Trò chuyện với chúng tôi, giảng viên Ngọc Mai - Quán quân The Masked Singer đã có nhiều trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề. Cô nói: "Những người còn nói người khác là 'đồ ca sĩ phòng trà' thì nên xem lại, bây giờ phòng trà đã khác ngày xưa".
Quán quân The Masked Singer chính thức gọi tên O Sen trong sự vỡ oà của người hâm mộ.
Khi mascot O Sen được cởi ra, người đối diện với công chúng không ai khác hơn ngoại nữ ca sĩ Ngọc Mai, một cái tên vẫn còn khá lạ lẫm với phần đông khán giả đại chúng nhưng được cộng đồng mạng quãng thời gian gần đây đặc biệt quan tâm.
Ngọc Mai khiến công chúng dần chú ý với giọng soprano ấn tượng, những màn trình diễn với giọng hát chuẩn mực cũng như các chia sẻ đầy cuốn hút về kiến thức thanh nhạc song song với cuộc sống.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện dài đầy thú vị với Ngọc Mai sau khi cô đăng quang vị trí Quán quân The Masked Singer thuyết phục. Tại đây, cô có dịp chia sẻ về quá khứ khá nhiều chông gai với con đường âm nhạc, về cộng đồng và lớp học do cô sáng lập, và tất nhiên về chương trình The Masked Singer gắn bó với cô suốt gần nửa năm.
Vì sao Ngọc Mai lại nhận lời tham gia cuộc thi Ca Sĩ Mặt Nạ dù ngay từ lúc đầu, chưa có một bằng chứng nào cho thấy chương trình sẽ “bùng nổ” đến như vậy và O Sen sẽ được “săn đón” đến như vậy?
- Ban đầu, tôi không nghĩ rằng mình sẽ tham gia vì bản thân tôi đã tự lui về sau từ lâu. Tôi sợ hãi khi nhớ về một số chương trình trước đó đã mời tôi. Ai giận thì chịu nhưng tôi xin chia sẻ thẳng thắn vì muốn truyền cảm hứng cho các bạn ca sĩ trẻ, những người học trò mà tôi rất thương và quý. Tôi luôn muốn thể hiện sự vững chãi và chính kiến riêng của bản thân.
Trước đây, tôi có đi hát thì cũng không có gì nổi trội, thật sự là vậy, tôi chỉ là vợ của 1 người đang rất nổi tiếng, nhiều người đã quen nhìn tôi là 1 bà mẹ bỉm sữa. Chỉ ai đã theo dõi tôi từ lâu thì mới biết được tôi yêu nghề như thế nào bởi vì thế giới đó khá “ngầm” - thế giới của phòng trà rất khác. Thật sự khi chương trình nghĩ đến tôi thì tôi cũng thấy là trên đời này vẫn có chương trình nhớ tới mình, tôi vui chứ! Tôi cảm thấy có 1 chút gì đó như sự đền đáp, có 1 gợi ý gì đó ‘vì sao chương trình lại mời mình’. Nhưng lúc đó tôi vẫn không nghĩ rằng mình sẽ tham gia bởi vì những chương trình trước đây đã mời tôi, tôi đã tham gia nhưng họ không trân trọng.
Ngọc Mai trải lòng về việc từng bị "khinh thường" khi tham dự 1 cuộc thi ca hát trước đây
Ngọc Mai đã từng bị các chương trình trong quá khứ không trân trọng?
- Cách đây 1 vài năm, trước đại dịch 1 thời gian, lúc đó tôi chỉ ở nhà. Khi ấy, tôi nhận được lời mời và đã tham gia 1 chương trình khi nhắc đến thì chắc chắn mọi người sẽ biết. Khi đó tôi đã hỏi ý chồng rất nhiều rằng: ‘Có cho em quay trở lại không? Có cho em đi hát không?’ vì tôi đã nghỉ ở nhà rất nhiều.
