Đừng ngạc nhiên khi người viết sử dụng cái tít như thế, vì nó là nét riêng của Tăng Duy Tân. Tuần qua, anh trở lại đời sống nhạc Việt đại chúng với MV Cắt đôi nỗi sầu.
MV được giới thiệu ngày 2/10 trên trang YouTube của ca sĩ - nhạc sĩ này với 419 nghìn subscribers ở thời điểm hiện tại. Và tới cuối ngày 9/10, Cắt đôi nỗi sầu đang có một thành tích khá ấn tượng khi đạt 5,8 triệu lượt xem, 103 nghìn lượt thích, hơn 5.800 bình luận và đang đứng ở vị trí số 1 on Trending for music.
Cắt đôi nỗi sầu cũng đã có mặt trong top 10 bảng xếp hạng âm nhạc Zingchart tuần 40 (từ 2 - 8/10) và đứng ngay vị trí số 1. Trên mạng xã hội, những giai điệu của Cắt đôi nỗi sầu cũng đang được các bạn trẻ khai thác sử dụng và chia sẻ rộng rãi trong các thước phim ngắn.
Không phải ngẫu nhiên
Câu nói vui "thời đến cản không kịp" dường như đang "ứng" với chàng trai trẻ người Quảng Trị tên Tăng Duy Tân. Mặc dù mới nổi lên, nhưng chàng trai sinh năm 1995 này đã đạt được nhiều thành tích đáng chú ý. Tiếp theo Bên trên tầng lầu, anh còn sáng tác cho nhiều nghệ sĩ đình đám của giới showbiz, tạo được những "đợt sóng" hưởng ứng từ công chúng.
Chỉ tính trong năm 2023, dẫu Tăng Duy Tân không ra sản phẩm cá nhân mới nhưng anh đã là cha đẻ của nhiều ca khúc đình đám như Cô đơn trên sofa của Hồ Ngọc Hà, Mùa hè tuyệt vời của Đức Phúc, Bật tình yêu lên của Hòa Minzy… Chưa kể, ngoài khán giả trong nước, nam nhạc sĩ trẻ này còn tạo được nhiều chú ý tại một số thị trường âm nhạc đại chúng nước ngoài như Trung Quốc và một số quốc gia châu Á với các sản phẩm như Ngây thơ, Dạ vũ, Phải lòng, 05, Tình đầu... Chính vì vậy, có thể nói, ở thời điểm này Tăng Duy Tân đang là nhân vật tạo nhiều hit nhất trong nhạc Việt đại chúng.
Vì sao ca khúc của Tăng Duy Tân lại dễ dàng được công chúng, đặc biệt là những người trẻ, đón nhận và nhanh chóng lan tỏa rộng khắp? Về cơ bản, có lẽ bởi nhạc của Tăng Duy Tân không quá phức tạp, phần âm nhạc theo hướng âm nhạc điện tử, nhưng không rườm rà. Có điểm đáng chú ý trong ca khúc của Tăng Duy Tân là ngôn từ khá riêng, dễ nhớ, có hình tượng. Trong khi, các ca khúc của giới trẻ ngày càng có xu hướng ít hình tượng, hay nói thẳng, nói trực diện, thậm chí là dùng văn nói, thì Tăng Duy Tân vừa có cách diễn đạt kiểu văn nói, nhưng vừa đưa được vào nhiều hình tượng hay và gợi mở cho trí tưởng tượng của khán giả.
Chẳng hạn như Cô đơn trên sofa. Nhiều người sẽ khá bất ngờ với cách đặt tên, cách dùng từ "cô đơn" gắn với chiếc sofa. Nhưng cũng từ đó sẽ mở ra nhiều hình ảnh theo sự tưởng tượng riêng của mỗi người. Chẳng hạn, cô gái có thể đang khép mình tại căn phòng sau một cuộc tình đã chia xa, sự cô đơn trong ấm áp, hay cô đơn trong chính cảm xúc của mình; chiếc ghế quen thuộc có thể đã từng chứng kiến những tháng ngày hạnh phúc của hai người?…
Bật tình yêu lên cũng là một cái tít độc, lạ, có hình tượng.
