(Thethaovanhoa.vn) - 21 năm chinh chiến khắp mọi nẻo đường, dân trong làng xe đạp Việt Nam ai cũng ghi nhận năng lực của HLV Trần Văn Quýt.
- Xe đạp TP.HCM khẳng định vị thế ở giải Nam Kỳ khởi nghĩa 2015
- Trần Nguyễn Duy Nhân lần đầu thắng chặng giải xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa 2015
- Lê Ngọc Sơn là Vua leo núi giải xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa 2015
Thầy điền kinh thành danh với xe đạp
Những năm đầu của thập niên 90, sau khi xuất ngũ trở về, ông Quýt được Sở TDTT tỉnh Đồng Tháp phân công vào nhiệm vụ ở bộ môn điền kinh. Thế nhưng, đến năm 1994 Đồng Tháp muốn phát triển thêm bộ môn mới: Xe đạp. Bấy giờ ông Sáu Thành (Giám đốc Sở TDTT tỉnh Đồng Tháp) quyết định giao nhiệm vụ mới này cho ông thầy đang dạy môn điền kinh của Sở là Trần Văn Quýt.
Sau khi đảm nhận vai trò mới, ông Quýt bắt tay vào việc và chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 năm công tác, ông Quýt đã cho thấy cái duyên của mình. Đó là ông đã giúp tay đua Nguyễn Trường Khải thắng 2 chặng ở giải Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Thế nhưng, thành công đó không trọn vẹn vì ông không thể giúp học trò bảo vệ thành công danh hiệu khi kết thúc giải, nguyên nhân đơn giản vì non kinh nghiệm và chưa rõ luật.
Với tinh thần cầu tiến và quyết tâm, ông giáo trẻ bắt đầu chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi trong nước có phong trào xe đạp. Không chỉ học tập về kinh nghiệm của các bậc đàn anh đi trước, ông Quýt còn học về cách chọn xe, khung sườn…
Khiêm tốn tự nhận mình là dân tay ngang với nghề này, ông Quýt chia sẻ: “Những ngày đầu tiên bắt đầu với xe đạp rất khó khăn. Tôi phải học hỏi nhiều thứ chứ không đơn giản là học chiến thuật của HLV. Tôi lặn lội khắp nơi để tìm ra các khung sườn của xe đạp từ thời trước giải phóng, có những lúc tôi phải đi năn nỉ các anh chạy xe lôi để lấy các khung sườn bền và chắc hơn. Sau đó phải học đến lắp ráp thành một chiếc xe đạp thi đấu hoàn chỉnh. Hồi đó, tôi hay sang Vĩnh Long gặp anh Minh Nhựt, một người chơi xe đạp phong trào có tiếng, để học hỏi thêm kinh nghiệm về bộ môn xe đạp và bảo dưỡng chiếc xe”.
Năm 1997, từ một cuộc đua ở phía Bắc, dưới con mắt tinh tường của mình, ông Quýt đã mời Mai Công Hiếu (Đà Nẵng) và Nguyễn Trường Sơn (Thừa Thiên - Huế) về đầu quân cho Đồng Tháp. Có trong đội đua 2 cua-rơ đầy triển vọng, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của Sở TDTT tỉnh Đồng Tháp, ông Quýt bắt đầu phát triển sự nghiệp xe đạp của địa phương và trổ tài lãnh đạo trên cương vị HLV. Không phụ lòng thầy, ở giải đua danh giá nhất Việt Nam là Cúp Truyền hình 1997, Mai Công Hiếu liên tục thắng chặng và đạt được Áo đỏ chung cuộc.
Con đường sự nghiệp của HLV Trần Văn Quýt bắt đầu đi lên khi ông được gọi lên làm công tác huấn luyện ở ĐTQG vào năm 1998. “Lần đầu tiên tôi được gọi lên làm trợ lý cho các anh ở đội tuyển tôi rất vui mừng. Lên đội tuyển, tôi được trau dồi và học hỏi thêm kinh nghiệm cho bản thân mình. Sau đó tôi được làm việc với 2 chuyên gia nước ngoài là Yuri Dmitriev (người Nga) và Kurkov (Kyrgysztan), tôi đã học được ở họ rất nhiều”.
Tuy nhiên, con đường ở đội tuyển với HLV Trân Văn Quýt lại không mấy sáng sủa khi ông gặp một số vấn đề bên ngoài chuyên môn. Giờ đây, ngẫm lại ông Quýt cho rằng một phần do chính bản thân mình quá nghiêm khắc trong huấn luyện với học trò và không làm hài lòng đồng nghiệp ở khâu ăn nói. Từ đó, ông Quýt từ giã màu áo đội tuyển để trở về chuyên tâm cho xe đạp Đồng Tháp.
