Nỗ lực 'làm chủ' AI đang tăng tốc

Thứ Tư, 22/05/2024 12:00 GMT+7

Google News

Vấn đề quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh AI mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống con người nhưng cũng đặt ra vô vàn thách thức về độ an toàn đối với người dùng. 

Bên cạnh đó, cuộc đua về AI nóng lên từng ngày giữa các tập đoàn công nghệ càng tạo ra động lực thúc đẩy chính phủ các quốc gia tìm ra giải pháp kiểm soát AI.

Với chủ đề "Xây dựng dựa trên Hội nghị thượng đỉnh An toàn AI: Hướng tới một tương lai đổi mới và toàn diện", Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) do Hàn Quốc và Anh đồng tổ chức diễn ra trong hai ngày 21 và 22/5/2024 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. 

Hội nghị tập trung vào việc trình bày các nguyên tắc quản trị AI toàn cầu nhằm thúc đẩy sự đổi mới, an toàn và tính toàn diện; đồng thời thảo luận về cách các chính phủ có thể giúp thúc đẩy đổi mới, trong đó có việc nghiên cứu AI tại các trường đại học, xem xét các cách để đảm bảo công nghệ này được mở rộng cho tất cả mọi người và hỗ trợ giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và nghèo đói. Sự kiện lần này được xem là tiếp nối thành công của Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI toàn cầu diễn ra tại Anh vào năm 2023 - nơi hàng chục quốc gia đã bày tỏ lo ngại đối với các công ty AI hàng đầu về những rủi ro và cả những tiến bộ liên quan đến công nghệ này.

Nỗ lực 'làm chủ' AI đang tăng tốc - Ảnh 1.

Trước đó, trong một bước đi được đánh giá là chương mới trong lịch sử phát triển AI của châu Âu, ngày 17/5/2024, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan các quy định quản lý việc sử dụng AI. Với tên gọi Công ước khung về AI, hiệp ước đặt ra khung pháp lý đối với tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển và sử dụng các hệ thống AI, đồng thời giải quyết những rủi ro tiềm ẩn của AI và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ một cách có trách nhiệm. 

EC cho biết Công ước khung về AI là hiệp ước toàn cầu đầu tiên đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định luật pháp và bảo vệ quyền lợi của người dân. Hiệp ước này yêu cầu các bên đảm bảo rằng hệ thống AI không được sử dụng để làm suy yếu các thể chế. Các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát sẽ bao gồm việc xác định nội dung do AI tạo ra cho người dùng. Một điểm đặc biệt là các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hiệp ước này.

Mặc dù là trụ sở của nhiều công ty AI lớn nhất thế giới, song Mỹ hiện đang chậm chân so với EU cũng như các khu vực khác trong việc vạch ra các quy định quản lý AI. Ngày 15/5/2024, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã công bố lộ trình phát triển luật AI, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản tài trợ trị giá 32 tỷ USD từ nay đến năm 2026 cho nghiên cứu AI để tăng năng lực cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực này. Các nhà lập pháp Mỹ kỳ vọng khoản tài trợ đó sẽ giúp thúc đẩy sự đổi mới và đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI.

Những nỗ lực nhằm quản lý và kiểm soát AI nói trên diễn ra trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn đang tiếp tục chạy đua cho ra mắt những sản phẩm AI mới nhất.

Nỗ lực 'làm chủ' AI đang tăng tốc - Ảnh 2.

Giữa tháng 5/2024, công ty OpenAI (do Microsoft hậu thuẫn) thông báo sẽ phát hành một mô hình AI mới mang tên GPT-4o, có khả năng trò chuyện bằng giọng nói, cũng như có thể tương tác qua văn bản và hình ảnh. Khả năng âm thanh mới được cập nhật cho phép người dùng nói chuyện với ChatGPT và được phản hồi theo thời gian thực mà không bị chậm trễ, hoặc làm gián đoạn ChatGPT trong khi công cụ này đang phát biểu. Đây là bước đi mới nhất của công ty này nhằm giành quyền thống trị trong lĩnh vực AI. ChatGPT là chatbot đình đám đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc về khả năng sản xuất nội dung bằng văn bản và các mã phần mềm. Ngay sau khi ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT đã trở thành ứng dụng đạt mốc 100 triệu người dùng thường xuyên nhanh nhất. Tuy nhiên, lưu lượng truy cập trên toàn thế giới của công cụ này không ổn định trong năm 2023.

Về phía Google, tập đoàn này đã công bố những cải tiến mới nhất của công ty này đối với mô hình AI Gemini. Theo Google, phiên bản mới của Gemini 1.5 Pro - mô hình AI hàng đầu của công ty hiện nay - có thể tiếp nhận tới 2 triệu mã thông báo. Với dung lượng tăng gấp đôi so với mức tối đa của phiên bản trước đó, phiên bản mới này sẽ hỗ trợ lượng dữ liệu đầu vào lớn nhất của bất kỳ mô hình thương mại nào. Google khẳng định sẽ cung cấp phiên bản cải tiến của Gemini 1.5 Pro cho tất cả các nhà phát triển trên toàn cầu. Ngoài ra, Gemini 1.5 Pro cùng 1 triệu ngữ cảnh cũng đã sẵn sàng phục vụ người dùng trong mô hình Gemini Advanced và hiển thị với 35 ngôn ngữ.

Cùng thời điểm này, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI Anthropic (được các công ty công nghệ Google và Amazon.com hậu thuẫn) cũng thông báo sẽ phát hành chatbot Claude trên khắp châu Âu. Giới quan sát đánh giá chatbot AI Claude của Anthropic là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chatbot ChatGPT đình đám của OpenAI. 

Claude đã phá kỷ lục về tốc độ tăng trưởng khi đạt mốc 100 triệu người dùng thường xuyên chỉ hai tháng sau khi ra mắt. Tuy chatbot Claude đã được cung cấp miễn phí trực tuyến ở một số quốc gia, nhưng đây là lần đầu tiên người dùng tại châu Âu có thể tiếp cận công cụ này trên trình duyệt web và điện thoại iPhone.

Minh Trà/TTXVN (tổng hợp). Ảnh: Internet

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›