(Thethaovanhoa.vn) - Sau những lần “trầy trật”, cuối cùng, nghệ sĩ Minh Vương cũng được đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở buổi lễ trang trọng diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào chiều 29/8.
Là một trong những tên tuổi nổi bật và hoạt động bền bỉ nhất của “thế hệ vàng sân khấu cải lương”, đến nay, ở tuổi 70, Minh Vương vẫn được nhắc đến như một danh ca hàng đầu - một giọng ca vẫn giữ mãi nét thanh xuân.
NSND Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, ông sinh năm 1949 tại Cần Giuộc, Long An. Có thể nói Minh Vương sinh ra để trở thành nghệ sĩ, bởi cả hai bên nội ngoại, không ai theo nghề…
Khôi nguyên vọng cổ
… Nhưng cậu bé Nguyễn Văn Vưng lại mê đờn ca, thường nhẩm theo các bản vọng cổ nghe được trên radio. Lại thêm cái “máu lãng tử” từ sớm với thú nuôi cá lia thia, sau giờ học lại lội bộ qua cầu chữ Y vớt lăng quăng về cho cá ăn. Dưới chân cầu là lớp dạy đờn ca tài tử của thầy Bảy Trạch - tay đờn kìm của đại bang Kim Chung lừng lẫy bấy giờ.
Tiếng đờn lời ca văng vẳng đưa đến chẳng biết tự bao giờ cuốn lấy chân cậu thiếu niên tìm đến nghe say mê và một ngày mạnh dạn xin theo học. Chỉ qua lần “nghe ca thử”, thầy Bảy Trạch biết mình vừa phát hiện được một viên ngọc thô chờ ngày tỏa sáng, liền nhận Vưng vào học và cũng miễn luôn học phí.
Năm 1964, sau 2 năm học ca, thầy Bảy Trạch chọn luôn cậu học trò Nguyễn Văn Vưng mới 14 tuổi tham gia cuộc thi Khôi nguyên Vọng cổ - cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hay do ban cổ nhạc Trường Giang của danh cầm Út Trong (có chương trình biểu diễn riêng trên sóng phát thanh) tổ chức. Không ai ngờ, thí sinh nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Văn Vưng đã vượt qua hơn 300 “đối thủ” từ các lò luyện khắp miền Nam và giành danh hiệu “Khôi nguyên vọng cổ” với bài ca cổ Mưa nắng miền Đông của soạn giả Viễn Châu.
Ông bầu Long của Công ty Cải lương Kim Chung - có thời điểm Kim Chung có đến 7 đoàn hát trực thuộc, chủ trương lăng-xê những giọng ca hay, lạ, mà người thành danh đầu tiên là danh ca Minh Cảnh - liền “bắt” ngay cậu nhóc vừa đăng quang “Khôi nguyên vọng cổ”, đặt nghệ danh Minh Vương và khẳng định sẽ “cho cậu làm vua!”. Có “được làm vua” không thì chưa biết, cậu bé 14 tuổi chỉ biết rằng mình sẽ được đứng trên sân khấu ca cho nhiều người nghe và trước hết là có 10.000 đồng tiền ký giao kèo, bèn gửi 5.000 đồng cho má trang trải trong gia đình và tặng 5.000 đồng cho thầy Bảy Trạch đã dìu dắt mình những bước đầu tiên.
“Lúc này, tuổi tôi lỡ cỡ, làm kép con thì hơi lớn mà cũng chưa đủ tuổi đứng kép, nên chủ yếu là ca salon vọng cổ đầu màn hoặc ông bầu nhờ soạn giả viết thêm nhân vật nhỏ có 1 - 2 câu ca để mình làm quen sân khấu và cũng giới thiệu giọng ca mới với khán giả. Cứ thế dần dần tôi có vai lớn hơn, cứng cáp chút nữa thì lên kép ba rồi kép nhì. Đến khi tôi đủ tuổi, vào độ đôi mươi, thì lên kép chính” - NSND Minh Vương nhớ lại. Từ đấy đến nay, Minh Vương vẫn luôn là kép chính, được mệnh danh là “ông vua không ngai” của sân khấu cải lương.
