Phát triển công nghiệp văn hóa cùng với xây dựng đô thị sáng tạo

Thứ Tư, 16/04/2025 21:39 GMT+7

Google News

Chiều 16/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề "50 năm văn hóa, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai".

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 1975 đến nay, các loại hình nghệ thuật của Thành phố luôn gắn với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, phát triển Thành phố có thể kể đến ở lĩnh vực âm nhạc như Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, Đất nước trọn niềm vui, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Em ở nông trường anh ra biên giới... đã góp phần lớn trong công cuộc xây dựng, cổ vũ đất nước.

Phát triển công nghiệp văn hóa cùng với xây dựng đô thị sáng tạo - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thu Hương - TTXVN)

Về điện ảnh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng được xem là trung tâm sản xuất phim của cả nước với trên 100 cơ sở đăng ký và phát hành phim. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động, không gian sáng tạo cho nhà làm phim trẻ. Một số tác phẩm tạo được niềm tự hào như Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, hay phim Vị đắng tính yêu cũng đã tạo nên cơn sốt phòng vé vào năm 1990. Với đề án "Phát triển Công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030", Thành phố luôn gắn mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với định hướng xây dựng đô thị sáng tạo. 

Do đó, Thành phố đang đăng ký gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh. Đây được nhìn nhận như mục tiêu phát triển nhằm nâng tầm Thành phố tới vị thế một đô thị toàn cầu, tham gia vào mạng lưới các siêu đô thị của thế giới trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu, đóng góp cho phát triển bền vững của đất nước, khu vực và thế giới.

Tại tọa đàm, các đại biểu, văn nghệ sỹ, nhà chuyên môn đã đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa - văn nghệ đặc sắc, khơi dậy tiềm năng sáng tạo và định hướng phát triển cho giai đoạn mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển công nghiệp văn hóa cùng với xây dựng đô thị sáng tạo - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi các nghệ sỹ tại Tọa đàm. (Ảnh: Thu Hương - TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Nhân, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh phát triển công nghiệp văn hóa, việc bảo tồn và phát huy các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống đặc trưng của Thành phố cũng rất quan trọng. Một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian của Thành phố vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Có một số loại hình nghệ thuật truyền thống còn đang thiếu người kế thừa bởi việc đào tạo một nghệ nhân tốn rất nhiều thời gian, công sức, nghệ sỹ khó sống được với nghề...

Để tiếp tục phát huy giá trị những loại hình nghệ thuật truyền thống đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Nhân đề xuất, cần chuyển đổi những giá trị truyền thống thành sản phẩm phục vụ du lịch, vừa giữ gìn được truyền thống, tạo điều kiện cho nghệ sỹ sống được với nghề. Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ và năng động. Nếu ngày càng có nhiều các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ du khách thì đó là cũng chính là một yếu tố để Thành phố bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời quảng bá rộng rãi ra thế giới.

Đạo diễn, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Đạt, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt 50 năm qua, bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Thành phố đã được làm giàu bằng nhiều giá trị mới đến từ quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Nơi đây còn nuôi dưỡng cộng đồng trẻ với tinh thần sáng tạo mạnh mẽ trong nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người trẻ chưa ý thức đầy đủ về vai trò của văn hóa nghệ thuật trong đời sống xã hội. Ông cho rằng, cần xây dựng các chính sách khuyến khích sáng tạo, đồng thời tạo cơ chế quảng bá sản phẩm nghệ thuật của giới trẻ. Nếu được đầu tư và định hướng đúng đắn, giới trẻ không chỉ là người yêu nghệ thuật mà còn trở thành lực lượng sáng tạo, góp phần phát triển bền vững nền văn hóa thành phố trong tương lai.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, 50 năm qua, các hoạt động văn học, nghệ thuật của Thành phố luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo việc giữ gìn bản sắc dân tộc, hình thành nét đặc trưng của văn hóa, văn học, nghệ thuật Thành phố và tạo ra những thành tựu nhất định. Lãnh đạo Thành phố trong từng thời kỳ đều dành sự quan tâm đặc biệt cho văn học, nghệ thuật. Ngay sau năm 1975, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Thành phố xác định văn hóa, văn nghệ là một giải pháp tinh thần thúc đẩy sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, lạc quan để xây dựng đời sống mới. Trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế, văn hóa, văn nghệ cũng là lĩnh vực đi đầu, thông qua đó giới thiệu con người, khẳng định tầm vóc Việt Nam với thế giới.

Phát triển công nghiệp văn hóa cùng với xây dựng đô thị sáng tạo - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thu Hương - TTXVN)

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng tri ân đóng góp to lớn của lực lượng làm công tác văn học, nghệ thuật trong kháng chiến và các văn nghệ sỹ suốt 50 năm qua đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, tài năng cho nền văn học, nghệ thuật Thành phố.

"Chúng ta hãy luôn tự hào về những người đi trước và sống xứng đáng với những gì tiền nhân đã gây dựng. Thừa hưởng từ thành quả của thế hệ trước, được sống, lao động, sáng tạo trong hòa bình, những thế hệ sau này phải thấy trách nhiệm của mình với đất nước, với Thành phố, càng lớn lao, không thể chỉ làm nghệ thuật vì đam mê mà còn vì nhân sinh và vì Tổ quốc", ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Thu Hương/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›