Khi tôi đã thuyết phục được chồng và nhận được sự hậu thuẫn từ anh ấy, khi đến quay họ đã cho tôi rớt ngay vòng đầu tiên, họ nói rằng tôi không có khả năng và bảo rằng giọng hát của tôi không thể thi được các cuộc thi.
Đó là câu trả lời rất đau lòng. Tôi không có một cơ hội để hát, cũng không được giải thích về tiêu chí của chương trình. Như mọi người đã biết, tôi được đào tạo bài bản, là một giáo viên và đã tham gia chấm rất nhiều cuộc thi, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình tham gia thi nhưng tôi không ngờ họ lại đưa tôi vào tình thế rất trớ trêu, tôi sợ hãi.
Khi Ca sĩ mặt nạ mời tôi tham gia, tôi nhớ lại cuộc thi đó và rùng mình. Tôi đã nói: ‘Không, tôi sẽ không tham gia’ và hỏi rất kỹ tại sao lại mời tôi. Chương trình rất kiên nhẫn. Vừa có sự run sợ khi ký ức tràn về vừa có hoài bão trong lòng thôi thúc tham gia nên tôi cứ trả lời dây dưa với chương trình, chương trình đã rất nhẫn nại đến nói chuyện và tôi được bày tỏ mong muốn hết mình.
Vậy cuối cùng, điều gì đã khiến Ngọc Mai bị thuyết phục, đồng ý trở lại “ánh sáng” sân khấu?
- Mục đích ban đầu của tôi rất quan trọng, đến thời điểm bây giờ vẫn vậy. Nguồn động viên lớn nhất với tôi chắc chắn là gia đình, anh Quốc Nghiệp khi nào cũng đứng cạnh bên, khi nào cũng động viên tôi. Nhìn vậy chứ tôi cũng nhát gan lắm! Anh ấy luôn động viên rằng tôi cứ đi thi để thử sức và thỏa mãn cuộc đời làm nghề. Tôi cảm thấy hành trình vừa rồi rất tuyệt vời. Tôi không sợ dừng lại vì thua. Nhân vật O Sen diễn tả rất đúng về con người của tôi. Nó có đầy đủ sự hóm hỉnh, rất nhây nhưng cũng rất nghiêm túc.
Trong cuộc sống tôi diễn rất nhiều vai: làm con, làm vợ, làm mẹ, làm thầy, làm trò, vai gì tôi cũng làm tròn vai đó. Giống như Ngọc Mai xuất hiện trên sân khấu Ca sĩ mặt nạ là vai của 1 O Sen. Tôi mong muốn mang những thứ thật sự đơn giản đến với mọi người, mọi người đừng nghĩ nó quá phức tạp. Tôi hát chuyên về dòng nhạc phòng trà, không phải những bài hát như ở The Masked Singer nên rất nhiều người không nhận ra tôi vì mọi người nghĩ ‘Ngọc Mai không thể nào hát dòng nhạc này được’. Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người rằng không gì là không thể, đây cũng là điều chồng tôi đã truyền cảm hứng cho tôi.
Vì sao lại là O Sen? Cái tên này ý nghĩa như thế nào với bạn?
- Khi chương trình hỏi tôi thích hình ảnh đại diện là gì thì tôi chọn hóa thân thành sen và có được cái tên O Sen. Tôi rất yêu Việt Nam, sen đậm chất Việt Nam, là “ôsin, con sen” nhưng cũng là Quốc hoa, là biểu tượng.
Tôi thấy sen cũng giống như cuộc đời tôi và của rất nhiều người: “Không bùn thì không sen”. Tất cả những khổ đau đi qua đều là phân bón, là bùn để sen được ngát hương theo cách riêng. Và tôi cũng rất thích những thứ ẩn dụ về sen như “liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ” chẳng hạn. Con đường của tôi đi rất mong manh, cách xử lý tác phẩm của tôi cũng vậy nhưng tôi tin rằng những ai đồng điệu thì sẽ hiểu. Khi đã vào cuộc chơi thì phải chơi hết mình, tôi không bao giờ luyến tiếc chuyện thắng hay thua, chỉ luyến tiếc khi đã không hết mình.
