(Thethaovanhoa.vn) - Thập niên 1980, sân khấu cải lương bùng nổ với Nàng Xê Đa của Nhà hát Trần Hữu Trang – vở diễn đóng đô gần hết các rạp lớn như Thủ Đô, Hào Huê, Quốc Thanh, Hưng Đạo, Cao Đồng Hưng, Bà Chiểu, Cây Gõ... Nhiều ngày, vở phải diễn hai suất mà vé chợ đen vẫn ì xèo.
Sau đó Nàng Xê Đa đi lưu diễn khắp các tỉnh rồi mới để Đài Truyền hình TP.HCM thu hình, phát sóng. Tính ra, vở có hơn 1.000 suất diễn, còn phát sóng bao nhiêu lần thì không đếm nổi.
1. Nhiều khán giả khi ấy cứ xem đi xem lại vở mà vẫn cứ khóc như mưa. Khóc với nhân vật hoàng hậu Xê Đa do NSND Thanh Vy thủ diễn, và ngưỡng mộ một nhan sắc u trầm nhưng kiêu hãnh.
Ngày ấy Thanh Vy rất đẹp. Kiểu đẹp của bà thanh nhã nhưng có phần hơi kiêu sa, khép kín theo kiểu miền Bắc. Bà đúng là dân miền Bắc, nhưng lại mê cải lương miền Nam, năm 1963, tham gia Đoàn Cải lương Nam Bộ (thành lập tại Hà Nội trong giai đoạn chiến tranh, có mặt nhiều nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc), và sau 1975 thì vào Sài Gòn sinh sống, hoạt động tại Nhà hát Trần Hữu Trang.
Bà đã tập hát bằng giọng miền Nam ngọt ngào và còn pha chất Bắc trang trọng. Chính vì tư chất thanh nhã và trang trọng đó mà đạo diễn NSUT Đoàn Bá đã chọn bà cho vai Xê Đa chứ không chọn các cô đào xinh đẹp nổi tiếng khác trong Nhà hát Trần Hữu Trang thời bấy giờ.
2. Nàng Xê Đa kể câu chuyện tình của vua Rim và hoàng hậu Xê Đa. Vì sự phản bội và nghi ngờ, gieo tiếng oán của nhà vua mà Xê Đa cất bước ra đi. Bà dẫn con vào tận nơi hẻo lánh, từ bỏ thân phận hoàng gia, lặng lẽ nuôi con trưởng thành.
Nhưng quỷ Rip đã đưa đường dẫn lối cho nhà vua tìm gặp hoàng hậu, và ông đã xin bà tha thứ. Nhưng bà đã bị tổn thương quá nặng nề, mất niềm tin, nên thốt ra lời nguyền chỉ gặp lại vua khi ông đã chết, nếu không thì chính bà phải chết. Vua Rim cứ nghĩ lời nguyền đó do cơn tức giận nhất thời, nên ông trở lại hoàng cung giả loan tin là đức vua băng hà để Xê Đa về thọ tang rồi ông sẽ giữ chân bà lại. Xê Đa về thật, nhưng khi vỡ lẽ là mình bị lừa, bà quyết định giữ nguyên lời thề, uống thuốc độc tự vẫn. Vua Rim đau đớn nhận lấy kết quả từ sự phản bội của mình.
Câu chuyện kể như vậy tưởng chừng rất mê-lô (“melodrama” - một loại kịch/phim tình cảm tâm lý) theo kiểu cải lương, nhưng kỳ thực nó lại sang trọng và triết lý vô cùng với hai nhân vật chèn vào giữa là quỷ Rip đại diện cho cái ác cái xấu trong nội tâm con người, và khỉ chúa Hanuman luôn muốn vươn tới cái đẹp của nhân loại. Nghệ sĩ Thanh Vy đã sóng đôi cùng NSƯT Phương Quang thể hiện xuất sắc hai nhân vật chính. Phương Quang là vua Rim luôn bị quỷ Rip dụ dỗ, còn Thanh Vy khắc họa một nỗi đau đàn bà, một nỗi hận đàn bà, và một lòng kiêu hãnh vượt qua thường tình.
Ở đó, một người phụ nữ đầy đủ nhan sắc và phẩm chất lại bị vu oan đức hạnh thì lòng tổn thương không thể đong đếm được. Bà rút lui đã là một sự nhượng bộ. Nhưng kỳ thực trong sự rút lui đó có cả sự kiêu hãnh của bản thân. Những phụ nữ cư xử như Xê Đa không phải nhu nhược, mà họ biết đạp những thứ thấp hèn xuống bàn chân lặng lẽ của mình. Họ thà đơn độc như ngọn cây trên đồi hứng chịu gió sương chứ không làm một thứ tầm gửi tàn tạ.
Thế nhưng, vua Rim quá vô tư, ông tìm gặp lại bà, lại có những ngôn ngữ và hành động rất tệ do quỷ Rip tác động. Vậy là nỗi đau một lần nữa khơi dậy, lửa giận một lần nữa bùng cháy. Lẽ ra Xê Đa đã thoáng chút xiêu lòng, nhưng quỷ Rip đã phá hủy tất cả, và lần này nỗi đau nỗi giận tăng lên gấp trăm lần. Tâm lý Xê Đa quá đúng với con người, và rất khó trách bà đã thốt ra lời nguyền độc địa. Cả một lớp diễn khá dài NSND Thanh Vy đã đi qua những cung bậc tâm lý rất giỏi và phù hợp.
Cuối cùng, lời nguyền cũng đã thành sự thật. Lớp diễn tuyệt đẹp là khi Xê Đa về lại hoàng cung, đứng bâng khuâng rơi lệ nơi đã in biết bao kỷ niệm của mình. Tình yêu cháy lên lần cuối để tiễn đưa vua Rim. Bà đứng một mình, lặng lẽ khóc, lặng lẽ chảy tràn bao nhiêu hoài niệm, nhớ, thương, yêu, hận, tha thứ, mỏi mòn…
Ngổn ngang trăm mối dồn hết vào một lớp diễn. Xê Đa vừa kiêu hãnh vừa yếu đuối, vừa vững chãi như một cành cây trong gió nhưng cũng vừa cô đơn, mong manh chực gãy. Bà khóc nhưng không gào thét ồn ào, chỉ lặng lẽ cho nước mắt chảy từ trong tim mà ra. Giọng ca, giọng nói tuy nghẹn ngào nhưng vẫn là tư chất quý tộc. Gương mặt và đôi mắt của NSND Thanh Vy toát lên vẻ u sầu, trầm mặc, kết hợp với trang phục và vành khăn voan đen tuyền đã làm nên một bức tranh diễm lệ, huyền bí.
Cuối cùng thì vua Rim cũng đã gặp bà đúng như lời nguyền phải có một người ra đi. Quỷ Rip đã bị tiêu diệt để cho tình yêu hiện diện với lòng tin và tha thứ. Triết lý cao siêu và cách kể chuyện lại giản dị, hấp dẫn đã làm nên sức hút của vở cải lương ấy.
(Còn tiếp)
Hoàng Kim
Tags