UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm.
Theo kế hoạch, Lễ hội Katê sẽ được tổ chức vào các ngày 13 đến 15/10, bao gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ được xem là nội dung chính, với mong muốn cầu cho "quốc thái dân an", "mưa thuận gió hòa". Lễ chính được tổ chức vào sáng 14/10, tại các khu vực đền, tháp Chăm.
Lễ hội Katê truyền thống của người Chăm bắt đầu từ cuối tháng 6 Chăm lịch và kéo dài đến giữa tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9, 10 Dương lịch) tại các đền, tháp, làng Chăm.
Lễ hội Katê là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản tâm linh và di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm, phản ánh nhiều khía cạnh, từ văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, nghệ thuật về đời sống sinh hoạt, đời sống văn hóa xã hội...
Lễ hội Katê diễn ra đầu tiền tại các đền tháp, nhà làng, nhà các vị sư cả và sau cùng là tại các gia đình người Chăm, với những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, theo phong tục tập quán lâu đời của người Chăm.
Mục đích của Lễ hội Katê là thể hiện tưởng nhớ, lòng biết ơn của cộng đồng người Chăm đối với các vị vua, thần linh, ông bà tổ tiên đã phù hộ độ trì cho người Chăm trong đời sống sinh hoạt và làm ăn.
Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận thường diễn ra trong một không gian rộng lớn tại các đền tháp: tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm), tháp Pô Rômê (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) và đền Pô Inư Nưgar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước)…
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ do các chức sắc tôn giáo Chăm huyện Hàm Thuận Bắc điều hành. Trong đó có nghi lễ cúng cầu an tại tháp chính. Bà con người Chăm thực hiện nghi thức múa mừng, thỉnh mời thần linh, nghi lễ nghinh rước y trang nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ linga - yoni, mặc trang phục và đại lễ cúng tạ ơn nữ thần Pô Sah Inư và các vị thần linh. Những điệu trống gi-năng và kèn saramai cùng vang lên hòa với các điệu múa và làn điệu dân ca Chăm.
Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian người Chăm như thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, thổi kèn saranai, trang trí lễ vật trên thôn la và cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư, giao lưu nghệ thuật Chăm do đội văn nghệ dân gian Chăm đến từ các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh… và Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh biểu diễn.
Lễ hội cũng là dịp để người dân, du khách trong nước, quốc tế đến với Ninh Thuận thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Tags