Trong chương trình thì mascot nào đem lại cho O Sen nhiều nguồn cảm hứng, ấn tượng mạnh mẽ về cách mà họ trình diễn?
Tôi thích nhất là Báo Mắt Biếc, không phải vì chơi thân mà vì Báo rất cá tính khi đứng trên sân khấu. Chương trình bảo mật cao nên lúc đầu không biết ai với ai, nhưng khi cất giọng lên là biết. Báo có chính kiến và ngọn lửa chân thật bên trong.
Thành thật mà nói Báo Mắt Biếc Uyên Linh có cái hay riêng mà không ai có thể làm giống được. Trong chương trình, tôi cũng hỗ trợ Báo Mắt Biếc một tay trong khâu dựng bài. Những người giảng dạy về nghề thì tôi không nghĩ đó là dựng bài mà chỉ cho là hỗ trợ nhau như 1 cuộc trò chuyện, chia sẻ.
Một người đẹp thì không thể bằng cả tổng thể đẹp. Bản thân tôi cho rằng mỗi người đều có hương sắc riêng, tôi chỉ hỗ trợ để bạn làm tốt phần của bạn. Giọng của Báo Mắt Biếc đâu liên quan đến O Sen, còn nếu công chúng cho là phù hợp thì đó là một điều xứng đáng.
Sự đón nhận không phải ở mình nên tôi luôn quan niệm mỗi sự việc đều có cái sâu xa của nó. Không thể từ 1 người bình thường trở thành 1 người có giọng hát hay, nó đều phải có quá trình. Mỗi người cũng đều có 1 bộ phận khán giả riêng không liên quan đến nhau. Báo Mắt Biếc cùng bảng với tôi mà phần trình diễn của bạn hay tôi vẫn cảm thấy sung sướng.
Ngọc Mai chia sẻ về hành trình tại The Masked Singer
Khán giả hẳn rất muốn biết trước khi có một O Sen - một Thạc sĩ Ngọc Mai như ngày hôm nay, bạn đã trải qua những năm tháng như thế nào?
- Lần đầu tiên tôi đi thi Sao Mai, nếu mọi người tìm kiếm trên mạng sẽ thấy tôi là 1 cô gái tóc dài, miệng hô, mắt đeo kính.
Ngày xưa tôi rất xấu và chỉ có giọng hát. Khi tôi đi ra Hà Nội để thi chung kết toàn quốc, thì có 1 câu nói như một đòn tâm lý rất mạnh đó là: “Cô có nhất ở đâu thì ra đây chỉ là con gián”.
Nghe câu đó tôi sợ hãi nhưng hiện tại, tôi dùng câu đó để nói với học trò rằng: “Một ngày đẹp trời, cái vị mà đã nói mình đó đã đứng chung sân khấu và hát song ca với con gián mà họ đã nói”.
Tôi cảm thấy chỉ cần mình cố gắng thì chính người đó phải hát song ca với mình. Khi còn nhỏ tôi nghĩ đó là nỗi đau, còn bây giờ nhìn nhận lại nếu không có ngày đó thì không có Ngọc Mai bây giờ, đôi khi tôi có thể thành con gián thật thì sao?
Tôi vào miền Nam và tiếp tục hành trình đi hát phòng trà, có những thứ rất tốt đẹp đến với tôi. Tôi từng ở trong nhóm bè Cadillac, lúc đầu không có tiền nên việc gì tôi cũng làm, thu một số bài cho các ca sĩ, tôi giúp bè ở những nốt cao. Có nhiều người lại nói rằng “À đây chỉ là đứa hát bè”, nhưng tôi rất tự hào về điều đó, đâu phải dễ mà có được những người bạn, người chị chỉ dạy như vậy.