Những vai diễn thăng hoa
Kể ra thì nhanh, nhưng để từ một cậu nhóc ca salon trở thành kép chính của một đại bang cải lương với rất nhiều nhân tài là điều không hề dễ dàng, đó là quá trình nỗ lực học hỏi, lao động nghệ thuật không ngừng của người nghệ sĩ. Mà với một “nghệ sĩ thiếu niên” thì trước hết phải bảo toàn được “vốn liếng” - giọng ca của mình qua tuổi dậy thì.
Nhờ sự nhắc nhở, chỉ dẫn của thầy Bảy Trạch và những người đi trước, Minh Vương đã giữ được giọng ca thiên phú đến tuổi trưởng thành và mãi về sau với sự nghiêm cẩn trong thói quen sinh hoạt “cái gì có hại thì phải tránh”. Thế là Minh Vương cũng trở thành “hàng hiếm” trong giới nghệ thuật khi ông không hút thuốc, không sa đà vào các bàn tiệc, không bị cuốn vào chiếu bạc..., luôn giữ thể trạng và tinh thần tốt nhất cho nghề nghiệp của mình.
Nếu trước năm 1975, Minh Vương thành danh từ những vai diễn kiếm khách lãng tử trên tuồng kiếm hiệp kỳ tình, cuốn hút khán giả bằng giọng ca cao vút đặc trưng, như: Cổ Thạch Xuyên (Người tình trên chiến trận), Tần Lĩnh Sơn (Đêm lạnh chùa hoang), Mộ Dung Thạch (Kiếp nào có yêu nhau), Nguyên Bá (Đường gươm Nguyên Bá), Chu Khắc Kiệt (Máu nhuộm sân chùa)… thì sau năm 1975, trên sân khấu các đoàn Văn công giải phóng, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn 284… Minh Vương có hàng loạt vai diễn thăng hoa: Minh (Tô Ánh Nguyệt), Tùng (Nửa đời hương phấn), Luân (Đời cô Lựu), Cang (Kẻ ngoại tình)…
Đặc biệt, vai Nguyễn Trãi của Rạng ngọc Côn Sơn (soạn giả: Xuân Phong, đạo diễn: Đoàn Bá) là vai diễn ông tâm đắc bậc nhất trong sự nghiệp. Ông kể: “Năm đó, tôi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Dù đã được ưu tiên cho chọn vai, nhưng tôi biết đạo diễn nhắm cho vai Nguyễn Trãi đã ở tuổi cao niên phải là một nghệ sĩ có bề dày tuổi đời lẫn tuổi nghề. Sau khi đọc kịch bản, tôi chợt nghĩ, lâu nay mình chỉ toàn đóng kép trẻ, giờ muốn thử sức ở một vai lão xem như thế nào. Thế là xin đạo diễn cho nhận vai Nguyễn Trãi”.
Thực tế, đạo diễn Đoàn Bá, ê-kíp thực hiện vở diễn và cả chính Minh Vương cũng không thật tự tin. Nhưng bằng sự nghiêm túc, tận tâm trong tìm hiểu nhân vật và những nỗ lực trên sàn tập, Minh Vương đã thuyết phục mọi người trông chờ vào hình ảnh mới mẻ của mình.
Ông đã mời NSƯT Kim Cúc - nghệ sĩ tiền phong, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương - hướng dẫn riêng, luyện tập cách đi đứng, nói năng, phong thái, cử chỉ… cho ra dáng bậc danh sĩ lớn tuổi.
“Tôi cũng phải tìm tòi cách ca mới, không thể mạnh mẽ như thường ngày mà phải thật chững chạc, trầm ổn, cách diễn cũng điềm đạm, chậm rãi. Ánh nhìn cũng phải kiểm soát thật tốt, không thể lơ đãng phút giây nào. Đến khi ra diễn, tôi sụt khoảng 6 - 7 ký lô, đôi mắt thường xuyên nhức vì luôn trong tình trạng đăm chiêu suy nghĩ…” - NSND Minh Vương chia sẻ.
