(Thethaovanhoa.vn) - “Những môn thể thao Olympic là truyền thống, nền tảng tạo nên sức mạnh của TDTT Hà Nội nhưng trong tương lai, ngành thể thao Thủ đô sẽ đẩy mạnh việc đầu tư có trọng điểm để đạt những thành tích ấn tượng, tạo nên các ngôi sao sáng hơn tại các kỳ Olympic, ASIAD hay SEA Games”, đó là khẳng định của ông Phan Anh Tú, Phó Giám đốc, người được giao điều hành Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội từ ngày 1/10/2015.
* Xin ông đánh giá về những thành tích mà TDTT Hà Nội đã đạt được trong thời gian gần đây?
Ông Phan Anh Tú: Tôi cho rằng thành tích của thể thao đỉnh cao Hà Nội trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, tương đương với một nhiệm kỳ của Đại hội (từ 2010-2015) thể hiện rõ rệt nhất ở hai Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 tại Đà Nẵng và năm 2014 ở Nam Định. Ngoài ra, phong trào thể thao quần chúng tại Thủ đô cũng đang phát triển rất mạnh như gia đình thể thao, các CLB thể thao quần chúng cũng đang phát triển rầm rộ và rộng khắp trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt nhất, sau sự hợp nhất giữa thể thao Hà Nội và Hà Tây (cũ), tốc độ phát triển của thể thao Hà Nội ngày càng mạnh mẽ.
Với những môn thể thao được quần chúng nhân dân yêu thích như bóng đá thì công tác xã hội hóa cũng được thực hiện rất tốt. Trong thời gian qua, bóng đá Thủ đô phát triển rất mạnh, cả phong trào lẫn đỉnh cao. Bóng đá thành tích cao chúng tôi tự hào luôn có đội bóng là CLB Hà Nội T&T nằm trong TOP nhất, nhì của toàn quốc với hai lần vô địch quốc gia năm 2010 và 2013, những năm tiếp theo cũng nằm trong TOP 3. Ở giải hạng Nhất, hai lần CLB Hà Nội giành quyền lên hạng, trong đó một năm chúng tôi không lên, nhường lại cho đơn vị khác còn ở mùa giải vừa qua, CLB tiếp tục lên hạng và bóng đá Thủ đô mùa giải 2016 sẽ có hai đội bóng chuyên nghiệp và hy vọng những CLB này sẽ thi đấu khởi sắc, thăng hoa trong những năm tới, quyết tâm duy trì vị trí hàng đầu tại V-League.
Về bóng đá nữ như chúng ta đã biết Hà Nội thường xuyên đóng góp một nửa quân số cho đội tuyển quốc gia và số lần vô địch quốc gia đã lên tới 10 lần, trong đó có 3 lần liên tiếp, điều đó khẳng định thế mạnh. Các đội nữ trẻ như U19, U16 năm 2014 cũng vô địch quốc gia, đóng góp cho đội tuyển quốc gia nhiều quân số. Ở Festival bóng đá nữ U14 Đông Nam Á vừa rồi đội U14 Việt Nam với Hà Nội làm nòng cốt đã đánh bại Thái Lan để giành chức vô địch.
* Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến những thành công như trên và kết quả đó đã phản ánh đúng thực lực và mức độ đầu tư cho thể thao Hà Nội hay chưa?
- Chúng tôi nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Chúng tôi đã có cơ sở vật chất lớn và hiện đại như Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Mỹ Đình tạo điều kiện rất tốt trong việc nuôi ăn, ở, đào tạo VĐV. Việc hợp nhất hai đơn vị Hà Nội và Hà Tây đã tạo ra nguồn VĐV rất lớn cho việc tuyển chọn, đào tạo VĐV thành tích cao. Tôi cho rằng những thành tích mà thể thao Hà Nội đạt được đã phản ánh đáng kể sự đầu tư và thực lực. Số lượng huy chương thể thao Hà Nội có được tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc chứng tỏ sự hùng hậu, rầm rộ ở các môn thể thao. Cách biệt về số HCV với đoàn đứng thứ hai tại các Đại hội này chứng tỏ sự áp đảo của thể thao Hà Nội, những môn thể thao chúng tôi tham gia thi đấu cũng rất nhiều. Những môn thể thao thế mạnh đóng góp nhân sự tham gia các đội tuyển quốc gia, chiếm 1/3, là lực lượng chính để giành huy chương tại các kỳ Đại hội. Điều này thể hiện được vị thế của thể thao Thủ đô.
* Vậy đâu là vấn đề mà thể thao Hà Nội cần điều chỉnh để hướng tới các kết quả ấn tượng hơn nữa?
- Tất nhiên, cũng có những vấn đề mà chúng tôi nhìn thấy vẫn cần phải khắc phục, làm cho tốt hơn nữa. Tôi lấy ví dụ như công tác xã hội hóa chắc chắn chúng tôi còn phải đẩy mạnh để có sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội vào, như thế sẽ đẩy được nhiều VĐV mũi nhọn hơn. Chúng tôi hiện đang có mục tiêu như vậy, để cố gắng có nhiều VĐV mũi nhọn. Nhưng muốn có được điều đó thì sự đầu tư phải cao hơn. Ngoài nguồn kinh phí Nhà nước thì rất mong quy tụ được nguồn lực từ xã hội hóa.