Rồi tôi đi tham gia những cuộc thi chuyên nghiệp, thực ra lúc đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là cứ đi thi cho biết, nhiều khi là để kiếm tiền rồi hát hợp xướng, không có gì Ngọc Mai không làm. Ở một môi trường nào đó, nó không có tốt hoặc xấu mà do cái tâm tưởng của con người nghĩ thế nào, cách nhìn nhận là do chính mình, lựa chọn môi trường phù hợp với bản thân chứ không nên phán xét.
Tôi giảng dạy ở Nhạc viện một thời gian, tôi thấy mọi thứ cũng ổn vậy thôi, tôi vẫn chưa tìm ra được chính mình, thấy đó không phải tôi mặc dù rất mê đi dạy. Tôi tự hỏi tại sao mình lại bị chán như vậy, tôi không lý giải được, bây giờ tôi đã có câu trả lời nhưng không tiện nói ra. Điều đó không phải là xấu hay tốt mà nó không phải là sứ mệnh của mình.
Trong hành trình của O Sen, tôi không đòi hỏi điều gì vì mọi người luôn muốn tốt cho tôi, và những bài hát có thể do tôi chọn, học trò chọn, chương trình cũng gợi ý rất nhiều. Những bài hát là những câu chuyện đường dài, tôi luôn chuẩn bị bước thứ nhất sẽ gửi gắm điều gì, bước thứ hai làm gì… nên hành trình của O Sen mỗi ngày sẽ gửi đến một điều khác nhau. Mỗi bài hát O Sen chọn đều có sự đặt để, muốn truyền tải những thông điệp chứ không phải vì bài hát đang xu hướng.
Vậy là chị chọn lui về phía sau làm một cô giáo dạy hát, trong khi với giọng nữ cao hiếm có này, có một ekip tốt rất có thể chị đã thành một nữ ca sĩ nổi tiếng của Vpop rồi?
- Tôi đã trải qua những giằng xé tâm lý trong chính con người mình. Như mọi người cũng biết, hiện tại Ngọc Mai đang dạy đại trà, dạy những người không chuyên. Tôi không dám nói những bạn ca sĩ là học trò của mình mà chỉ là những người bạn đồng nghiệp cùng nhau trao đổi về chuyên môn.
Tâm nguyện của tôi là định hình tai nghe của khán giả. Có những niệm định ngày xưa tôi nghĩ là đúng thì bây giờ phải xem lại. Ví dụ như ngày trước tôi dạy các bạn thanh nhạc thì bạn nào không có cao độ, không có tiết tấu thì tôi nói thôi cái này không liên quan đến âm nhạc, bạn không thuộc về nó.
Nhưng khi tôi đi dạy đại trà, tôi rất kiên nhẫn, vừa dạy vừa nghiên cứu chất giọng đó, họ không có gì hết thì tôi phải làm như thế nào. Tôi đã thành công một ca, không cao độ, không tiết tấu nhưng có cảm nhận âm nhạc tốt hơn và hát được tốt hơn so với những ngày đầu. Quan trọng phải là sự phù hợp, thanh nhạc có rất nhiều cách dạy khác nhau và cách nào cũng có cái lý riêng của nó.
Đối với tôi, khi là ca sĩ đứng trên sân khấu, cho tôi được phép tự hào về bản thân một chút, đó là tôi được là một ca sĩ phòng trà. Một đêm tôi hát 4, 5 quán, mỗi quán 3 bài, tối nào cũng đi hát, thử hỏi sự luyện tập đó có ai lại không? Những người còn quan niệm và nói người khác là “đồ ca sĩ phòng trà” thì nên xem lại, bây giờ phòng trà đã khác ngày xưa, tôi tự nhìn lại và thấy mình quá may mắn vì đã từng sống trong thời đó.
Phòng trà ngày trước, mọi người ngồi im để nghe từng hơi thở, để nghe từng câu chữ, không một tiếng động. Nên không chỉ hát bằng miệng mà còn phải động não, tôi muốn mọi người hiểu rằng khi chúng ta hát, cổ họng là công cụ để truyền tải cảm xúc, kỹ thuật đến từ trí tuệ. Vì vậy phải có cái đầu tốt, ví dụ hôm nay bị đau họng thì tư duy của mình sẽ gợi ý rằng nốt đó mình đừng lên cao, chọn cách hát an toàn hơn.
