(Thethaovanhoa.vn) - Khi không khí Xuân đang cận kề trên khắp các phố phường của thành Nam Định, nhà nhà sum vầy cùng nhau chuẩn bị cho bữa cơm tất niên quây quần bên gia đình thì những người lao công của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Nam Định vẫn lặng thầm với công việc của mình, cần mẫn thu gom rác thải làm sạch đẹp mọi nẻo đường để nhân dân vui xuân đón Tết.
Khi mọi người chưa thức giấc, trời còn mờ sáng, những công nhân vệ sinh môi trường đã vội vã ra khỏi nhà để bắt đầu công việc của một ngày mới. Song có lẽ ít ai hiểu hết được những cực nhọc của nghề này, nhất là trong những dịp Tết và giáp Tết, khi lượng rác thải dân sinh tăng đột biến so với những ngày thường.
Chị Hoàng Thị Hường và chồng chị - anh Nguyễn Đăng Tuấn đã hơn hai mươi năm làm công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Nam Định. Chị tâm sự: “Nhà có năm, sáu anh chị em đều cùng làm trong Công ty, năm nào cũng vậy, trước Tết cả anh em trong gia đình và các đồng nghiệp của tôi, không nhà nào đến chơi được nhà nào bởi ai ai cũng đều bận rộn tăng ca, ngay cả cơm nước cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để giữa những giờ nghỉ tranh thủ về nhà ăn lấy sức. Những ngày cận Tết luôn luôn là thời điểm mà khối lượng công việc của chúng tôi tăng lên nhiều nhất trong năm”.
Ở Công ty, mỗi tổ làm việc được chia theo đơn vị hành chính của các phường, tổ ít nhất có 11 công nhân, những tổ đông hơn từ 13 – 14 người, có tổ lên tới 16 người. Chị Hường là tổ trưởng tổ công nhân vệ sinh ở khu vực phường Trường Thi (thành phố Nam Định) với 13 thành viên. Từ năm 2012 đến nay, Công ty phân lịch làm việc nhiều ca, mỗi bộ phận làm việc ở các khu vực khác nhau: Từ 4 giờ 30 tới 8 giờ, 8 giờ tới 11 giờ, 13 giờ 30 phút tới 16 giờ, 16 giờ tới 21 giờ 30 phút… Những công nhân vệ sinh thay phiên nhau làm việc liên tục để đảm bảo đường phố luôn được phong quang, sạch đẹp. Họ luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình là đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn mình đã được phân công, nên phải sắp xếp bố trí để hài hòa giữa công việc gia đình và công việc cơ quan.
Chỉ những thao tác như quét, gom rác lên xe và chở đi đổ tại xe thu gom tập trung… trông có vẻ đơn giản nhưng thực chất công việc lại không hề dễ dàng, làm sao để thu gom rác nhanh nhất, sạch nhất, chèn rác trên xe sao cho không bị rơi vãi… là những điều mà bất cứ ai mới vào nghề cũng phải mất một khoảng thời gian để quen dần.
Ngồi nghỉ ngơi trên vỉa hè phố Trần Hưng Đạo, vừa thắt lại quai chiếc nón đội đầu, chị Đỗ Thị Nụ vừa cười chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi có sức chịu đựng ghê lắm. Người đi đường chỉ chạy ngang qua mỗi xe rác cũng phải bịt mũi quay đi, vậy mà hơn ba trăm ngày trong năm, mỗi ngày 8 tiếng chúng tôi phải tiếp xúc liên tục với rác, đặc biệt Tết nhất cũng không có ngày nghỉ. Nói vậy nhưng chúng tôi quen rồi, mỗi ngày gom vài trăm ki-lô-gam rác thải, dù nặng nhọc và khó khăn nhưng mình vẫn phải cố gắng làm vì đó là công việc mình đã chọn mà. Nhưng mỗi ngày lễ Tết người dân cho con cái đi chơi, còn mình vẫn phải làm việc ngoài đường, đôi lúc nghĩ thương con lắm”.
Trong suy nghĩ của nhiều người, thu gom rác có thể coi là một nghề “đơn giản”, nhưng sự thật đây là công việc có tính chất độc hại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gặp nguy hiểm. Do đặc thù luôn phải làm việc ngoài đường nên dù đã được trang bị đồ bảo hộ bao gồm khẩu trang, giày, mũ, găng tay và áo phản quang, song không ít trường hợp đang mải mê làm việc trên đường phố bị người tham gia giao thông đâm thẳng vào người, do say xỉn hoặc mải nghe điện thoại khi đang điều khiển phương tiện. “Gặp những người có trách nhiệm thì họ dừng lại hỏi han, đền bù chút chi phí thuốc men, còn phần lớn là họ phóng xe đi luôn, có khi còn quay lại mắng chị em tôi “ngáng đường” – chị Lê Thị Lan, công nhân vệ sinh khu vực đường Trần Quang Khải tâm sự.
Hàng năm cứ mỗi đêm giao thừa, khi mọi người đều sửa soạn đón thời khắc thiêng liêng nhất trong năm thì ở đâu đó, mỗi làn đường, góc phố vẫn lặng lẽ bóng dáng của những người công nhân vệ sinh môi trường đang lao động miệt mài, tạo thêm gam màu sáng trong những ngày xuân cho môi trường đô thị. Với họ, có lẽ việc được đón giao thừa bên người thân là điều xa xỉ, bởi họ là những người mang một phần hạnh phúc của riêng mình làm nên mùa xuân xanh, sạch, đẹp của bao người khác.
Không chỉ những ngày Tết mà tất cả những ngày khác trong năm, tiếng chổi tre của những con người thầm lặng ấy luôn miệt mài, đều đều vang lên làm sạch đẹp đường phố. Hy vọng mỗi người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bởi đó là cách cảm thông tốt nhất với công việc của những người lao công.
Hiền Hạnh