Chúng tôi cũng biết những bài học như Lê Quang Liêm được gia đình đầu tư rất lớn, Tiến Minh, Lý Hoàng Nam cũng thế. Các VĐV nổi bật hẳn lên thì sẽ phải có sự đầu tư mạnh với nguồn lực từ xã hội hóa lớn để họ có thể tham gia thi đấu quốc tế dài ngày, sử dụng các HLV giỏi, trả tiền lương cao. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Thể thao Hà Nội trong những năm tới. Ngoài sự mạnh mẽ, rộng khắp và đều chúng tôi đã bắt đầu tập trung vào những mũi nhọn để đầu tư lớn hơn, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho các VĐV này ở mức độ cao.
Tuyển thủ kiếm chém Lệ Dung là một trong những VĐV đấu kiếm hàng đầu Đông Nam Á. Dung trưởng thành từ thể thao Hà Nội. Ảnh: Quốc Khánh
* Định hướng của thể thao Hà Nội trong khoảng 5 năm tới là gì, thưa ông?
- Thứ nhất là chúng tôi phải dựa trên truyền thống sức mạnh của thể thao Thủ đô, nền tảng là các môn Olympic hiện đang làm rất tốt như TDDC, vật, đấu kiếm, bắn cung, điền kinh. Rất nhiều môn thể thao Olympic được tính đến để đầu tư trọng điểm cho Olympic và ASIAD. Trong 5 năm tới chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, tuyển chọn, tìm ra những nhân tố thực sự xuất sắc và đầu tư có trọng điểm, theo một cách quyết liệt hơn để VĐV có điều kiện đạt được thành tích ấn tượng tại đấu trường Olympic, ASIAD cũng như SEA Games. Nền tảng, truyền thống chúng tôi có rồi bây giờ chỉ còn là cách làm, có những sự đầu tư mũi nhọn thì sẽ có các ngôi sao sáng hơn.
* Hà Nội sẽ phải chuẩn bị những gì nếu được trao quyền đăng cai SEA Games 31 năm 2021?
- Tôi cho rằng sẽ có hai sự chuẩn bị lớn. Nếu được tín nhiệm tiếp tục đăng cai SEA Games thì các công trình thể thao hiện nay của Hà Nội cũng có thể đáp ứng được và đến thời điểm đó chỉ cần một chút nâng cấp, sửa chữa hoặc đưa công nghệ cao vào để phục vụ cho phù hợp với thể thao ở thời điểm đó. Thứ hai là phải chuẩn bị lực lượng. Lực lượng thì luôn có sự tiếp nối, kế cận nhau chứ không bao giờ đứt quãng.
Chỉ cần vài năm nữa những VĐV trẻ chúng tôi đang tập trung đào tạo ở Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội cũng đang nhắm đến mục tiêu đó. Bất kể việc SEA Games 2021 được tổ chức tại Hà Nội hay ở đâu thì chúng tôi cũng đã xác định lực lượng VĐV thành tích cao của Hà Nội luôn là nòng cốt cho quốc gia. Những môn thể thao mũi nhọn chúng tôi đã đầu tư trọng điểm và có chiều sâu, đến thời điểm đó, tôi tin là các VĐV trẻ hiện nay sẽ thành lực lượng chính. Không phải cho đến bây giờ chúng tôi mới làm mà rõ ràng việc xây dựng lực lượng là chu kỳ 10 năm hay 12 năm. Ngay từ bây giờ chúng tôi đã nhắm lực lượng VĐV trẻ, ưu tú chuẩn bị cho những mục tiêu ấy rồi.
* Xin cảm ơn ông!
“Sự vượt trội của thể thao thành tích cao Hà Nội đã được thể hiện rõ ở hai kỳ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 và 2014. Các môn thể thao thế mạnh của 63 tỉnh, thành ở các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc đã chứng tỏ sức mạnh của địa phương đó. Cụ thể, ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, chúng tôi vượt qua đoàn đứng thứ 2 là TP.HCM tới hơn 50 HCV. Tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 ở Nam Định, chúng tôi cũng hơn đoàn TP.HCM 64 HCV, điều đó đã cho thấy sức mạnh của thể thao Hà Nội. Đặc biệt, những môn thể thao Olympic như đấu kiếm, đua thuyền, bắn cung, TDDC, vật… hay những môn thể thao ASIAD như wushu, các VĐV Hà Nội đều chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, việc các VĐV của thể thao Hà Nội tham gia trong đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu các kỳ Olympic, ASIAD hay SEA Games cũng có những đóng góp đáng kể, gần như chiếm 1/3 quân số lực lượng VĐV, HLV. Số HCV chúng tôi đạt được ở những Đại hội đó cũng chiếm 1/3, điều này được thể hiện rất rõ ở hai kỳ SEA Games vừa rồi, các VĐV Hà Nội đóng góp thậm chí tới 31%, 33% số HCV. Tại ASIAD 14 ở Incheon (Hàn Quốc), chúng tôi có Dương Thúy Vi là VĐV duy nhất của Việt Nam giành HCV. Bên cạnh đó, một số môn thể thao khác cũng tiếp tục phát huy được thế mạnh”- Ông Phan Anh Tú nhấn mạnh. |
Lâm Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags