Trang tin Russia Today cho biết Nga đã thử nghiệm các rô bốt thuộc họ Uran tại trường bắn Rayevsky ở vùng Novorossiysk trong ngày thứ Năm tuần này.
"Làm gỏi" cả xe bọc thép
So với những lần thử trước, chỉ liên quan tới từng rô bốt, lần này một nhóm chiến binh máy đã cùng tham gia thử nghiệm. Các rô bốt lần lượt thực hiện nhiều nhiệm vụ như trinh sát, bắn súng máy và pháo tự động trên một cự ly dài.
"Trong chặng cuối của cuộc thử nghiệm, các rô bốt đã trình diễn khả năng tiêu diệt thiết bị bọc thép của đối phương, bằng tên lửa chống tăng có điều khiển" - một nguồn tin giấu tên cho hay.
Russia Today cũng đưa lên trang web một đoạn video cho thấy hình ảnh hoạt động của các rô bốt Uran. Trong đầu đoạn video, người ta có thể thấy ba rô bốt Uran lần lượt nã súng vào mục tiêu. Ở đoạn cuối, một rô bốt kích hoạt hệ thống tên lửa chống tăng, trước khi bắn đi một quả.
Được biết, họ rô bốt Uran gồm nhiều biến thể khác nhau và lần này, người Nga chỉ thử nghiệm các rô bốt chiến đấu. Trong họ rô bốt này có loại Uran-14 đa năng, được thiết kế để làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, gồm dập lửa trong các khu vực có thể đe dọa mạng sống con người, môi trường độc hại và khu vực mà con người không thể tiếp cận được.
Trong khi đó, Uran-6 là rô bốt công binh, được trang bị một lưỡi ủi và các lưới phá mìn. Rô bốt này có thể tìm kiếm và phá nhiều loại mìn trên các địa hình nguy hiểm. Nó cũng có thể xử lý thuốc nổ, với lượng nổ mạnh tương đương 70kg TNT. Uran-6 được đánh giá có thể làm công việc tốt ngang với 20 công binh.
Quan trọng là trong khi các rô bốt này làm nhiệm vụ nguy hiểm, những người điều khiển có thể rung đùi ngồi trong một địa điểm an toàn nằm cách xa chúng tới 1km.
Dễ giết người, khó bị tiêu diệt
Bộ Quốc phòng Nga sẽ giới thiệu các rô bốt này tại hội chợ xuất khẩu vũ khí Army-2015 dự kiến tổ chức trong tháng 6 tới đây. Ngoài Uran, các chuyên gia đã điểm ra bốn hệ thống rô bốt chiến đấu đời mới đáng chú ý của Nga.
Chúng gồm Platform-M, từng ra mắt trong một cuộc diễn tập của quân đội Nga hồi giữa năm 2014. Nhìn sơ qua, Platform-M trông giống rô bốt Wall-E trong phim hoạt hình cùng tên của hãng Pixar.
Trong các đoạn video quảng cáo, Platform-M đã dễ dàng tiêu diệt nhiều mục tiêu của NATO. Các chuyên gia đánh giá nhờ được trang bị vũ khí "khủng", Platform-M có thể đóng vai trò cung cấp hỏa lực mạnh, hỗ trợ bộ binh rất hiệu quả trong chiến đấu.
Hệ thống thứ 2 là Wolf-2, với các khả năng cũng giống như Platform-M. Điểm khác biệt là Wolf-2 mạnh hơn và nặng hơn (nó nặng 1 tấn, trong khi Platform-M nặng có 800kg).
Wolf-2 cũng được trang bị súng máy Kalashnikov. Wolf có thể bắn rất chính xác khi đang di chuyển với tốc độ hơn 30km/h, trong mọi điều kiện thời tiết. Nó cũng có thể tác chiến cả ngày lẫn đêm.
Wolf-2 đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng quân đội Nga đã tìm được chỗ đứng cho nó. Rô bốt này sẽ được Lực lượng tên lửa chiến lược sử dụng để bảo vệ các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M và Yars.
Tác chiến trong mọi môi trường
Cuối cùng phải kể tới rô bốt Gnom chuyên hoạt động dưới nước. Rô bốt này không mang theo vũ khí và có hình dáng một chiếc camera ghi hình. Tuy nhiên không thể xem thường các khả năng mà Gnom mang lại. Nhờ hệ thống định vị đa hướng và và khả năng nhìn dưới nước xa tới 100 mét, Gnom có thể tìm kiếm và vô hiệu hóa các vật thể nguy hiểm như mìn.
Một lợi thế khác của Gnom là trọng lượng. Do nặng chỉ 12kg, người ta có thể dễ dàng mang Gnom đi theo và nhanh chóng triển khai nó trong điều kiện chiến đấu phức tạp.
Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận sẽ phát triển các loại rô bốt và phương tiện điều khiển từ xa, có thể thay thế 1/3 thiết bị quân sự của nước này cho tới năm 2025. |
Thể thao & Văn hóa
Tags