Nhiều người cũng sẽ cảm thấy tò mò về chàng trai này khi tiếp xúc với cái tựa của ca khúc mới Cắt đôi nỗi sầu. Cũng giống như nhiều cái tựa ca khúc khác cùng tác giả, nó có hình tượng. Cái thú vị nữa là những hình tượng này khi đã xuất hiện thì tạo một cảm giác vô cùng quen thuộc, nhưng chẳng mấy ai nghĩ ra hay sử dụng nó. Phải đến Tăng Duy Tân mọi người mới có cảm giác: ồ hóa ra nó quen quá vậy.
"Cách khai thác Vinahouse cũng đã cho thấy Cắt đôi nỗi sầu sẽ là một sản phẩm có nhịp điệu cuốn, vừa rất "tay chơi" lại vừa có chất Việt tạo sự gần gũi"- nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Một bài Vinahouse
Cùng với ấn tượng của tác phẩm, không thể không nhắc đến vai trò của nhà sản xuất âm nhạc Drum7, người đồng hành với Tăng Duy Tân trong Cắt đôi nỗi sầu.
Với Cắt đôi nỗi sầu, Drum7 chọn thể loại nhạc Vinahouse, một loại nhạc phổ biến trong các bar, sàn đã được các DJ Việt Nam sáng tạo dựa trên cơ sở dòng nhạc house của phương Tây du nhập. Cách khai thác Vinahouse cũng đã cho thấy Cắt đôi nỗi sầu sẽ là một sản phẩm có nhịp điệu cuốn, vừa rất "tay chơi" lại vừa có chất Việt tạo sự gần gũi.
Điểm đáng chú ý ở đây là nội dung bài hát mang tính chất buồn của sự chia ly. Việc sử dụng Vinahouse của Drum7 tạo nên một không gian ma mị khá quen thuộc. Trong khi việc xử lý phần bass đã tạo cho không gian âm nhạc "tươi hơn", khiến cho Cắt đôi nỗi sầu vừa mang đến cái buồn man mác, vừa không mất đi tinh thần lạc quan vốn thường ẩn trong ca khúc của Tăng Duy Tân.
Cắt đôi nỗi sầu có ca từ khá bắt tai. "Cắt đôi nỗi sầu anh buông tay cắt đôi nỗi sầu/ Anh cắt đi cả bóng hình anh mang theo bên mình bấy lâu". Câu mở đầu ca khúc khá dễ nghe, màu sắc, giai điệu cũng như cách sử dụng ca từ gợi cho khán giả nhớ tới ca khúc Ôi tình yêu - bản hit một thời của ca sĩ Thanh Thảo "Có những nỗi buồn, có những có những nỗi buồn…". Tiếp theo, giai điệu âm nhạc được tái hiện trên ca từ mới: "Nỗi đau đã cạn cơn mưa trong tim cũng đã tan/ Anh bán đi mọi nỗi buồn để chẳng còn gì ngoài thanh thản". Những giai điệu này hiện đang được khá nhiều bạn trẻ yêu thích trên mạng xã hội.
Giai đoạn tiếp theo của ca khúc, giai điệu có sự phát triển theo xu hướng tăng cường cường độ, cao độ hướng người nghe đến phần cao trào sẽ xuất hiện ở phần sau. Ca từ giai đoạn thứ hai này là: "Em ơi anh muốn mỗi tối đến anh không phải thất tình/ Muốn quên một bóng hình em để lại, trong tim". Giai điệu được tái hiện trên ca từ mới: "Anh không thể đếm đã có bấy nhiêu đêm phải kiếm tìm/ Kiếm thêm một lí do cho cuộc tình không tên". Tiếp theo là điệp khúc, giai điệu khá bắt tai, được nhiều bạn trẻ yêu thích: "Anh đã thức, thức xuyên đêm/ Anh đã cố gắng để quên em/ Nhưng anh biết trong con tim anh không đành". Và "Màn đêm xuống, muốn buông tay sầu giăng kín nỗi nhớ đong đầy/ Anh đang chết dần ngày từng ngày em ơi". Phần giai điệu của đoạn này cũng gợi một cảm giác rất quen thuộc như đã từng có trước đó.
