(thethaovanhoa.vn) - Đỉnh cao chiến thắng – bộ phim về trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới đã được giới thiệu trong đợt phim kỉ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam vào dịp 30/4 này.
Đỉnh cao chiến thắng là phim tài liệu do nhà làm phim độc lập Phong Lan thực hiện theo đặt hàng của Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL).
Nổi "gai ốc" với trận Điện Biên Phủ trên không
Trong lịch sử chiến tranh thế giới cận đại chưa từng có cuộc chiến nào đặc biệt khốc liệt như trận chiến 12 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1972. Lúc đó, quân đội Mỹ tin những "pháo đài bay" B52 bất khả chiến bại có thể đưa miền Bắc trở về thời kì đồ đá. Nhưng họ đã hoàn toàn thất bại trước quân và dân Việt Nam luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để gìn giữ hòa bình dân tộc.
Bốn tập phim Đỉnh cao chiến thắng đã đưa đến một cái nhìn toàn cảnh về mưu đồ xâm lược của Mỹ sau khi Pháp rút ra khỏi Việt Nam năm 1954. Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (1964), tiến tới mở cuộc tổng không kích vào miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 12 năm 1972.
Phim của đạo diễn Phong Lan thường mạnh về tư liệu (tư liệu độc, ít khi lặp lại), cấu trúc phim chặt chẽ, khoa học; phim chân thật và rất giàu cảm xúc. Dù tổng thời lượng Đỉnh cao chiến thắng chỉ có 120 phút nhưng bộ phim đã đem đến cho khán giả một cái nhìn toàn diện về sự kiện lịch sử này một cách dễ hiểu nhất.
Những lát cắt lịch sử được trình bày hết sức logic, tường minh, đi kèm với những tư liệu hình ảnh quý giá, cùng những nhân chứng đáng tin cậy. Ngoài ra, đạo diễn đã tạo cho phim của mình tiết tấu đầy kịch tính, không chỉ phản ánh được sức "nóng" của chiến tranh mà còn tạo ra những cảm xúc rất mạnh cho khán giả. Người Việt xem phim này sẽ được sống lại thời kì lịch sử đầy hào hùng của dân tộc, sẽ cảm thấy xúc động và tự hào vì những hi sinh của cả dân tộc, sẽ cảm thấy yêu đất nước mình hơn.
Sứ mệnh làm phim lịch sử
Đạo diễn Phong Lan là một trong những nữ đạo diễn hiếm hoi theo đuổi nghiệp làm phim tài liệu độc lập. Tên tuổi của chị gắn liền với những bộ phim tài liệu nổi tiếng như: Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Đi giữa kẻ thù, Con đường bí ẩn, Đồng khởi Bến tre, Hiệp định Paris 1973, Mậu Thân 1968, Biệt động Sài Gòn, Biên giới Tây Nam - Cuộc chiến tranh bắt buộc...
Phong Lan cho biết chị tự xây dựng biểu đồ lịch sử Việt Nam trong vòng 100 năm trở lại đây và nghiên cứu một cách rất khoa học, bài bản. "Tôi làm giống công trình nghiên cứu khoa học, phải có đầy đủ chứng cứ, có đầy đủ nguyên liệu để phục vụ cho bộ phim của mình", chị nói.
Khi được hỏi vì sao chị có thể thu thập được nhiều tư liệu quý đến vậy, Phong Lan cho biết: "Có lẽ tôi đến với những nhân chứng chiến tranh bằng sự chân thật, chân tình, thực lòng muốn tìm hiểu về lịch sử. Tôi chưa bao giờ rào trước đón sau vì tôi biết những con người đã vào sinh ra tử, họ coi điều đó phù phiếm lắm. Tôi cảm thấy mình được trao sứ mệnh làm phim về lịch sử. Đứng trước những con người ấy tôi luôn tâm niệm mình phải làm phim chân thực hết mức có thể, tuyệt đối không xuyên tạc, bóp méo lịch sử".
Phong Lan cho biết chị, với nguồn tư liệu dồi dào về chiến tranh, chị muốn một ngày nào đó sẽ làm phim truyện có thể khiến khán giả "khóc hết nước mắt". Nhưng hiện tại còn nhiều duyên nợ với tài liệu nên chưa thể tạm dừng.
Đỉnh cao chiến thắng là một bộ phim đáng xem vào dịp 30/4 này.
Ngọc Diệp
Tags