Thầy của các cua-rơ bậc thầy
Hơn 2 thập kỷ gắn liền với môn xe đạp, HLV gốc Sa Đéc này đã có trong tay vô số các danh hiệu cao quý cùng với đó là việc trải qua cùng biết bao kỉ niệm vui buồn với các cua-rơ thành danh của Việt Nam như Mai Công Hiếu, Trịnh Phát Đạt, Mai Nguyễn Hưng, Bùi Minh Thụy...
Thất bại có, thành công cũng có, nhưng với ông Quýt được sống trong những ngày tháng cùng với các cuarơ thi đấu, tập luyện và nhìn các em lên bục vinh quang chính là niềm vui, hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của mình.
Ấn tượng lớn trong những niềm vui ấy là khoảnh khắc Mai Công Hiếu chinh phục tấm HCV ở nội dung tính giờ ở SEA Games 22 tổ chức tại ngay Việt Nam vào năm 2003. Hay 2 năm sau đó trên đất Lào, đến lượt Bùi Minh Thụy và Mai Nguyễn Hưng đều có được 2 HCV. Đấy là điều mà ông Quýt luôn luôn nhớ trong lòng cho đến sau này.
“HLV Trần Văn Quýt là một trong những người ảnh hưởng đến cuộc đời thi đấu của tôi nhất. Chính ông đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu. Ở thầy, tôi thấy sự tận tụy, quan tâm lo lắng đến các VĐV. Có đôi lúc thầy rất nghiêm khắc nhưng bản thân tôi và các VĐV luôn tự hiểu đó cũng chỉ vì ông muốn chúng tôi có được thành tích tốt”, cựu tuyển thủ quốc gia Mai Công Hiếu cho biết.
Không chỉ là một HLV chỉ đạo chiến thuật cho các cua-rơ, người ta còn thấy ông Quýt dẫn đầu bảo vệ cho các học trò của mình tập luyện trên mọi nẻo đường và trên chiếc xe gắn máy, ông vừa đi tiếp tế vừa la hét chỉ đạo chiến thuật cho các học trò.
“Nghề đua xe đạp Việt Nam rất cực khổ và gian nan. Thầy trò phải chịu cực khổ chịu được mưa, gió, bụi, đường thì mới có thể thích nghi được với môn xe đạp. Trình độ của các cua-rơ Việt Nam không hề thua kém với các cua-rơ nước ngoài. Nếu các em mạnh dạn cọ xát quốc tế thì chắc hẳn xe đạp Việt Nam sẽ phát triển càng mạnh. Nhược điểm của đa số các VĐV Việt Nam là sợ khi phải ra nước ngoài thi đấu. Điểm mạnh của làng xe đạp Việt Nam là có nhiều địa phương phát triển phong trào tốt, có đầu tư và có được nhiều lớp kế thừa chất lượng. Riêng với các HLV càng nên ra đường cùng với các tay đua để hiểu các em hơn và chỉ dạy các em từng điểm còn khiếm khuyết và không ngừng học hỏi các bậc đàn anh, chuyên gia để trao dồi kiến thức cho mình”, HLV Trần Văn Quýt cho biết.
Ở tuổi 53, ông Quýt vẫn tận tâm với nghề. Ông chia sẻ mình hãy còn 7 năm nữa để cống hiến sức mình cho Nhà nước trước khi về hưu, nhưng dự định của ông là theo nghề này đến khi nào hết sức mới thôi.
21 năm cống hiến cho làng xe đạp Việt Nam, HLV Trần Văn Quýt đã nhận được vô số các bằng khen, danh hiệu cá nhân. Điển hình phải kể đến như Huân chương Lao động hạng Ba, hai lần nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng với hàng chục bằng khen khác của địa phương trao tặng. Dưới thời ông Quýt, xe đạp Đồng Tháp đang sản sinh ra vô số tay đua leo đèo giỏi nhất làng xe đạp Việt Nam hiện tại. Đó là Lê Ngọc Sơn (nam) và Đặng Thị Ngọc Huyền (nữ). Đồng Tháp cũng là đội đua rất mạnh về đồng đội. Hổ phụ sinh hổ tử Tay đua Trần Nguyễn Minh Trí (Dược Domesco Đồng Tháp) chính là con trai út của HLV Trần Văn Quýt. 21 năm trong sự nghiệp của mình ông Quýt hiểu được sự gian nan và nguy hiểm của bộ môn xe đạp mang lại, nhưng vì thấy con trai mình hằng ngày lấy chiếc xe đạp của ông ra tập cùng với các ông bạn già ở xóm và thấy được lòng quyết tâm của cậu con trai, HLV họ Trần đã xuôi lòng cho con tham gia vào đội trẻ của Đồng Tháp. Minh Trí là tay đua trẻ đang lên của xe đạp Đồng Tháp. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của 2 cha con trên đường đua chính là HLV Trần Văn Quýt tận tay trao chiếc Áo vàng giải truyền hình TP.HCM cho con trai khi đoàn đua chuẩn bị bước vào chặng đua vòng quanh Đại nội Huế. |
Quốc Tài
Thể thao & Văn hóa
Tags