Phân luồng học sinh phổ thông: Thách thức lớn của ngành giáo dục Thủ đô

Thứ Ba, 16/01/2024 16:00 GMT+7

Google News

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số lượng học sinh tăng mạnh mỗi năm, Hà Nội đang đối diện với thách thức lớn khi vừa phải đáp ứng đủ chỗ học, vừa triển khai hiệu quả công tác phân luồng học sinh phổ thông. Để phụ huynh và học sinh hiểu đúng, hiểu rõ về phân luồng, lựa chọn được loại hình học tập phù hợp là thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục Thủ đô.

Áp lực từ nhiều phía

Ngày 5/1/2024, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Trong đó, Bộ Chính trị nhận định, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về "phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học Cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn", giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị chưa đồng bộ, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, mục tiêu phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở chưa đạt yêu cầu.

Mục tiêu chung tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 là đến năm 2020 có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở đi học nghề. Song tại Hà Nội, đến năm học 2023 - 2024, đây vẫn là mục tiêu xa vời khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng hơn 13%. Con số này cho thấy, sự chủ động của học sinh, gia đình đến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều.

Phân luồng học sinh phổ thông: Thách thức lớn của ngành giáo dục Thủ đô - Ảnh 1.

Học sinh sử dụng máy tính. Ảnh: TTXVN phát

Hà Nội có khoảng 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, số học sinh của Thủ đô tăng khoảng từ 40.000 - 60.000 em. Bài toán có đủ chỗ học cho học sinh, nhất là tại các địa bàn có nhiều khu chung cư, khu công nghiệp hoặc có tốc độ đô thị hóa nhanh luôn khiến thành phố đau đầu. Nhiều địa bàn có đông dân cư đang diễn ra tình trạng quá tải, số học sinh trên 1 lớp vượt quá quy chuẩn như tại quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai... Mặc dù toàn thành phố có tới hơn 2.800 trường Mầm non, phổ thông và mỗi năm xây dựng thêm từ 35 - 40 trường học, song con số này vẫn không theo kịp tốc độ học sinh gia tăng theo từng năm.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nhất là ở cấp Trung học Cơ sở hiện nay ở Hà Nội còn chịu nhiều áp lực từ phụ huynh. Hầu hết cha mẹ có con học lớp 9 đều mong muốn các em tiếp tục học lên cấp Trung học Phổ thông tại các trường công lập chứ không học trường nghề.

Chị Nguyễn Thu Phương, phụ huynh học sinh Trường Trung học Cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, học tiếp Trung học Phổ thông ở một trường công lập là mong muốn chung, chính đáng của hầu hết các phụ huynh có con học lớp 9. Gia đình nào có điều kiện về kinh tế sẽ lựa chọn môi trường học hiện đại hơn như trường quốc tế, trường tư thục chất lượng cao. Ít phụ huynh lựa chọn trường nghề cho con mình.

Cùng quan điểm, chị Bùi Bích Nga, phụ huynh học sinh Trường Trung học Cơ sở Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hiếm có gia đình nào chủ động đăng ký cho con học trường nghề ngay từ khi con đang học lớp 9. Phụ huynh chỉ quyết định cho con và trường nghề khi không còn lựa chọn nào khác.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi học tập

Thành phố Hà Nội đã và đang kiên trì triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nguyện vọng của học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở được học tập theo năng lực, hoàn cảnh nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc tự nguyện. Nhiều trường học trên địa bàn đã triển khai sớm, đồng bộ các hoạt động tư vấn, tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu đầy đủ, đúng về ý nghĩa của việc phân luồng đối với tương lai của các em.

Theo bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nhà trường hiện có 158 học sinh lớp 9. Công tác phân luồng được trường thực hiện bằng cách đánh giá kết quả học tập thực chất của học sinh; từ đó, trao đổi với phụ huynh thường xuyên. Nhà trường tăng cường tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu đầy đủ, đúng về ý nghĩa của việc phân luồng.

Phân luồng học sinh phổ thông: Thách thức lớn của ngành giáo dục Thủ đô - Ảnh 2.

Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) đón học sinh vào lớp 10. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

“Thực tế, các trường nghề cũng chủ động cung cấp thông tin để các phụ huynh dễ nắm bắt, tìm hiểu, lựa chọn theo nhu cầu, khả năng của gia đình và học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cũng tăng cường trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh để gia đình nắm bắt chính xác lực học của con, từ đó lựa chọn loại hình học tập phù hợp”, bà Nguyễn Hồng Thúy chia sẻ.

Bà Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) cũng cho biết, năm học 2023 - 2024, nhà trường có 14 lớp 9 với 599 học sinh. Ngày từ năm lớp 8, đơn vị đã triển khai công tác phân luồng. Học sinh được chia thành các nhóm theo năng lực, nguyện vọng. Qua đó, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập, bổ trợ cho học sinh. Khi lên lớp 9, Ban Giám hiệu yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm cập nhật thường xuyên thông tin tuyển sinh lớp 10 của các loại hình trường như: chuyên, công lập, tư thục, trường nghề... để phụ huynh nắm bắt và tìm hiểu.

Nhà trường còn tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp để học sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin trực tiếp với đại diện các trường tư thục, trường nghề... Để lựa chọn được loại hình trường phù hợp, trường luôn lưu ý phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để biết lực học của con, cơ hội đỗ đạt và hỗ trợ các em đạt mục tiêu.

Nghiêm cấm vận động, ép học sinh lựa chọn nguyện vọng học tập

Anh Lê Thanh Hải, phụ huynh học sinh Trường Trung học Cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc tư vấn phân luồng và ép học sinh không thi vào lớp 10 thực sự rất khó phân định. Nhiều phụ huynh không hiểu rõ lực học, khả năng của con nên khi giáo viên tư vấn lại cho rằng con mình đang bị ép. Đến khi con trượt công lập, phụ huynh mới tất tả đi lo chỗ học. Lúc đó, sự lựa chọn không còn nhiều hoặc nếu còn cũng không được như ý.

“Vẫn biết thi lớp 10 là nguyện vọng chính đáng, nhưng nếu lực học không tốt thì vô tình đã khiến con phải chịu áp lực không cần thiết cho một kỳ thi có tính cạnh tranh rất cao. Hơn nữa, học sinh được học theo đúng khả năng, sở trường không chỉ giảm áp lực cho bản thân, mà còn nâng chất lượng học tập ở bậc học tiếp theo, dù học Đại học hay trường nghề”, anh Lê Thanh Hải chia sẻ.

Theo bà Phạm Thị Hoa, phụ huynh học sinh Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ), định hướng phân luồng là cần thiết, song cần tránh áp đặt, không nên vì để đạt mục tiêu về phần trăm học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở theo học trường nghề mà các trường, giáo viên vận động, thậm chí ép buộc học sinh trong quá trình chọn lựa.

Có gần 200 học sinh lớp 9 năm học 2023 - 2024, Trường Trung học Cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) luôn chú trọng công tác tuyên truyền để phụ huynh biết rõ các loại hình trường có thể lựa chọn sau khi con tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Với những học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, nhà trường yêu cầu giáo viên các bộ môn dạy học phụ đạo miễn phí; đồng thời, tăng cường gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh để hỗ trợ, tư vấn lựa chọn nguyện vọng học tập phù hợp.

“Quan điểm của nhà trường là bảo đảm 100% học sinh có nguyện vọng, đủ điều kiện đều được tham gia kỳ thi vào trường công lập; tuyệt đối không vận động học sinh yếu không tham gia kỳ thi”, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Ngọc Tảo Khuất Thị Hồng Điệp chia sẻ.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dự báo, số lượng học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở ở Hà Nội năm học 2023 - 2024 là gần 135.000 em, tăng khoảng 5.000 em so với năm học 2022 - 2023. Sở đã chỉ đạo các trường học rà soát, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh; đồng thời, tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh.

“Việc lựa chọn loại hình trường nào là theo tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường có thể đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của các em. Sở nghiêm cấm các nhà trường vận động, ép buộc học sinh trong việc lựa chọn nguyện vọng học tập”, ông Trần Thế Cương khẳng định.

Nguyễn Cúc/TTXVN

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›