Những scandal hiếm có khó tìm ở Olympic London

Thứ Ba, 14/08/2012 10:26 GMT+7

Google News

(TT&VH Online) - Olympic London 2012 đã kết thúc tốt đẹp nhưng bên cạnh ấn tượng về khâu tổ chức lẫn tinh thần thi đấu của VĐV, hành tinh cũng tồn tại những vụ bê bối.


Tranh cãi đầu tiên nổ ra ngay tại lễ khai mạc Olympic được đánh giá là hoành tráng bậc nhất từ trước đến nay. Một phụ nữ lạ mặt diện bộ quần áo màu sắc sặc sỡ đã bất ngờ xuất hiện và đi đầu trong lễ diễu hành của đoàn thể thao Ấn Độ. Sự việc này khiến cho đoàn Ấn Độ nổi giận và họ yêu cầu ban tổ chức phải xin lỗi vì sơ suất nói trên. Theo BTC thì rất có thể người phụ nữ trên là một tình nguyện viên “quá khích” và muốn “nổi trội”.


Ở ngày thi đấu đầu tiên môn bóng đá nữ, trận đấu giữa Colombia và CHDCND Triều Tiên đã bị hoãn trong vòng hơn nửa giờ đồng hồ vì sự cố quốc kỳ. Trước khi trận đấu diễn ra, BTC đã sơ suất khi để hình ảnh quốc kỳ của Hàn Quốc gắn với tên cầu thủ CHDCND Triều Tiên và chiếu lên màn hình lớn tại sân Hampden Park ở Glasgow, Scotland. Sự cố này khiến đội tuyển CHDCND Triều Tiên từ chối thi đấu. Sau đó, ban tổ chức sân phải xin lỗi họ mới vào sân.


VĐV nhảy 3 bước của Hy Lạp Vula Papajristu đã bị trục xuất khỏi Thế vận hội sau khi cô đăng một câu chuyện đùa nhằm vào các VĐV nhập cư đến từ châu Phi nhưng có nội dung phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội Twitter. 



Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với hậu vệ của bóng đá nam Thụy Sĩ, Michel Morganella (trái). Số là sau thất bại 1-2 của đội nhà trước Hàn Quốc ở loạt trận thứ 2 bảng B, Michel Morganella rất cay cú và lên Twitter sỉ nhục các cầu thủ Hàn Quốc. Dù sau đó cầu thủ 23 tuổi nhanh tay xóa bình luận nói trên nhưng tờ báo Le Matin đã chụp lại được ảnh màn hình và Ủy ban Olympic Thụy Sĩ đã trục xuất anh về nước.


Hành động VĐV đấu kiếm Shin A Lam của Hàn Quốc khóc nức nở sau khi bị đối thủ người Đức Britta Heidemann đánh bại và không chịu rời sân để phản đối trọng tài là một trong những sự kiện khá đặc biệt tại Olympic London. Cụ thể, ở môn đấu kiếm nội dung kiếm 3 cạnh nữ, Shin A-lam thua trận bán kết trước đối thủ người Đức Britta Heidemann vì đồng hồ điện tử bỗng dưng… không hoạt động khi thời gian trận đấu chỉ còn đúng 1 giây. Khi đó, Shin A-lam đang dẫn đối thủ 1 điểm và tin chắc sẽ thắng. Nhưng sự cố xảy ra làm chậm vài giây, khiến cô không để ý và để Heidemann tận dụng cơ hội thắng lại 6-5 lọt vào chung kết.



Mặc dù khoác áo ĐT Vương quốc Anh tham dự Olympic nhưng cầu thủ xứ Wales, Ryan Giggs (phải ảnh) cùng với Bellamy và hai đồng hương xứ Wales khác trong đội bóng đá Olympic Vương quốc Anh không hát bài quốc ca Anh “God Save The Queen” trước trận đấu với Senegal. Hành động này gây nhiều tranh cãi, thậm chí có fan kêu gọi tước băng đội trưởng của Giggs.




ĐT bóng đá nam Tây Ban Nha tại Olympic cho rằng trọng tài người Venezuela Soto đã cướp trắng trợn một quả penalty, khiến họ gục ngã trước Honduras, sớm phải chia tay Olympic 2012. Tranh cãi về trọng tài cũng nổ ra ở trận bóng nước giữa Tây Ban Nha với Croatia. Cầu thủ xứ bò tót cho rằng họ bị người cầm cân nảy mực trận đấu từ chối một bàn thắng quyết định.



Ở chung kết đồng đội nam môn thể dục dụng cụ (TDDC), VĐV Nhật Bản Uchimura thi bài ngựa tay quay ở lượt cuối và bị trọng tài cho điểm thấp khiến chung cuộc chỉ xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Vương quốc Anh và Ukraine. Phía Nhật phản ứng quyết liệt và khiếu nại kết quả của Uchimura. Mất gần 15 phút hội ý và xem xét lại từng chi tiết trên màn hình máy tính, các trọng tài quyết định thay đổi điểm số và gây ngỡ ngàng cho rất đông CĐV xứ sương mù khi tăng lên 0,7 điểm giúp đội Nhật Bản đoạt HCB.


Sự việc gây bức xúc nhất tại Olympic London là việc 8 VĐV của Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia  không thèm thi đấu, cố tình để đối phương chiến thắng hòng tạo ra kết quả đối đầu ở vòng tứ kết thuận lợi. Hậu quả, cả 8 người nói trên đã bị loại khỏi đại hội.



Philip Hindes thú nhận đã cố tình ngã trong vòng loại môn đua xe đạp lòng chảo nhằm được thi lại sau khởi đầu không tốt. Cuối cùng, Hindes cùng 2 đồng đội là Sir Chris Hoy và Jason Kenny đã giành được HCV ở nội dung này.




Tấm HCV bơi lội 400 mét của Ye Shiwen (Trung Quốc) bị các VĐV hàng đầu của Mỹ đặt dưới vòng nghi vấn rằng có thể cô gái này đã sử dụng chất cấm để đạt được thành tích cực cao. Tuy nhiên, bản thân Ye và các chuyên gia sau đó đã phản đối cáo buộc bởi nữ kình ngư này đã vượt qua các đợt kiểm tra doping của BTC.


Vận động viên Algeria Taoufik Makhloufi (phải ảnh) đã giành HCV nội dung chạy 1.500m dù trước đó anh suýt bị loại khỏi Olympic. Nguyên nhân là do anh muốn rút lui khỏi cuộc đua 800m trước đó bằng cách đi bộ. Makhloufi cho rằng anh bị chấn thương nhưng Liên đoàn điền kinh thế giới thì kết tội anh thiếu nỗ lực nhưng sau khi xem xét họ đã rút cáo buộc trên và để anh tiếp tục thi đấu.


K.Đ

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›