MV "Cắt đôi nỗi sầu"
Về giọng hát, có lẽ cũng là một tác nhân tạo sự chú ý tới khán giả. Không thể nói Tăng Duy Tân có một giọng hát hay, nhưng cái hay đến từ giọng hát của chàng trai 9X này là mang đến cho khán giả một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, dễ chịu.
Ca khúc nói về tâm trạng của một chàng trai, dù cố gắng quên đi mối tình đã qua nhưng vẫn chẳng thể ngừng nhớ về người ấy, nhưng qua sự thể hiện nhè nhẹ, chill chill, có phần hơi tưng tửng, nỗi buồn dường như chỉ chạm tới khán giả một cách man mác và vẫn tràn vào tâm hồn người nghe cảm giác tích cực, chứ không bi lụy.
Phần hình cũng khá ấn tượng, có cảm giác như vị đạo diễn khá giàu ý tưởng gợi mở những thông điệp ẩn ý. Đây cũng là một trong những tác nhân tạo nên thành công của MV Cắt đôi nỗi sầu.
Khán giả ủng hộ
Được khán giả đón nhận và dành cho những lời khen, đó là liều thuốc bổ đắt giá cho người nghệ sĩ. Với sản phẩm Cắt đôi nỗi sầu, Tăng Duy Tân nhận được nhiều sự hưởng ứng từ khán giả.
"Công nhận nhạc anh Tân quá cuốn luôn. Giai điệu hiện đại mà lại không quá nặng về vocal, tạo cảm giác khá chill"; "Nhạc cuốn quá trời, đặc biệt là đoạn điệp khúc và đoạn cuối huýt sáo, thời của Tăng Duy Tân"; "Hay quá! Beat chất, lời hay, phối quá cuốn, nghe nghiền rồi!"; "Hay quá Tăng Duy Tân ơi, nghe phiêu phiêu ảo ảo sao á!"; "Lời thì buồn chới với nhưng nhạc kéo tâm hồn tới niềm vui mới"… Bạt ngàn những nhận xét hưởng ứng đã được các khán giả để lại cho Tăng Duy Tân trên trang YouTube của nam ca sĩ, ở phía dưới link giới thiệu MV Cắt đôi nỗi sầu.
Khán giả thì luôn yêu quý, nhưng người nghệ sĩ không vì thế mà sao nhãng sự sáng tạo mang tính độc lập của mình. Tăng Duy Tân là một nhạc sĩ trẻ, năng lực sáng tạo tương đối dồi dào, tư duy âm nhạc khá riêng, có "gu", vốn từ vựng đại chúng nhưng có sự sáng tạo trong cách sử dụng từ. Phát huy những ưu điểm của mình để ngày càng củng cố cái tôi trong ca khúc, đó sẽ là một con đường nên đi nhất của anh chàng tạo hit mang cái tên đầy mạnh mẽ và cách tân: Tăng Duy Tân.
Dấu ấn Drum 7
Drum7 là nhà sản xuất âm nhạc trẻ, người đứng sau rất nhiều bản hit của các ca sĩ thời điểm này. Đáng chú ý, bên cạnh Cắt đôi nỗi sầu của Tăng Duy Tân, gần như phát hành trong cùng một thời điểm, cũng đang tạo được nhiều sự chú ý tới khán giả, còn có sản phẩm mới của ca sĩ Văn Mai Hương mang tên Đại minh tinh (tác giả Hứa Kim Tuyền). Sản phẩm này Drum7 cũng tham gia với vai trò nhà sản xuất âm nhạc.
Điểm: 7,6
Tags