Bạn có thấy chạnh lòng khi cùng 1 giọng hát đó nhưng với O Sen có hàng nghìn người đến xem nhưng khi mở mascot ra thì là một Ngọc Mai với sự đón nhận khiêm tốn của trước đây?
- Mai tin chắc sẽ có những khán giả đón nhận Ngọc Mai vì tôi đã làm tròn vai O Sen lên sân khấu. Đó thực ra là đại diện cho 1 nhân cách của mình, cũng không thể mãi đeo mascot để thực hiện những công việc cuộc sống thường nhật. Khi ở trên sân khấu tôi là O Sen nhưng trong cuộc sống tôi là Ngọc Mai. Tôi không chạnh lòng vì tôi luôn tự hào mình là Ngọc Mai, chỉ cần ở trên sân khấu khán giả đón nhận O Sen, lên lớp thì học trò yêu thương cô Mai, về nhà thì có con, chồng yêu thương. Hình tượng O Sen ngày đầu tiên nhẹ hơn nhưng vì sợ lộ nên phải đúc để che kín cả mặt.
Tôi nhớ hôm trình diễn ca khúc cổ điển Carmen phải rạch phần miệng ra để thở, chương trình cũng phải làm mờ đoạn đó. Việc mascot áp sát mặt cũng khiến nghệ sĩ gặp khó khăn trong lúc hát, nên việc xử lý hậu kỳ là đương nhiên. Sau các vòng, đồ càng long lanh nên mascot O Sen lại càng nặng. Việc đội O Sen vào được nhiều người tung hô khiến cuộc sống của tôi cũng vô cùng nặng, phải chịu nhiều khổ cực. Mỗi ngày đi quay phải dùng nhiều thuốc giảm đau mặc dù biết điều đó không tốt.
Mỗi vòng O Sen được tung hô hơn, bước lên 1 bậc cao hơn thì sự nặng nề với tôi càng lớn, cả nghĩa đen lẫn bóng. Nếu không có tâm lý vững chãi thì bản thân sẽ rất dễ bị chi phối bởi độ nặng của hào quang. Vậy tại sao mình phải đem cái đó vào cuộc sống, yêu thương nhưng phải biết tách rời. Tôi làm O Sen chỉ trên sân khấu, còn cuộc sống tôi là Ngọc Mai.
Công chúng dạo gần đây đều than thở và cho rằng danh xưng ca sĩ đang bị lạm dụng, ai cũng có thể trở thành ca sĩ,...
- Thực ra cái gì cũng vậy, mỗi cái đều có giá trị riêng. Như Picasso đâu phải ai cũng thấy tranh ông đẹp, rồi Mozart nhiều người cho rằng nhạc ông dở vì họ không tương thích. Nếu làm ca sĩ với mục đích khác thì tất nhiên không thể sống lâu với nghề, bạn phải yêu nó thì mới nhận được thành quả xứng đáng.
Có nhiều luồng ý kiến cho rằng hát kỹ thuật quá thì không cảm xúc, là một giọng ca được đào tạo bài bản, một giảng viên thanh nhạc như bạn nghĩ sao về quan điểm này?
- Vấn đề này như kiểu mặc gì cũng được, miễn che được cơ thể nhưng với những người tinh tế hơn, họ sẽ ủi là bộ trang phục hay cầu kì lựa chọn. Mức độ mong muốn của mỗi người khác nhau nên mình không thể đưa ra 1 quy chuẩn nào. Âm nhạc cũng thế nên tùy theo nhu cầu của mỗi người nên mình không thể phán xét. Người nghệ sĩ hát bằng cảm xúc bản thân để ai đồng điệu có thể cảm nhận được, mình không thể chiều hết được mọi người.
Tôi không bị lung lay bởi định kiến vì tôi hát bằng tâm tư và cảm xúc của mình, cho những người có thể hiểu được điều đó. Một bài hát nhưng mỗi người sẽ có cách thể hiện khác nhau, quan trọng là người hát muốn truyền tải điều gì. Tôi không hoạt động nghệ thuật nhưng vẫn có không gian riêng của mình, đó là do mình lựa chọn.
Tôi nhớ cũng hỗ trợ Orange hát với 1 diva để có sự tương thích, làm cho bài đẹp. Ví dụ giọng 2 người khác biệt, đứng riêng hay nhưng tổng thể vô nghĩa thì cũng không ổn nên tôi cũng nói phải dung hoà để có một tổng thể đẹp.
Ở chương trình tôi hay hỏi chương trình đang thiếu màu gì để có tổng thể chương trình đẹp. Việc mình chia sẻ hay hỗ trợ không phải là hơn thua mà là để biết được để nương theo, không thể chỉ nổi bật mỗi bản thân, phải biết cách hát của họ để làm sao cho phần trình diễn được trọn vẹn, hoàn hảo.
Khi tôi hát song ca với ai đều muốn tổng thể đẹp, người hát chung phải có đất diễn và phải làm sao cho giọng ca cùng màu với nhau, phải làm sao để cả 2 cùng được thăng hoa. Chứ nếu so đo ăn thua thì phần trình diễn đó sẽ thất bại.
Cả tập thể phải bao nhiêu người để làm nên chương trình hay như vậy, 1 mình O Sen hay riêng ai cũng không thể làm được, phải đa màu sắc. Mỗi vòng tôi đều cố thay đổi là vì vậy, không phải vì mình ngạo mạn mà muốn chương trình được đa dạng. Còn ai như nào, tâm tư tình cảm ra sao chỉ cần cất giọng hát là người trong nghề sẽ nhận ra ngay.
Mai cũng biết ơn những người học trò luôn động viên và hỏi tại sao tôi không đi hát, tham gia các cuộc thi nên có những cái mình phải làm để vì học trò, mình cố gắng làm sao cho xứng đáng với sự yêu mến của các bạn. Tôi rất vui khi những ý nguyện của mình nhờ chương trình để có thể tiếp tục những ý nguyện đó để làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa.
Trên MXH có 1 số bạn ca sĩ trẻ bị lôi ra phân tích về việc lạm dụng giọng mũi như Erik, AMEE,... dẫn đến khả năng hát live càng ngày càng yếu. Bạn nghĩ sao về những trường hợp đó?
- Vì vị trí âm thanh khác nhau, giọng mũi là vị trí âm thanh ở mũi và đôi lúc cũng phải cần một chút mũi bài hát mới ra để tránh nhàm chán.
Giọng mũi không sai nhưng tại vì nghe hoài cũng như khán giả cảm thấy không phù hợp với chất giọng mới xảy ra như vậy, hoặc có thể chất giọng đó chưa phù hợp với bài hát. Nếu bạn cảm thấy không phù hợp có thể lựa chọn giọng hát khác nghe, thị trường giờ nhiều ca sĩ mà, mình cũng không nên nói họ. Còn nếu có ý cầu tiến thì sẽ nghe khán giả góp ý để tìm cách hay cải thiện.
Hoặc nếu xác định đây là định hướng mãi mãi mà khi nhắc đến mình là khán giả nhớ đến chất giọng đó thì cứ theo đuổi, bạn nào phù hợp với giọng hát đó, mê hoặc âm thanh đó thì sẽ thích. Quan trọng là ở người ca sĩ, nếu có bản lĩnh và học cách chấp nhận thì cứ tiếp tục theo đuổi. Còn khán giả thì họ có nhiều ý kiến khác nhau, mình hát như nào họ cũng sẽ nói nên 1 người không thể chiều ý tất cả.
- Hương Giang cũng từng thừa nhận là học trò của bạn. Nhưng vấn đề giọng hát của cô ấy luôn là vấn đề gây tranh cãi rất nhiều. Là người dạy Hương Giang, bạn nghĩ cô ấy cần cải thiện thêm điều gì?
