Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi: Hãy bắt đầu từ đọc sách

Thứ Năm, 06/06/2019 07:21 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cho rằng  trong thời đại nghe nhìn, việc trẻ quan tâm đến truyện tranh, phim hoạt hình, games là chuyện bình thường, vậy nhưng tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng khẳng định: Những loại hình giải trí mới này đang tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các em.

Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 5): 'No' giải trí mới, nhưng đừng 'đói' quan tâm

Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 5): 'No' giải trí mới, nhưng đừng 'đói' quan tâm

Trong sự bùng nổ của các loại hình giải trí dành cho trẻ em hiện nay, liệu chúng ta có đủ tỉnh táo để phân biệt khoảng cách – đôi khi khá mong manh - giữa các yếu tố lành mạnh và sự độc hại?

“Nếu phân bổ thời gian không hợp lý và lạm dụng các loại hình này, trẻ sẽ có hiện tượng phụ thuộc vào chúng và tỏ ra bứt rứt khi thiếu vắng. Từ đó, các em mất dần nhu cầu giao tiếp với người xung quanh, mất kỹ năng làm quen, chia sẻ với bạn bè” - chị nói “ Thậm chí, trong một số trường hợp, trẻ rơi vào trạng thái mất cân bằng về  cảm xúc và hành vi, giảm tập trung, học sa sút, ngôn ngữ thiếu mạch lạc và rút vào thế giới riêng của mình”.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Thụy Anh tại CLB Đọc sách cùng con

* Là Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, theo chị phụ huynh cần làm gì với con trẻ trong dịp Hè - khi bố mẹ bận đi làm mà con thì nghỉ học? 

- Thật ra, tôi cho rằng thời nào cũng tồn tại nỗi lo của thời ấy. Và lành mạnh hay không lành mạnh nằm ở sự điều chỉnh và kiểm soát được thời lượng chơi, xem, đọc – cũng như việc lựa chọn những nội dung sách, phim, game phù hợp với lứa tuổi chứ không phải cấm đoán. Điều này đòi hỏi có sự theo dõi, hỗ trợ sát sao của các bậc phụ huynh. 

Tôi đồng ý với những ý kiến cho rằng bố mẹ nên thảo luận và cùng các con lựa chọn cuốn sách, bộ phim, trò chơi hợp lý. Muốn có được tiếng nói chung, bố mẹ cần làm việc này ngay từ khi con còn nhỏ. Và nên đồng hành cùng con trong mọi hình thức giải trí, từ games, truyện tranh, truyện dày, hoạt hình, phim truyện hay các clip trên  mạng. Thực tế, khi các con vào độ tuổi dậy thì, sự khác biệt thế hệ sẽ rõ nét hơn trong cách giải trí. Nếu trước đó chúng ta có được kênh giao tiếp tốt với con, chúng ta có thể dễ kiểm soát, thảo luận để tìm ra lựa chọn hợp lý nhất, trung hòa được ý con ý mẹ trong câu chuyện này.

* Vậy bản thân chị đã chăm sóc và giáo dục con mình như thế nào trước sức hút từ các loại hình giải trí hiện đại?

- Vợ chồng tôi và con trai vẫn thường xuyên cùng nhau xem phim, chơi game, đi chọn sách cùng nhau khi cháu học tiểu học và những năm đầu THCS. Giờ cháu đã lớn, học THPT, cứ vài ba tháng chúng tôi vẫn phải ngồi lại trò chuyện xem ai đọc những gì, thống nhất giờ xem, nghe, đọc, chơi, thậm chí có thỏa thuận bằng... văn bản. 

Ngoài ra, nếu bố mẹ bận thì cần tìm cho con một “cộng đồng” đọc, chơi, xem, học lành mạnh mà bố mẹ được biết. Chẳng hạn, một nhóm các anh chị em họ; một nhóm bạn thân; một nhóm học vẽ cùng nhau; một nhóm CLB Mùa Hè. Rồi, các con còn có thể tham gia các trại hè hiện đang tổ chức khắp nơi cho nhiều lứa tuổi, các CLB thể thao... 

