Tháng 9 này, các địa phương sau sáp nhập sẽ đi vào hoạt động. Điều này có nghĩa là mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2025/2026 sắp đến sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi không chỉ là tên gọi mà còn có thể là chất lượng thi đấu. Với các đội bóng hiện tại, có lẽ sẽ không có nhiều sự khác biệt nhưng với một nơi, nhiều người sẽ hồi hộp đợi chờ giấc mơ bóng đá trở lại.
1. Cuối tuần qua, sau trận thua 0-1 trước Đồng Nai ở trận "chung kết ngược" của giải hạng Nhất, CLB Huế vẫn đứng chót bảng. Nếu không có gì thay đổi, đội bóng Cố đô sẽ phải xuống hạng Nhì, lần thứ 2 trong vòng 15 năm qua. Nếu điều đó xảy ra, thì đó sẽ là một cột mốc mà người yêu bóng đá Huế sẽ không muốn nhớ đến.
Cách đây 30 năm, lịch sử bóng đá Huế đã được viết lại với ngôi á quân mùa giải 1995. Đó là một sự kiện để người Huế chứng minh cho cả nước biết mình yêu bóng đá như thế nào. Không thể vô địch sau khi để thua CA TP.HCM 1-3 trên sân Thống Nhất, ấy vậy mà đội bóng đá Huế được về nhà bằng "chuyên cơ" và cả thành phố mở hội ăn mừng suốt cả tuần lễ. Sân Tự Do, với khán đài có sân đua xe lòng chảo rất đặc biệt, trở thành một "thánh địa bóng đá" bởi một bầu không khí không thể lẫn vào đâu được.
Thế nên, nếu năm nay mà Huế xuống hạng Nhì, nỗi buồn sẽ còn nhân đôi vì hồi năm 2006, họ từng có lần trở lại V-League sau trận play-off trong mưa với Hải Phòng. Đó là lần đầu tiên và cuối cùng, bóng đá Huế được chơi ở V-League và họ cũng chỉ đá đúng 1 mùa duy nhất vì đã xuống hạng ngay lập tức.
Nhắc đến những cột mốc như vậy để thấy sự lận đận cũng như gian khó của một nền bóng đá địa phương là như thế nào. Bóng đá Huế không cần phải chứng minh về độ giàu có của truyền thống và tình yêu bóng đá. Thực tế là suốt 3 thập niên qua, họ vẫn cố gắng để duy trì bóng đá đỉnh cao bằng cách tồn tại ở sân chơi hạng Nhất và đào tạo bóng đá trẻ. Thế nhưng, với rất nhiều lý do, chưa lần nào bóng đá Huế đặt mục tiêu sẽ trở lại với V-League cả.
Giả sử như năm nay họ phải xuống hạng, thì có lẽ giấc mơ V-League đã đóng lại. Huế là địa phương không thuộc diện sáp nhập sau khi đã trở thành thành phố trực thuộc trung ương cách đây không lâu. Nghĩa là bao nhiêu năm qua, bóng đá Huế không thể "đổi đời" thì bây giờ, chắc cũng vậy thôi.
2. Câu chuyện của bóng đá Huế chính là cơ sở để giới quan sát tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ có những thay đổi đáng kể trong thời gian sắp đến. Một cơ hội lớn không thể bỏ qua.

CLB TP.HCM trong 5 mùa giải gần nhất đều không góp mặt ở cuộc đua vô địch của V-League. Ảnh: Tuấn Phạm
Hãy hình dung, một nơi như Huế mà không thể có được một CLB V-League thì liệu các địa phương có quy mô dân số, diện tích nhỏ hơn làm sao làm bóng đá chuyên nghiệp lâu dài. Nói cách khác, để làm được như vậy, cần có tiềm lực cả về tài chính lẫn con người.
Lấy ví dụ Đồng Tháp, không khác gì Huế, họ cũng xa rời V-League đã hơn 2 thập niên và cũng đã xuống đá hạng Nhì. Đây là vùng đất đã từng có 2 chức vô địch quốc gia và những thế hệ cầu thủ xuất sắc bậc nhất. Nếu xét riêng về bóng đá, Đồng Tháp được xếp vào hàng "Anh Cả" của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng mặc dù vẫn duy trì các tuyến cầu thủ, vẫn làm bóng đá một cách cần mẫn, thì khả năng trở lại V-League của Đồng Tháp vẫn khá xa vời.
Nhưng nếu bây giờ, Đồng Tháp sáp nhập với Tiền Giang thì sao? Người ta có lý do để tìm về với giấc mơ V-League, không phải vì Tiền Giang cũng là một địa phương có truyền thống bóng đá, mà là hy vọng nằm ở chỗ một tỉnh Đồng Tháp mới sẽ có tiềm lực kinh tế - xã hội lớn hơn, đủ sức "nuôi" một CLB chuyên nghiệp.
Nhìn ở khía cạnh khác, đó là sự trở lại bóng đá đỉnh cao của khu vực miền Tây. Ngày trước, bóng đá nơi đây luôn ở trong tình trạng thiếu người vì số lượng tỉnh, thành nhiều nhưng quy mô dân số không lớn. Các HLV lẫn cầu thủ của Đồng Tháp gần như "phủ sóng" khắp miền Tây vì họ là nơi duy nhất còn làm bóng đá một cách bài bản. Sau khi các địa phương sáp nhập, dân số sẽ tăng lên, điều kiện làm bóng đá có lẽ cũng sẽ tốt hơn.
Trên thực tế, có đến 6 địa phương không thuộc diện sáp nhập đang có đại diện tham dự V-League, trong đó Hà Nội có 3 đội. Với các CLB còn lại, thì cũng đến từ những nơi có sự phát triển kinh tế - xã hội như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương …Điều này cho thấy tầm quan trọng của tiềm lực địa phương trong bóng đá nội địa. Nói đơn giản: địa phương mạnh thì bóng đá cũng mạnh. Đây cũng là cơ sở để hy vọng có thêm nhiều địa phương mới sau sáp nhập sẽ tham gia vào bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
3. Nhưng vấn đề bây giờ là làm sao để tái sinh những giấc mơ bóng đá. Vì sáp nhập các địa phương là một chuyện nhưng để có lại bầu không khí bóng đá lại là chuyện khác. TP.HCM có tiềm lực kinh tế hàng đầu đất nước nhưng 20 năm qua đã có 2 lần rơi vào trạng thái "vùng trắng đỉnh cao". Hiện nay có 1 CLB nhưng cũng không phát triển tốt. Thế nên, nếu sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu thì thành phố mới sẽ có thêm 1 đội V-League và 1 đội hạng Nhất, nhưng có khi chỉ là một phép cộng cơ học chứ chưa chắc bóng đá TP.HCM sẽ trở lại với sức mạnh thời hoàng kim.
Nói cách khác, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cần một sự thay đổi lớn về cách làm thì mới tận dụng được cơ hội sau khi sáp nhập các tỉnh, thành. Thực tế thì cho đến nay, V-League vẫn đang có một thứ hạng khá thấp nếu xét về "chỉ số sức mạnh" so với các giải đấu trong khu vực. Mấy hôm trước, bóng đá Singapore vừa làm nên lịch sử khi lần đầu tiên có đại diện là đội Lion City vào đến chung kết AFC Champions League Two, giải đấu trước đây là AFC Cup mà Việt Nam cũng chỉ mới có 2 lần vào đến bán kết mà thôi.
V-League không tăng được sức mạnh, không tạo ra được các nguồn lợi kinh tế cho các CLB, thì cũng khó mà thu hút các địa phương đầu tư vào bóng đá, kể cả khi có đủ điều kiện về tài chính lẫn con người.
Trái bóng đang nằm trong chân của các nhà quản lý. Một thập niên qua, chức vô địch V-League chỉ là cuộc tranh đua giữa các đội bóng phía Bắc mặc dù phân nửa số CLB V-League thuộc miền Trung và miền Nam. Sức sống bóng đá 2 khu vực này đang ngày càng sa sút, đó là bài toán cần được giải quyết bởi nếu không có điều đó, thì ngay cả việc sáp nhập các địa phương cũng chưa chắc đã làm tăng số lượng đội bóng mà có khi, còn sẽ xuất hiện những phương án gộp 2 đội V-League vào với nhau để mang một tên chung…
Vào tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đưa ra 2 phương án kế hoạch cho mùa giải sắp tới. Cụ thể:
- Phương án 1: Mùa giải 2025-2026 khởi tranh với Siêu Cúp Quốc gia ngày 9/8/2025, giải vô địch quốc gia khai mạc từ ngày 15/8/2025 và dự kiến kết thúc vào ngày 18.6.2026. Ngoài các quãng nghỉ FIFA Days theo quy định, phương án này còn có thêm khoảng nghỉ kéo dài 2 tháng để nhường chỗ cho SEA Games 33 và U23 Việt Nam thi đấu vòng chung kết U23 châu Á.
- Phương án 2: Đội tuyển U23 không tham dự vòng chung kết U23 châu Á, thời gian dự kiến khởi tranh và kết thúc mùa giải tương tự như phương án 1. Tuy nhiên, ngoài quãng nghỉ FIFA Days, sẽ chỉ có thêm 1 chu kỳ nghỉ 1 tháng dành cho SEA Games 33.
Tags