(Thethaovanhoa.vn) - Dòng phim nào cũng tìm đến khán giả, càng đông càng tốt, nhưng phim nghệ thuật nói chung thường có khá ít khán giả. Bởi, tính chuyên môn và hàn lâm cao, thủ pháp nghệ thuật nặng tính cá nhân và thể nghiệm sẽ làm phần nhiều khán giả khó chia sẻ.
- Những dòng chảy của điện ảnh Việt (Kỳ 1): Phim thị trường đang chiếm ưu thế
- Chiếu miễn phí hàng chục phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam
- Quảng bá điện ảnh Việt Nam, chuyện không của riêng ai?
Trong 10 năm qua, số phim nghệ thuật hàng năm của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng so với tỷ lệ thường thấy trên thế giới (chiếm chừng 2-3% số lượng chung), số lượng như vậy cũng tạm ổn.
Nếu phim thị trường thu hút khán giả đại chúng, thì phim nghệ thuật dường như chỉ dành cho giới làm nghề. Còn nhớ Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn: Vinh Sơn) ra rạp cuối tháng 10/2009, sau 14 ngày bán được gần 2.000 vé. Phim Nước 2030 (đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh) xong từ năm 2014 mà đến nay còn chưa có cơ hội ra rạp bán vé rộng rãi, dù đã chiếu ở Liên hoan phim Berlin lần 64 (tháng 2/2014) và Liên hoan phim Busan (tháng 10/2014). Số phận của Cha và con và... (đạo diễn: Phan Đăng Di) cũng vậy, dù phim đã lọt vào danh sách đề cử giải Gấu vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Berlin.
Đó không phải là ngoại lệ. Nhìn ra thế giới, vài phim của bậc thầy Kim Ki Duk còn không tìm được lối ra rạp bán vé tại Hàn Quốc. Phim Human, Space, Time And Human của ông chiếu tại Liên hoan phim Berlin 2018 - nơi đa số khán giả là chuyên nghiệp - vậy mà hơn 1/3 đã bỏ về sớm do “chịu không nổi”.
Phim "đối ngoại"
Đã có nhiều ý kiến cho rằng phim nghệ thuật nói chung là phim đối ngoại, nghĩa là làm để dự thi các liên hoan trên thế giới. Gần đây, Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn: Hồng Ánh) và Cha cõng con (đạo diễn: Lương Đình Dũng) cũng đã chu du và có giải ở quốc tế, nhưng ra rạp tại Việt Nam lại rất đìu hiu.
Các phim có hiệu ứng hoặc suất chiếu tốt hơn như Bi, đừng sợ!, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lô tô, Dạ cổ hoài lang… thì cũng không mấy khả quan về bán vé. Đình đám quốc tế như Đập cánh giữa không trung, ra rạp tại Việt Nam bán được hơn 17.000 vé sau 2 tuần công chiếu.
Trước đây ở TP.HCM gần như chỉ có Cinebox mặn mà với phim nghệ thuật Việt, họ có gắng duy trì nhiều suất chiếu cho Thời xa vắng, Mùa len trâu, Mê thảo - Thời vang bóng, Áo lụa Hà Đông… Cuối năm 2014, CGV Art House ra đời với 2 phòng chiếu tại TP.HCM và 1 phòng chiếu tại Hà Nội, ưu tiên chiếu phim nghệ thuật và phim độc lập. Các phim như Cánh đồng bất tận, Những đứa con của làng… từng được chiếu ở hệ thống này.
“Phim Việt được hiện diện và thành công tại các liên hoan quốc tế, đặc biệt là các liên hoan phim lớn như Cannes là mơ ước của bất cứ người làm phim nào. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả để phát triển một nền điện ảnh, bởi chỉ đơn cử một việc là muốn phát triển thị trường điện ảnh thì đâu phải cứ trông chờ vào các phim dự thi hay đoạt giải?" – tiến sĩ Ngô Phương Lan (Cục trưởng Cục Điện ảnh) chia sẻ với báo giới – "Vì điện ảnh vừa là nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp tổng hợp, nên mơ ước của tôi là một sự phát triển đồng bộ cho điện ảnh Việt Nam.”
Nhất thiết phải có?
“Tôi nghĩ nền điện ảnh nào cũng phân loại ra hai dòng thương mại (commerical) và nghệ thuật/độc lập (arthouse/indie), nên không nhất thiết phải dung hòa cả hai dòng này vào một"- cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nói – "Phim thương mại thường do các hãng lớn đầu tư sản xuất và mục tiêu lớn nhất của họ là doanh thu. Phim nghệ thuật/độc lập thì tất nhiên vẫn có mục tiêu doanh thu, nhưng quan trọng hơn là được thể nghiệm nghệ thuật, tìm dấu ấn cá nhân. Một bộ phim thương mại mà làm tốt chắc chắn đáng quý hơn một bộ phim nghệ thuật hay độc lập mà làm dở, làm chưa tới".
Thực tế cho thấy, nếu phim thị trường quyết định diện mạo chung của nền điện ảnh, thì phim nghệ thuật khẳng định đẳng cấp của nền điện ảnh đó. Nhìn lại lịch sử điện ảnh, người ta có thể quên rất nhiều phim thị trường, nhưng sẽ buộc phải kể những phim giàu tính nghệ thuật. Ví dụ với Việt Nam là Chung một dòng sông, Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Vị đắng tình yêu, Mẹ vắng nhà, Ngã ba Đồng Lộc, Nổi gió, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Đời cát, Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội...
Còn nhìn ở phương diện quốc tế, nếu các nền điện ảnh lớn áp đảo thế giới bởi doanh thu phòng vé, thì những nền điện ảnh nhỏ hơn như Đài Loan (Trung Quốc), Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ… thậm chí Campuchia, gây ấn tượng bằng các phim nghệ thuật, các giải thưởng danh giá. Dù Trần Anh Hùng chỉ là đạo diễn gốc Việt, nhưng những phim đậm hương vị Việt như Mùi đu đủ xanh, Xích lô… lại làm tăng thanh thế cho phim Việt trên toàn thế giới.
Vì vậy, phim nghệ thuật vẫn rất cần thiết và vẫn “riêng một góc trời” tại Việt Nam.
( Kỳ 3 & hết: Việt Nam đang cần dòng phim “dung hòa”?)
Văn Bảy
Tags