(Thethaovanhoa.vn) - Trong sự bùng nổ của các loại hình giải trí dành cho trẻ em hiện nay, liệu chúng ta có đủ tỉnh táo để phân biệt khoảng cách – đôi khi khá mong manh - giữa các yếu tố lành mạnh và sự độc hại?
Bởi hiện nay, trẻ em rõ ràng dễ bị cuốn hút từ các loại hình giải trí hiện đại như trò chơi điện tử, truyện tranh, phim hoạt hình ... và hoàn toàn có thể tiếp xúc với chúng mà không cần phải ra khỏi phòng. Ở một góc độ khác, việc bùng nổ những “sân chơi nghệ thuật”, biến các em thành những “ngôi sao nhí” liệu có mang lại hậu quả?
Qua rồi thời “đói giải trí”
Đang sống tại Pháp, nhạc sĩ Hoàng Thu Trang là người đã có nhiều sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi. Và hàng năm, chị thường tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho các em thiếu nhi tại Pháp cũng như ở Việt Nam. Như lời chị, muốn “thẩm định” loại hình giải trí mà trẻ đang yêu thích, việc đầu tiên là bố mẹ cần gần gũi, chia sẻ sở thíchcùng các con.
"Con tôi thích Nintendo và được tặng một bộ Nintendo vào Noel năm ngoái. Tôi cũng không muốn cháu sa đà vào trò chơi này. Và lựa chọn của tôi là cùng con chơi, và qui định giờ trong ngày", chị kể. " Chẳng hạn, ngày cuối tuần con sẽ được chơi 30 phút. Hoặc, nếu làm được một việc tốt nào đó, đôi khi chỉ là lên giường ngủ đúng giờ trong 1 tuần liên tiếp, cháu sẽ được chơi 1 giờ. Còn với truyện tranh, chúng tôi chủ động đi chọn cùng con, và cũng không cấm con đọc, với điều kiện là biết con đang đọc sách có nội dung. Bạn bè tôi ở Pháp đều làm như vậy".
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Hoàng Thu Trang, họa sĩ truyện tranh Phan Nguyễn cho rằng các loại hình giải trí mới hiện nay đang tác động lớn đến đời sống tinh thần của trẻ. Với sự phát triển về công nghệ, các loại hình giải trí này không chỉ tập trung ở trung tâm đô thị với những trẻ em "nhà có điều kiện” mà đã dễ dàng "phủ sóng" đến cả trẻ em các vùng miền núi, nông thôn - miễn là có mạng internet. Không còn sự phân hoá giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành phố, các em cũng phần nào không còn sự chênh lệch về cơ hội được tiếp cận, thưởng thức các loại hình giải trí mới...
Theo họa sĩ này, việc trẻ em không còn "đói giải trí" như trước đây là điều tích cực. Và cũng cần thừa nhận, rất nhiều loại hình có thể dạy cho các em những kĩ năng mới mà người lớn chưa kịp dạy.
"Trẻ em khi xem một bộ phim hoạt hình, đọc một tác phẩm văn học, chơi một trò chơi gì đó với chúng bạn sẽ có thể học được rất nhiều thứ. Chẳng hạn, xem phim xong, con tôi cũng tự học nhảy, học múa, học đập tay với bố mẹ khi có được một thành tích nào đó”, anh nói. “ Nhưng ngược lại, nếu chúng ta vì mải mê với công việc, không kiểm soát được con cái xem gì, đọc gì, chơi gì thì các cháu rất dễ tiêm nhiễm, bắt chước những thói hư, những thứ không lành mạnh..."
“Trẻ em bây giờ quá no nê với các loại hình giải trí mới. Có chăng chúng ... đói sự quan tâm của người lớn mà thôi! Nếu ai cũng dành thời gian cho con, biết cách làm bạn với con, phân phối thời gian cho con và giúp con trong việc chọn lựa những loại hình giải trí bổ ích, phù hợp với độ tuổi thì không có gì phải lo lắng cả”, Phan Nguyễn nói thêm.
Các em cần không gian phát triển bình thường
Ở góc độ đưa trẻ em tham gia thử sức ở các sân chơi nghệ thuật – đặc biệt là âm nhạc – nhạc sĩ Hoàng Thu Trang cũng đồng ý với một nhận định: dù vẫn có cha, mẹ là người đại diện để tham gia giao dịch dân sự, việc để trẻ em tiếp xúc với việc “làm kinh tế” quá sớm vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm biến đổi tới tính cách hoặc sự phát triển tự nhiên.
- Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 3): 'Chấn hưng' ca khúc thiếu nhi
- Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 2): Nỗi lo 'tự bơi và tự diệt' ở sân khấu kịch TP.HCM
- Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (Kỳ 1): Từ sân chơi của tài năng nhí…
“Nghĩa là, ta lại phải nói tới tính 2 mặt của vấn đề. Nếu các bạn nhỏ bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, ta nên bồi dưỡng và tìm cho các em những sân chơi để tự tin thể hiện mình”, chị nói. “ Ngược lại, không quản lý tốt, trẻ em sẽ thấy mình kiếm tiền quá dễ dàng từ sự nổi tiếng, từ đó dễ chạy theo hư danh cũng như dễ dãi trong cách sinh hoạt, chi tiêu”.
Tác giả của album Trong khu vườn, gồm các ca khúc viết cho trẻ em lứa tuổi 4 – 10 phát hành tại Việt Nam và Pháp cho rằng, khi đưa trẻ tới các sân chơi nghệ thuật, cha mẹ cần tạo cho đứa trẻ một không gian phát triển “bình thường”, để đứa trẻ nhận thấy rằng việc đứng trên sân khấu cũng là một nghề nghiệp như những nghề bác sĩ, giáo viên mà các em sẽ làm trong tương lai. Nói cách khác, đó vẫn là sự giáo dục về việc lao động nghiêm túc và sống tử tế.
Chia sẻ, thay vì cấm đoán Ranh giới giữa lành mạnh và không lành mạnh đôi khi rất khó phân định rõ ràng. Cùng một nội dung giải trí, có thể với chúng ta là nhảm nhí nhưng với trẻ em lại thích thú và bị hấp dẫn đặc biệt. Vậy, cách tốt nhất là định hướng cho trẻ con từ đầu và làm bạn cùng con bằng cách chia sẻ với con như một người bạn, thậm chí cùng xem những video mà con thích và trò chuyện, trao đổi cho con thấy ý kiến của mình. Chúng ta cần đồng hành và chia sẻ chứ không cấm đoán, vì tâm lý của trẻ con là càng cấm thì càng muốn làm. (Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang) |
(Còn tiếp)
Phạm Huy
Tags