Nhìn chung, những hoạt động tập thể có yếu tố thể chất hoặc chuyên về kỹ năng, nghệ thuật như nhạc, họa, nấu ăn... đều có thể lôi cuốn trẻ, giúp trẻ không đắm chìm với cuộc sống ảo trong truyện tranh, trong game. Thậm chí, các lớp học lập trình trên máy tính, các lớp thiết kế, đồ họa, dựng phim dù sử dụng công nghệ cũng là phương án tốt để trẻ biết học cách làm chủ công nghệ mà không phụ thuộc vào nó. Thêm nữa, trẻ phải làm việc nhà. Đứa trẻ nhận một vài công việc gia đình như là nhiệm vụ hàng ngày sẽ bớt đi phụ thuộc vào điện thoại, máy tính, tự hào hơn về bản thân khi thấy mình là một mắt xích không thể thiếu trong cuộc sống gia đình.

* Theo chị, sách cho trẻ em hiện nay có gì hay, có gì dở?

- Tôi thấy sách cho trẻ em hiện nay hay nhiều hơn là dở! Trong những năm gần đây, thị trường sách thiếu nhi rất sôi động và đáp ứng được một phần lớn nhu cầu đọc của các em. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn có thêm những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, thấm đẫm văn hóa Việt nhưng lại có bút pháp hiện đại, viết được những đề tài mới mẻ phù hợp với nhu cầu về thể loại của các em. 

Ở CLB Đọc sách cùng con của chúng tôi, các bạn nhỏ yêu thích sách phiêu lưu, thám hiểm, viễn tưởng rất nhiều. Đó lại chưa phải mặt mạnh của các nhà văn viết cho thiếu nhi Việt Nam hiện đại. Đâu đó có những tác giả đã phần nào chạm tới mảng đề tài này nhưng chưa thành một vệt lớn về đề tài

* Vậy, vai trò của người lớn nói chung trong vấn đề đọc sách của các em là gì?    

- Ngắn gọn, vẫn là việc cổ vũ các nhà văn viết cho thiếu nhi. Phụ huynh hãy chăm đọc chăm mua sách cho con hơn. Các Hội đoàn, cơ quan liên quan đến văn chương, xuất bản hãy quan tâm hơn đến văn học thiếu nhi, đừng coi nó là nhỏ, là phụ, là “chiếu dưới” mà phải thực sự coi trọng đào tạo đội ngũ viết cho trẻ, coi trọng việc tôn vinh họ bằng các giải thưởng thường niên chính thống. Và cuối cùng, việc đọc sách cần được phát triển và nuôi dưỡng niềm say mê ở trẻ ngay từ những năm đầu tiểu học. Đó là câu chuyện của giáo dục, khi cần thay đổi cách dạy,  cách cảm thụ văn chương để trẻ giữ được động lực đọc lâu dài hơn. 

* Cuối cùng, theo chị, việc xây dựng một nền giải trí hiện đại cho thiếu nhi  để có thể hòa nhập thế giới có khó không? Và chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

- Bắt đầu từ... việc đọc sách! Quan tâm đến thói quen và năng lực đọc của con, chủ động lựa chọn sách cho con từ nhỏ là cách xây dựng một gu thẩm mỹ, phông văn hóa, tri thức và cảm xúc để khuyến khích xuất hiện những nhu cầu giải trí lành mạnh, văn hóa ở thế hệ mới, và từ đó, ta có những “khách hàng” điều chỉnh chính những “nguồn cung”. Xét cho cùng, nền văn hóa giải trí không bao giờ nên bắt đầu từ việc chạy theo thị hiếu mà phải từ việc xây dựng, hướng dẫn thị hiếu của khách hàng! 

* Xin cảm ơn TS Nguyễn Thụy Anh!

Nhiều năm theo học về giáo dục tại Nga, tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh là người sáng lập và cũng là Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con từ 6/2010. Ngoài ra, chị cũng là tác giả một số cuốn sách cho trẻ em, và là dịch giả của một số sách tiếng Nga.

Phạm Huy (thực hiện)

 

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›