(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều năm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, ngoài một ngôi nhà đã được trùng tu, những ngôi nhà khác trong cụm nhà cổ Thanh Phú Long thuộc xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành (Long An) vẫn đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và có thể trở thành “phế tích” bất cứ lúc nào.
Cụm nhà cổ Thanh Phú Long bao gồm bốn ngôi nhà cổ được những người anh em thuộc dòng họ Nguyễn Hữu xây dựng trong khoảng từ năm 1898 – 1908 và được nhiều người biết đến với tên gọi “Xóm nhà giàu”, bởi sự giàu có, xa hoa một thời của gia chủ.
Đây là những ngôi nhà biệt lập được xây dựng theo kiểu biệt thự thời Pháp trên khu đất khoảng 15.000 m2, có kiến trúc tương đối giống nhau gồm ba gian, hai chái, cột kèo gỗ, tường gạch, mái lợp ngói đại ống, được bao quanh bằng hàng rào sắt nghệ thuật tạo dáng một cách công phu.
Toàn bộ rường cột, vách ngăn và các vật dụng bên trong ngôi nhà đều làm từ các loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, căm xe… được các nghệ nhân giỏi nhất từ kinh thành Huế chạm khắc một cách tinh xảo, cầu kỳ trong nhiều năm ròng rã.
Về đại thể, nghệ thuật trang trí ngôi nhà mang đậm phong cách cung đình như “tứ linh”, “bát bửu”…, nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ nên trong đề tài trang trí còn có nhiều nét tiểu dị miêu tả cảnh vật Nam bộ, tạo được sự phong phú và đa dạng.
Có thể nói cụm nhà cổ này là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là một phần lịch sử - văn hóa của vùng đất phương Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, ba trong bốn ngôi nhà trong cụm nhà cổ Thanh Phú Long đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2007, ngôi nhà còn lại chủ nhà từ chối xếp hạng di tích.
Cụm nhà cổ Thanh Phú Long trước nguy cơ trở thành “phế tích”. Ảnh: ditichlichsuvanhoa.com
Những ngôi nhà cổ này mang đậm nét đặc trưng văn hóa của vùng đất Châu Thành trù phú xưa, là chứng nhân của biết bao sự kiện lịch sử quan trọng, nhưng trải qua thời gian và sự tàn phá bom đạn chiến tranh khiến chúng không còn nguyên hiện trạng.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Hữu Phu (đã mất) là di tích lịch sử cấp quốc gia nằm lọt giữa khuôn viên đầy dây leo, bụi rậm, hàng rào đã đổ sập, cổng nhà rỉ sét, lối vào cỏ mọc um tùm. Nhìn phía trước nhà có thể thấy hàng cột đã bị gãy đổ được chủ nhà gia cố tạm bằng các thanh gỗ, các mảng tường nứt nẻ chỉ chờ rơi xuống, mái ngói nhiều phần bị bể, cửa chính, cửa sổ cũng đã mục nát. Phần hiên trước nhà được tận dụng để chứa củi và các loại phế liệu, còn bên trong nhà chỉ để thờ tự và làm kho chứa đồ.
Nhìn vào đây không khỏi xót xa cho một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo một thời giờ chỉ còn như ngôi nhà hoang. Những người ở trong ngôi nhà này cũng không dám ở trong gian nhà chính mà phải dời ra ở phía sau nhà.
Ông Nguyễn Hữu Bằng, con trai ông Nguyễn Hữu Phu cho biết: “Ngôi nhà của cha ông tôi nằm trong diện di tích lịch sử cấp quốc gia, trước đây Nhà nước đã lên tiếng để tu bổ, trùng tu lại nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa thấy gì. Hiện tại bây giờ, mỗi ngày càng xuống cấp trầm trọng, vài bức tường chuẩn bị sập. Mong các cơ quan Nhà nước sẽ có kế hoạch nhanh chóng trùng tu chứ để càng lâu sẽ càng hư hỏng”.
Rời nhà ông Phu, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Xuân, là ngôi nhà từ chối xếp hạng di tích. Do được chủ nhân sửa chữa nhiều lần nên phần ngoại thất ngôi nhà không còn nguyên bản mà mang nhiều nét tân thời, nhưng bên trong, hệ thống rường cột, vách ngăn, đồ đạc vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Xuân cho biết: “Ngôi nhà này được ông cố tôi cất từ năm 1900, trang trí nội thất bên trong đến 1903 mới hoàn thành. Mấy năm trước, các cơ quan cũng có ý định đưa vô di tích nhưng thấy bất tiện quá nên chúng tôi từ chối, bởi vì đã là di tích rồi thì muốn di dời, sửa chữa hay mua sắm thêm vài món đồ để thêm trong nhà cũng phải xin phép. Gia đình phải tự bỏ kinh phí sửa chữa từng phần, lợp lại mái ngói cũng hết gần 300 triệu. Vài năm nữa chắc phải sửa tiếp vì hiện nay tường đã có dấu hiệu nứt nẻ, xệ xuống”.
Trao đổi về công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ông Phạm Văn Trấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An cho biết: “Long An có 20 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Bên cạnh một số di tích đã trùng tu, tôn tạo và bước đầu phát huy giá trị vẫn còn các di tích hiện nay đã xuống cấp. Riêng di tích cụm nhà cổ Thanh Phú Long, trong thời gian qua đã trùng tu một trong ba ngôi nhà được công nhận di tích cấp quốc gia (nhà bà Trần Thị Ba, cháu dâu đời thứ ba của ông Nguyễn Hữu Hiên, người xây dựng ngôi nhà - PV) với kinh phí hơn 7 tỉ đồng.
Hiện nay, nhu cầu trùng tu, tôn tạo rất lớn nhưng do kinh phí từ nguồn mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không còn, điều kiện kinh tế của tỉnh vẫn còn rất khó khăn nên chưa thực hiện được. Cũng mong rằng, các cơ quan nhà nước cấp trên quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn nói chung và cụm nhà cổ Thanh Phú Long nói riêng, để các di tích này có thể phát huy hết giá trị”.
Trong khi ngân sách gặp khó khăn, không có nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo thì những ngôi nhà cổ ở Thanh Phú Long vẫn xuống cấp từng ngày, những người sống trong đó vẫn nơm nớp lo sợ ngôi nhà sẽ sập xuống bất cứ lúc nào và nguy cơ di tích lịch sử văn hóa sẽ trở thành “phế tích” đang hiện ra trước mắt.
TTXVN/Bùi Trường Giang
Tags