Nửa thế kỷ bản hòa ca đổi mới và phát triển
Trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" (ngày 27/4), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Cách đây 50 năm, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường - đó là bản hòa ca của ý chí, quyết tâm, thống nhất và hòa bình. Nửa thế kỷ sau, chính dân tộc ấy đang tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới - bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.
Sau khi đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975 đến nay, Việt Nam đã đạt những thành tựu kinh tế đáng khâm phục từ điểm xuất phát cực kỳ thấp.
Vào năm 1974 quy mô nền kinh tế của cả miền Bắc và miền Nam cộng lại chưa đầy 22 tỷ USD. Không lâu sau năm 1975, Việt Nam bị hai cuộc chiến tranh lớn ở biên giới phía Nam và biên giới Bắc tàn phá nặng nề, nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ và sản xuất nông nghiệp. Các khoản vay và viện trợ nước ngoài chiếm hơn 63% ngân sách.
11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. Ảnh: Mai Hưởng-TTXVN
Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có lúc lên đến gần 775%, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống ở mức nghèo khổ.
Ở giai đoạn 1976 - 1980 tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ đạt 1,4%, thậm chí vào năm 1980 mức tăng GDP là âm 1% và nước ta phải nhập 1,57 triệu tấn lương thực.
Tại Ðại hội VI (tháng 12/1986) Đảng ta đã chủ trương đổi mới và từ đó kiên trì thực hiện đường lối cải cách mạnh mẽ về kinh tế - xã hội.
Đến năm 2024, GDP của Việt Nam đạt mức 476,3 tỷ USD (gấp gần 129 lần so với năm 1975), đứng thứ 24 trên thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Năm 2025, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 506 tỷ USD.
Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kém hiệu quả, với thu nhập bình quân đầu người chỉ 96 USD vào năm 1989, đến năm 2009 nước ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình (1.120 USD). Năm 2024, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD (tương đương 114 triệu đồng), gấp 58,75 lần so với năm 1975. Số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước còn dưới 1%.
GDP quý I/2025 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2024, đạt mức tăng cao nhất so với quý 1 các năm trong giai đoạn 2020 - 2025.
Như vậy là GDP của nước ta tăng trưởng liên tục suốt 44 năm, mức tăng thuộc top đầu thế giới.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết với nhan đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Về quy mô GDP, Việt Nam vào năm 2010 đứng thứ 6 Đông Nam Á, thứ 17 châu Á, thứ 53 thế giới. Đến năm 2024, thứ tự này đã thay đổi đáng kể - thứ 5 ở Đông Nam Á, thứ 14 ở châu Á và thứ 33 trên thế giới.
Nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu về kinh tế.
Tính về con số tuyệt đối thì nền kinh tế nước ta vẫn còn khiêm tốn so với nhóm đầu trong Đông Nam Á là Indonesia với 1.470 tỷ USD, Thái Lan với 548,89 tỷ USD và Singapore với 525,22 tỷ USD.
Điều đáng lo ngại nhất là năng suất lao động ở Việt Nam rất thấp. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho biết, hiệu quả sản xuất của người Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan.
Tuy nhiên, như lời đồng chí Tổng Bí thư, dân tộc Việt Nam chưa từng lùi bước trước mọi gian nan, thử thách, chỉ cần có dũng khí đổi mới và sự đồng tâm của toàn dân tộc.
Ý chí chính trị quyết liệt về cuộc cách mạng mới hiện nay của Đảng và Nhà nước ta đã lan tỏa tới toàn xã hội, hun đúc quyết tâm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân đoàn kết vượt qua khó khăn.
Thành phố Hồ Chí Minh bình yên, nghĩa tình trong sáng ngày đầu năm mới 2025. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Nội tại nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết sớm và triệt để để nâng cao mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy tất cả các tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.
Đó là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thuế và phí, sắp xếp lại bộ máy tổ chức nhà nước, sáp nhập đơn vị hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp hiện đại, khoa học - công nghệ, ưu tiên đầu tư vào những ngành công nghệ hiện đại, cốt lõi, tiên tiến…
Trong nhiều quyết sách để đưa Việt Nam lọt nhóm quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 thì việc tái cấu trúc nhà nước là chủ trương hết sức quan trọng nhằm tạo ra một bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả.
Trước khi việc tinh gọn bộ máy được thực hiện thì số lượng công chức chiếm 7,9% số việc làm tại Việt Nam. Tỷ lệ này là cao ở Đông Nam Á. Nhưng vấn đề chính không chỉ nằm ở số lượng công chức mà ở sự có quá nhiều tầng nấc quản lý, sự chồng chéo, cồng kềnh của bộ máy và sự rối rắm của thủ tục hành chính.
Một số dự án phát triển có khi phải mất tới 14 năm để hoàn tất tất cả các thủ tục bắt buộc. Quá trình phê duyệt dự án tiêu tốn 2 – 3 năm và nhà đầu tư phải thu thập 30 – 40 chữ ký của các cơ quan.
Sau khi việc tinh gọn bộ máy hoàn tất thì Chính phủ sẽ có được khả năng phân bố nguồn lực tài chính hợp lý hơn, ngân sách sẽ được chuyển hướng sang các khoản đầu tư có hiệu quả cao. Bộ máy tinh gọn cũng giúp cho việc soạn thảo và thực hiện chính sách của Chính phủ tốt hơn, thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ sự tham gia của khu vực tư nhân vào nền kinh tế của đất nước.
Cụ thể, sau khi giải thể, sáp nhập một số bộ, ngành, cơ quan thì từ ngày 1/7/2025 ở Việt Nam chính quyền địa phương sẽ chỉ còn 2 cấp (bỏ cấp huyện), giảm 60-70% số xã và chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc tinh giản đầu mối giúp giảm đáng kể chi phí vận hành, nhờ đó ngân sách nhà nước tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa cho bà con nông dân tham gia cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Bộ máy gọn nhẹ thì quy trình giải quyết công việc sẽ nhanh chóng hơn, rút ngắn thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, cải thiện chất lượng phục vụ, giảm tình trạng phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy còn tạo động lực cho sự đổi mới, phá bỏ tư duy cũ, thúc đẩy cải cách thể chế. Bộ máy tinh gọn cũng linh hoạt hơn trong ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, áp dụng Chính phủ số…
Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư kết luận: "Độc lập và thống nhất không phải là cái đích cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới: hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển và trường tồn. Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" bằng những hy sinh mất mát, thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới".