Tôi đã đi rất xa những ngày Tết kí ức để làm một người trưởng thành với những lo toan ngược xuôi giống hệt như bố tôi, mẹ tôi xưa kia, nhưng thú thực, chưa bao giờ tôi thôi mong Tết đến. Và trong cái tâm thế thường trực ấy, tôi thấy được đồng cảm vô cùng khi mở ra một cuốn sách Tết năm nay - cuốn sách Đố quên được Tết! (NXB Hà Nội) của nhà văn May.
1. Tôi vẫn luôn cho rằng, mình thật may mắn khi được sinh ra vào những năm 80 của thế kỉ trước, những năm mà tuổi thơ của tôi chưa bị công nghệ hiện đại và các thiết bị nó sinh ra "can thiệp" mạnh mẽ như tụi trẻ con bây giờ. Kí ức tuổi thơ trong veo gắn với những buổi trưa không ngủ trốn bố mẹ đi câu cá cờ, những buổi chiều Hè thong thả đi bắt châu chấu cùng lũ bạn, những buổi tối chạy rong khắp các con đường rải đầy rơm rạ thơm phức, gắn với những trò chơi truyền thống quen thuộc như ô ăn quan hay đánh chắt đánh chuyền… Và đặc biệt là gắn với Tết.
Tết trong kí ức tôi kì diệu đến nỗi nó mãi trở thành một khoảng lấp lánh, thắp sáng những ngày đã qua, những ngày tôi đang sống và cả những ngày còn ở phía trước.
Tôi mãi chẳng thể nào quên được cái không khí tất bật đến lạ lùng của những ngày giáp Tết ấy. Người lớn ngược xuôi lo toan ngoài kia, còn ở trong nhà, lũ trẻ con như tôi cũng "vất vả" chẳng kém khi phải bò ra nào lau dọn bàn ghế, cửa nẻo, nào rửa lá, đãi đỗ để chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Và mặc dù cũng cảm thấy thật là cực nhọc khi phải làm tất cả những công việc ấy trong cái thời tiết lạnh căm căm, lất phất mưa phùn, nhưng hễ thoáng thấy mùi Tết thân thuộc lan tới từ đâu đó là trong lòng lại rạo rực, háo hức khôn nguôi.
Và bởi thế, Đố quên được Tết! thu hút tôi ngay từ những trang đầu tiên bởi một "sự cố" kinh hoàng: Một cô bé con, người được phân công nhiệm vụ trông nồi bánh tét ngày Tết, vì mải mê đọc sách, đã khiến cho nồi bánh cháy khét. Người lớn thì hết sức hốt hoảng, ngỡ ngàng, và dù chưa ai buông lời trách mắng, nhưng chính trong cái không khí đặc quánh ẩn chứa nhiều "giông tố" ấy, cô bé bất giác cảm thấy ghét Tết vô cùng, cô chỉ mong sao Tết hãy biến mất ngay lập tức, đừng có ai nhớ đến Tết làm gì nữa. Lạ lùng thay, cái ước mong đó của cô ngay lập tức trở thành hiện thực.
Nhà văn May đã đưa người đọc nhỏ tuổi của mình, và có lẽ là cả người đọc không còn là trẻ con nữa, đi vào một cuộc phiêu lưu trong thế giới giả tưởng mà ở đó vạn vật, trừ một chú kiến nhỏ, chẳng hề có khái niệm gì về Tết. Họ đã thực sự quên Tết!
Cuộc sống của những ngày không có gì để chờ đợi, để háo hức mong ngóng cứ thế diễn ra lặng lẽ và có phần buồn tẻ. Tết gần đến rồi và Kiến nhỏ cảm thấy cần phải làm một điều gì đó! Tôi thật sự khâm phục những nỗ lực không mệt mỏi của chú kiến nhỏ bé ấy để tìm lại nỗi nhớ Tết trong lòng mọi người. Để rồi đến cuối cùng thì chính cô bé con, người đã từng rất ghét Tết, lại mong Tết hãy mau mau quay trở lại, bởi vì "Cháu nhớ Tết biết bao!"?
Bằng lối dẫn dắt tự nhiên, khéo léo, nhà văn May đã cùng người đọc đi vào một chuyến phiêu lưu chưa từng có trên đời, để rồi cứ mỗi trang sách lật qua, mỗi câu chuyện và tình huống xuất hiện, người đọc lại cảm nhận rõ rệt hơn ý nghĩa của ngày Tết mà bấy lâu nay, cuộc sống luôn bận rộn và quá nhanh này đã khiến ai đó đôi khi cảm thấy Tết thật phiền toái và đầy áp lực.
2. Tôi đã dừng lại khá lâu trước trang sách mà ở đó chú Kiến nhỏ mừng rỡ khi tìm ra được lý do để khiến cho con người mong Tết quay trở lại: Đó chính là kỷ niệm! Phải, kỷ niệm chính là thứ khiến cho người ta thấy cần có Tết! Bạn hãy cứ nhìn vào lũ trẻ con ấy, chẳng đứa trẻ nào lại không mong Tết. Rồi mỗi năm lũ trẻ một lớn lên, những đứa trẻ ngày xưa rồi sẽ trở thành người lớn, một tuổi thơ êm đềm với trải nghiệm khó quên về Tết chẳng phải sẽ là hành trang để mỗi đứa trẻ đem theo trên những bước đường đời?
Tôi đã rơi nước mắt khi đọc đến trang sách này, bởi từ đó, tôi nhớ thời bé thơ được ở bên những người thân yêu của mình, nhớ ông bà tôi, nhớ những dịp được quây quần bên nhau mỗi khi Tết đến. Chẳng phải bạn cũng từng có một tuổi thơ mong Tết và cũng đang có chung một nỗi nhớ ấy giống tôi?
Cuốn sách nhỏ của nhà văn May lại khiến cho tôi nghĩ lan man sang câu chuyện mà chúng ta vẫn cứ đang tranh luận với nhau nhiều năm gần đây mỗi khi chuẩn bị đón Tết về, câu chuyện giữ Tết - bỏ Tết. Có những người có lẽ là vì những áp lực hữu hình hoặc vô hình nào đó, đã coi Tết trở thành gánh nặng, để rồi đâm ra "sợ" Tết, "ghét" Tết, mà quên mất rằng sau một năm bận rộn, vất vả mưu sinh, Tết chính là dịp để mỗi người lắng lại nhìn vào sâu thẳm bên trong mình, là dịp dành cho những sự đoàn viên hội ngộ, là khoảnh khắc để gửi đi những hy vọng đẹp đẽ về một sự khởi đầu mới mẻ… Và hãy đừng quên nhìn vào cả những ánh mắt trẻ thơ trong veo đang háo hức mong Tết đến nhường kia để hiểu ý nghĩa của Tết chính là như thế!
3. Nhưng có lẽ giống như tôi, nhiều người đang tự hỏi, trong cái dòng chảy hối hả của thời đại 4.0 này, làm thế nào để có thể giữ được sự lung linh của Tết và nối dài những giá trị truyền thống ấy cho thế hệ tiếp sau?
Khi tôi đem câu hỏi này đi hỏi nhà văn May, cô chậm rãi bảo: "Hãy cứ viết sách và đọc sách cùng lũ trẻ thôi, rồi dần dần chúng ta sẽ có được câu trả lời đích đáng!".
Có lẽ thật là vậy. May mắn thay, vẫn luôn có lũ trẻ và những cuốn sách để nhắc nhở chúng ta về những điều quan trọng ấy! Tôi có một câu lạc bộ đọc sách nho nhỏ, gồm những gia đình có chung niềm yêu thích đọc sách, sinh hoạt thường kì mỗi tháng một lần tại nơi tôi đang sống, và tôi cảm nhận được thật rõ những điều mà câu trả lời khiêm nhường nhưng tự tin ấy của May nhắc tới. Những em bé được lớn lên cùng sách mới đáng yêu làm sao! Rất tự nhiên, chúng biết cảm nhận và trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống quanh mình, theo cách riêng mà nhiều khi người lớn phải bất ngờ, xúc động. Trong những giá trị ấy, có cả tình yêu đối với quê hương, đất nước, với những phong tục tập quán thân thuộc mà thiêng liêng, như là Tết.
Nhiều năm trở lại đây, sách Tết, dòng sách tưởng chừng bị mai một, đã đang dần được "hồi sinh" với một diện mạo mới, trẻ trung và sinh động hơn, như một tín hiệu vui cho đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam. Trong bối cảnh mà mọi thứ dường như đang đi rất nhanh như vũ bão về phía trước này thì sách Tết chính là một chiếc cầu nối thầm lặng giữa những thế hệ đã qua với những thế hệ kế tiếp, để cùng nhau hướng về những giá trị tinh thần chung quan trọng, dù là trong hoài niệm xa xưa hay trong cuộc sống hôm nay. Bên cạnh đó, đọc sách cùng trẻ để tìm hiểu về văn hoá truyền thống chính là một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả để nối dài các giá trị tốt đẹp ấy tới những thế hệ tiếp theo của chúng ta. Việc khôi phục "tập quán" làm sách Tết của nhiều nhà xuất bản và đơn vị phát hành trong những năm qua cũng không nằm ngoài ý nghĩa lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho những thế hệ mai sau.
Một cái Tết nữa đang tới, một mùa Xuân mới lại sắp về, tôi ước mong sao trong những lựa chọn cho quà Tết hôm nay, ngoài hộp bánh, khay mứt hay gói trà truyền thống, sẽ còn xuất hiện thêm một món quà tinh thần đáng trân trọng, ấy chính là những quyển sách Tết. Bên cạnh thú du Xuân, người ta còn có thêm cái thú tao nhã khác là đọc và ngẫm sách Tết. Và cùng với những phong bao lì xì đỏ thắm thì sách Tết nói riêng, sách nói chung, sẽ trở thành một món quà để mừng tuổi đầu năm.
Nếu làm được những điều ấy, chúng ta sẽ chẳng còn phải lo lắng, chẳng còn phải mất thì giờ đề bàn cãi đến chuyện giữ Tết hay bỏ Tết, bởi vì như nhà văn May từng chia sẻ khi nói về cuốn sách Đố quên được Tết!: giống như những kỉ niệm êm ấm của tuổi thơ, Tết khi ấy đã nằm ở ngay trong trái tim ta rồi.
"Giống như những kỉ niệm êm ấm của tuổi thơ, Tết khi ấy đã nằm ở ngay trong trái tim ta rồi" - nhà văn May nói về cuốn "Đố quên được Tết"!
Tags