(TT&VH cuối tuần) - Khép lại một năm 2010 vui ít buồn nhiều với bóng đá Việt Nam, người hâm mộ lại hướng về phía trước với nhiều hy vọng mới nhất là khi mùa giải V-League 2011, mùa giải “chuyên nghiệp chuẩn” (theo Ban Tổ chức giải), đang đến gần. NSƯT Bảo Quốc cũng rất hào hứng trước mùa giải mới.
* V-League 2011 sẽ có nhiều cái mới: đầu tiên là nhà tài trợ mới Ngân hàng Eximbank (đồng nghĩa với cái tên mới cho giải bóng đá cao nhất Việt Nam) với hợp đồng “khủng” 30 tỷ đồng/năm cho 3 năm; và đây cũng là mùa giải được công nhận là chuẩn bị đạt chuẩn chuyên nghiệp sau 10 năm “quá độ”. Xem ra bóng đá Việt Nam chào năm mới khá hoành tráng.
- Đây thật sự là một tín hiệu rất đáng mừng khi quá trình chuyên nghiệp hóa của bóng đá Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn. Những năm qua đúng là chúng ta đang quá độ chứ chưa thể gọi là một nền bóng đá chuyên nghiệp được. Nhưng còn mùa bóng năm nay trên giấy tờ thì cứ cho là đủ chuẩn chuyên nghiệp đi nhưng còn có thực sự đạt được điều đó hay không thì còn phải chờ xem đã.
Qua 10 năm lên chuyên thực sự bóng đá Việt Nam đã phát triển rất nhiều. Giải đấu “mở cửa”, cầu thủ ta va chạm với cầu thủ nước ngoài nhiều, lực lượng ngoại binh rồi cả huấn luyện viên nước ngoài xuất hiện tăng tính hấp dẫn lẫn cạnh tranh đem lại một sinh khí mới ngày càng mạnh mẽ cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã có dáng dấp của chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa thấy được rõ sự khác biệt “đẳng cấp” giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư. CLB chuyên nghiệp, cầu thủ chuyên nghiệp thì phải khác. Tôi đã từng tham quan một CLB bóng đá của Hà Lan. Mọi thứ của họ từ cơ sở vật chất, đào tạo, quản lý, vận hành… rất bài bản. Trụ sở của họ có đầy đủ sân bãi, phòng luyện tập với thiết bị chuyên dụng (thủ môn của họ tập với máy bắn bóng, chứ không chỉ thủ công kẻ ném người chụp như ở ta), có lớp đào tạo năng khiếu cho những lứa tuổi khác nhau, có dịch vụ kinh doanh hàng lưu niệm, có cơ sở truyền thông…
Đó là kinh doanh bóng đá, tất cả phục vụ cho bóng đá, kiếm lời từ bóng đá. Cầu thủ của họ cũng chỉ mỗi nhiệm vụ ăn, tập rồi đá bóng, chẳng phải lo nghĩ xem công ty của ông “bầu” mình làm ăn lên xuống ra sao. Bên mình ông “bầu” mà làm ăn khá thì đội bóng khỏe, nhưng “công ty mẹ” mà có gì trục trặc thì đội bóng cũng lao đao. Làm bóng đá ở Việt Nam mang tính làm quảng cáo cho thương hiệu làm ăn của các ông “bầu” nhiều hơn. Tất nhiên không thể trong một sớm một chiều hô biến V-League trở thành như các giải nước ngoài được nhưng đó là hướng mà bóng đá Việt Nam phải hướng đến được nhất là khi đã chính thức chuyên nghiệp.
* Cùng với đó cũng là một tin vui nữa chứng tỏ V-League nhà mình thực sự “có giá” khi tập đoàn AVG đã mua bản quyền truyền hình V-League. Tuy nhiên rằng vui thì thật là vui nhưng thấp thỏm cũng không ít khi nỗi lo về một “K+ mới” lại nhen nhóm. Ông đánh giá việc này như thế nào?
- Việc AVG mua bản quyền truyền hình V-League chứng tỏ ảnh hưởng của giải đấu đã lớn và có phần hấp dẫn. Tuy nhiên, khó mà so sánh với các quốc gia có nền kinh tế và bóng đá phát triển, họ vẫn phải bỏ tiền để xem giải đấu nước mình, số tiền đó với họ không là bao cả. Nhưng nước mình vẫn còn nhiều người nghèo, rồi cơ sở hạ tầng yếu kém nữa. Như ở vùng sâu vùng xa cho dù có tiền cũng chưa chắc coi bóng đá được vì cáp truyền hình không vô tới được. Tôi hy vọng VFF có thể thỏa thuận với AVG như thế nào để giải đấu có thể đến với mọi người yêu bóng đá.
* Theo ông thì V-League cần phát huy và khắc phục những gì trong mùa giải mới?
- Cần nhất là phải làm luật nghiêm hơn nữa, xử phạt thật nghiêm để không xảy ra những điều không hay như bạo động trên khán đài, bạo lực trên sân cỏ làm mất đi vẻ đẹp của bóng đá, tinh thần thể thao. Cấm là cấm chứ đừng lờ lững rồi nảy ra nhiều tiền lệ làm “lờn” các cầu thủ, các đội bóng. Cơ sở vật chất như sân bãi, dàn đèn của các đội bóng cũng cần phải được xem xét nâng cấp vì rất nhiều nơi đã xuống cấp, không đạt chuẩn.
Còn lại thì hãy tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa tính cạnh tranh hấp dẫn của mùa giải năm trước. V-League 2011 sẽ rất đáng chờ đợi lắm đây!
* Cám ơn ông!
Cà phê bóng đá