Hương Giang chưa bao giờ phải đóng tiền cho tôi cả, bạn đổi học phí bằng hành động từ thiện. Chúng tôi là những người đồng nghiệp cùng giúp nhau tiến bộ. Có thể về giọng hát cần phải có thời gian nhưng tư duy của bạn khác. Mọi người thường cho rằng học thanh nhạc là giọng hát phải tốt lên mà không nhìn nhận những gì họ cải thiện được sau khi đi học, có làm được việc tốt cho xã hội không?
Đôi khi thầy dạy cái này nhưng lại mở ra cho họ một cái khác, là 1 Hương Giang có ích cho cộng đồng. Trong dịch Covid-19 Hương Giang cũng đóng góp cho cộng đồng rất nhiều, chúng ta nên nhìn vào những mặt tích cực. Những người có tâm ý thiện lành như vậy tại sao chúng ta không bao dung họ một chút? Còn nói về giọng hát thì hay, không hay khán giả có thể lựa chọn và quyền lựa chọn cũng ở khán giả. Nếu không thích mình có thể không nghe. Họ chỉ nghe Hương Giang là trò Ngọc Mai chứ đâu biết chúng tôi dạy nhau điều gì?
Vấn đề không phải ở Hương Giang mà là ở khán giả, nói chung ai phù hợp gì thì chọn cái đó. Mình cũng phải hiểu sâu xa là Hương Giang đã mổ vào cổ họng, trong nghề đều biết nó ảnh hưởng đến giọng rất nhiều nên để làm được như vậy không phải dễ. Chẳng hạn như chị Hồ Ngọc Hà mọi người đánh giá như nào thì không biết nhưng rõ ràng giọng hát hiện tại là cả 1 quá trình cố gắng, chăm chút. Bản thân tôi thấy điều đó không hề dễ, nó là cả 1 quá trình, quãng giọng của họ rất rộng mà đôi khi khán giả không để ý.
Hương Giang dù đã trải qua dao kéo nhưng vẫn ra sản phẩm để cống hiến, hay Erik, Đức Phúc thì tôi cũng không hiểu sao khán giả lại truyền năng lượng không tích cực đến các bạn như vậy. Hay như Chi Pu hát thành chiếc “ố” tôi rất thương bạn! Tôi nghĩ xã hội nên bao dung và có cái nhìn dễ chịu hơn để các bạn có động lực để cố gắng. Mỗi người đều có 1 chất riêng mà.
Sắp tới Ngọc Mai sẽ chọn cuộc sống gia đình hay tập trung phát triển nghệ thuật, nhất là sau chiến thắng đầy ấn tượng tại The Masked Singer mùa đầu tiên?
- Tôi sẽ dung hòa như trước giờ vẫn làm. Mọi người cũng thấy tôi vừa có thể đi dạy, lo cho gia đình nhưng vẫn theo đuổi được đam mê. Tôi sẽ sắp xếp làm sao cho thuận tiện, quan trọng là do mình. Không phải trước đây tôi không hoạt động, tôi vẫn hoạt động bình thường chỉ là hồi đó ít nhận được sự quan tâm của khán giả. Sắp tới tôi vẫn sẽ là chính mình và thuận theo những gì mình mong muốn để cống hiến theo cách riêng cho những người hữu duyên.
Cho nên sự phán xét, đón nhận hay không đón nhận, yêu thương hay không quan tâm đều không thể xoay vần được cuộc sống của Mai. Nếu như tôi nhận được những điều tích cực thì tôi có thể truyền tải năng lượng đó cho nhiều người hơn, còn nếu nhận được ít hơn thì sẽ lan toả ít hơn 1 chút. Hoa sen không thể tự nhiên 1 ngày đẹp trời trở thành hoa khác, nó vẫn sẽ bất biến và vẫn hiện diện từ xưa đến giờ.
Ngọc Mai nói về việc ca hát của các ca sĩ trẻ
Cảm ơn Ngọc Mai!
Tags