Thế là với vai lão đầu tiên và cũng hiếm hoi trong gia tài đồ sộ hàng trăm vai diễn của mình, NSND Minh Vương đã có một “vai diễn để đời”. Phải hàng chục năm sau, khi cùng NSND Lệ Thủy thành lập Sân khấu Vàng trong giai đoạn muôn vàn khó khăn của sàn diễn cải lương (khoảng giữa những năm 2000), Minh Vương mới lại được tiếp tục vào vai già - mà lần này thực sự đúng độ tuổi.
Mới đây nhất, vai diễn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - trong vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường (kịch bản Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) cũng được nghệ sĩ rất yêu thích dù chỉ xuất hiện hơn 5 phút trong một lớp diễn.
Và để có được vai diễn “ngắn kỷ lục” trong sự nghiệp đó, NSND Minh Vương đã từ chối “ngồi ghế nóng” trong Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. “Chưa bao giờ tôi xuất hiện chớp nhoáng như thế trên sân khấu, nhưng tôi rất vui vì mình lại có thêm một vai diễn hay, lại là nhân vật lịch sử quan trọng được kính trọng, yêu mến cũng giúp mình học hỏi thêm nhiều điều cho nghiệp diễn. Với người nghệ sĩ, không quan trọng là vai chính hay phụ, xuất hiện bao lâu mà chỉ cần tìm hiểu nghiêm túc, thể hiện tới nơi tới chốn là sẽ thành công” - NSND Minh Vương chia sẻ.
Đến nay, ở tuổi 70, sau lần hồi sinh từ cơn bạo bệnh phải ghép thận, NSND Minh Vương ngày càng lạc quan, yêu đời và dường như cũng “trẻ ra” trong cả lời ca, nét diễn. Nhiều khán giả không khỏi bất ngờ với giọng ca và phong cách quá đỗi trẻ trung của Minh Vương qua các bài tân cổ viết cho các ca khúc nhạc trẻ được yêu thích hiện nay, như: Con bướm xinh, Nhỏ ơi, Vợ người ta, Thao thức vì em, Tiên ở nơi đâu…
- Sẽ ‘bỏ phiếu lại’ với trường hợp NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu
- Các nghệ sĩ gạo cội xúc động khi được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT
- VIDEO: Nghệ sĩ Trần Hạnh xúc động khi nhận danh hiệu NSND
- VIDEO: 90 tuổi đời, 60 tuổi nghề mới nhận danh hiệu NSND, 'người nông dân' Trần Hạnh nói gì?
Trên cương vị giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ của HTV nhiều năm qua, Minh Vương vẫn luôn khuyến khích những giọng ca mới, có cá tính riêng, động viên các bạn trẻ hãy tự tin giữ được bản sắc của mình. Ông vẫn tâm niệm: “Còn sức khỏe là còn cống hiến dù ở bất cứ vai trò gì. Và dù có ở độ tuổi nào thì tôi vẫn luôn thích làm cái gì mới mẻ hơn. Nghệ thuật và khán giả luôn cần cái mới”!
Tôi luôn nghĩ phải làm được cái gì mới… * Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình hay không? - Rất hài lòng, hạnh phúc! * Nếu được quay trở lại thời đỉnh cao của mình thì ông sẽ làm gì? - Tôi đã được sống trọn vẹn với niềm đam mê của mình từ năm 14 tuổi cho đến nay. Luôn trau dồi nghề nghiệp, giờ có thể nói là thành công trong sự nghiệp, trong cuộc sống gia đình hiện tại, được khán giả yêu thương, được đồng nghiệp, báo chí ủng hộ, được Nhà nước ghi nhận là đã đủ hạnh phúc rồi! * Ông có mong ước gì về những vai diễn để đời của mình? - Nhiều người đề nghị tôi làm liveshow, có thể hát lại các vai “để đời”, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ phải làm được cái gì mới để khán giả, các đồng nghiệp trẻ thấy được mình không dừng lại mà có những rèn luyện mới với nghề. Còn với những vai diễn mình tâm đắc được các bạn trẻ thể hiện lại thì tôi rất vui và luôn khuyến khích sự sáng tạo của các em trong từng vai diễn. |
Ngọc Tuyết
Tags