đoạn clip tuyệt vời với cảnh nhóm Miracles của Robinson biểu diễn Yesterday, với Marv Taplin chơi guitar chính và Smokey vuốt ve những nốt cao mà chỉ Smokey mới có thể đạt được.
Nhưng Beatles '64 cũng ghi lại cảnh ban nhạc bị giới thượng lưu khinh thường như thế nào vào thời điểm đó. Một khán giả nam trịch thượng đứng bên ngoài khách sạn Plaza để gầm gừ với người hâm mộ: "Tôi nghĩ toàn bộ việc này có chút đáng sợ và khá bệnh hoạn".
Nhưng không gì có thể ngăn cản ban nhạc hoặc người hâm mộ họ. "Chúng tôi là những chàng trai thuộc tầng lớp lao động, thường bị những người sang trọng coi thường" - McCartney nói - "Nhưng bạn biết gì không? Chúng tôi chẳng quan tâm".
"Chúng tôi là thế hệ được phép sống"- John Lennon từng nói. Chỉ riêng những gì Beatles đã làm vào năm 1964 đã tiếp tục thay đổi thế giới - cho mọi người cảm hứng để sống là chính mình - và Beatles '64 là minh chứng cho điều đó.
Hi vọng mới cho những thước phim cũ
Beatles '64 được các nhà phê bình đánh giá tốt. Trên trang tổng hợp đánh giá Rotten Tomatoes, 95% trong số 39 bài đánh giá của các nhà phê bình là tích cực, với điểm trung bình là 7,4/10. Còn trên Metacritic, điểm cho bộ phim là 78/100, dựa trên 11 nguồn uy tín, cho thấy các bài đánh giá "nói chung là tích cực"
Hơn thế, Beatles '64 mở ra hy vọng cho những thước phim cũ tuyệt vời nhưng đã bị thời gian lãng quên. Điển hình là What's Happening!: The Beatles in the USA của anh em Albert và David Maysles. Phim chỉ được phát sóng một lần trên TV, vào tháng 3/1964 và chủ yếu bị cất trong các bảo tàng. Nó xứng đáng được phát hành lại rộng khắp!
Tags