(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 30 – 40 năm, vào thời bao cấp khó khăn, sách vở khan hiếm, những cuốn sách văn học Liên Xô, thường là của NXB Cầu vồng, đã đến Việt Nam và mở ra những chân trời mới. Và trong ký ức của tôi, cái logo rất đẹp của NXB Tác phẩm mới (gồm 3 chữ TPM viết cách điệu) trên các trang bìa đã trở thành một bảo chứng về giá trị.
- Trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017: Vui buồn lẫn lộn
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017: 'Mất mùa' cả thơ lẫn văn xuôi
Giờ đây, NXB Tác phẩm mới đã thành NXB Hội Nhà văn và cũng vừa trải qua không ít khó khăn. Nhiều cảm xúc mới, cũ đan xen khiến chúng tôi phải gõ cửa Giám đốc – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều để chia sẻ câu chuyện về thương hiệu.
1. NXB Hội Nhà văn được thành lập từ năm 1957, nhưng vì những lí do khách quan mà phải tạm ngừng hoạt động sau 8 tháng. Năm 1976, NXB “tái xuất” mang tên NXB Tác phẩm mới. Đến năm 1990 lại đổi tên là NXB Hội Nhà văn, thực tế là sự trở về tên gọi vốn có từ năm 1957.
Trong hơn 60 năm, NXB đã giới thiệu các tác phẩm ưu tú từ 15 ngôn ngữ của hơn 40 nước trên thế giới.
Trước Đổi mới, văn học của các nước XHCN được chú trọng giới thiệu. Vào thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ 20, NXB hợp tác chặt chẽ với NXB Cầu Vồng (Liên Xô cũ), NXB Sviat (Bungari), “bắt tay” hợp tác “vì tình yêu với sách” với Đại sứ quán Pháp, Cơ quan HCR của LHQ tại Việt Nam, Quỹ Ford (Mỹ), Quỹ Toyota (Nhật) và các đại sứ quán Phần Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển…
Có thể nói đây là NXB có bề dày nhất trong việc giới thiệu một cách hệ thống những tác giả đoạt giải Nobel về văn học, những kiệt tác văn học thế giới và tích cực nhất trong việc tuyển chọn, sưu tầm biên soạn, giới thiệu thành tựu của nền văn học Việt Nam xuyên suốt từ thế kỷ X đến nay.
2. Ngày nay, ngành xuất bản nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều “sóng gió”, nhất là xuất bản sách văn học.
“Văn học bây giờ không phải yếu kém hơn xưa nhưng trên một cái nền rất rộng, rất cao, với một lượng sách dịch rất lớn, thì việc nổi bật một tác phẩm nào đó của nhà văn nào đó, của NXB nào đó là điều vô cùng khó khăn” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói - “Cho nên các NXB vẫn làm sách vẫn đều đặn. Các cuốn sách bán được là những cuốn không thuần về văn học, nó có một chút scandal, có chút gì về cá nhân hay sách tư liệu… Nhà sách Nhã Nam liên kết in những tác phẩm kinh viện, tên tuổi trên thế giới cho một số bạn đọc hạn chế, chứ những tác phẩm đó kinh doanh rất khó. NXB Hội Nhà văn cũng nằm trong khó khăn ấy. Bởi thế nên trong một thời gian nào đó, chúng ta có cảm giác NXB Hội Nhà văn không giữ được thương hiệu của NXB Tác phẩm mới như trước kia cũng là điều dễ hiểu”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết thêm, NXB Hội Nhà văn hiện nay phải tự thu, tự chi. “Chính vì điều đó mà chúng tôi phải làm những cuốn sách trung bình, những cuốn sách mà chúng tôi phải nói thẳng ra rằng không hứng thú gì lắm, để có ngân sách trả lương cho cán bộ công nhân viên ở đây” - ông bộc bạch.
3. Ông Thiều cũng “tiết lộ”, NXB Hội Nhà văn tiến tới sẽ bắt tay với các Mạnh Thường Quân xây dựng tủ sách thơ đương đại thế giới, mà trong tủ sách ấy chỉ “chứa” những tác phẩm mà theo ông là “thực sự cần thiết cho một nền văn học”.
Và còn có một điều mạnh bạo hơn, đó là sau hội nghị với nhà văn hải ngoại hồi cuối tháng 10 vừa qua, lãnh đạo NXB Hội Nhà văn đã báo cáo BCH Hội về việc sẽ tiến hành kiếm tìm những bản thảo mà tác giả là người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tác phẩm của các tác giả trẻ, dù họ viết bằng tiếng Anh, để xuất bản trong nước.
NXB đã in tập truyện ngắn của Việt Thanh Nguyễn (Nguyễn Thanh Việt), người được giải Pulitzer năm 2016 cho cuốn tiểu thuyết của mình. Bên cạnh đó, NXB dự định sẽ làm “sống lại” những tác phẩm tên tuổi trước năm 1975 của miền Nam để phục vụ người yêu văn chương.
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Tags