Không quy tụ dàn diễn viên ngôi sao danh giá song loạt phim truyền hình ăn khách Trung Quốc Chân Hoàn truyện gặt hái thành công nhờ sở hữu dàn diễn viên thực lực và có phong cách riêng.
Và có điều thú vị là trong quá trình tuyển chọn diễn viên, đạo diễn Trịnh Hiểu Long đã có những quyết định khá táo bạo song nhờ đó mà góp phần đáng kể cho thành công của Chân Hoàn truyện.
Những gương mặt nhận vai một cách "bất đắc dĩ" trong Chân Hoàn truyện
Hồi năm 2010, trước khi Châu Hoàn truyện được bấm máy, ban đầu đạo diễn Trịnh Hiểu Long định mời Châu Tấn đóng vai Chân Hoàn nhưng Châu Tấn lúc đó đang bận rộn với phim điện ảnh Họa bì nên dù có hứng thú cô cũng không thể tham gia.
Sau đó, đạo diễn Trịnh Hiểu Long lại tìm đến diễn viên có thực lực là Thái Thiếu Phân nhưng cô lại nghĩ đến vấn đề tuổi tác của mình.
Lúc đó Thái Thiếu Phân đã 38 tuổi. Nếu diễn lại thời thiếu nữ của Chân Hoàn thì đúng là không phù hợp mà không cẩn thận còn bị cộng đồng mạng "ném đá", thậm chí, cô còn lo ngại danh tiếng mà cô tạo dựng được còn có thể "mất trắng".
Thế nên, sau khi suy nghĩ thấu đáo, Thái Thiếu Phân thấy vai Hoàng hậu Hiếu Kinh Hiến phù hợp với mình hơn và cô nhận vai diễn này.
Trong khi Trịnh Hiểu Long đang đau đầu tìm một diễn viên khác thì một "ông trùm" đã tìm đến đạo diễn tuyên bố rằng sẽ bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư cho bộ phim này nhưng kèm theo điều kiện là để cho bạn gái của ông ấy đóng vai Chân Hoàn.
Trịnh Hiểu Long nghĩ đây là cơ hội từ trên trời rơi xuống nên chấp nhận ngay. Có điều, khi cô bạn gái của "ông trùm" đến thử vai, Trịnh Hiểu Long nhận thấy cô này không chỉ diễn xuất kém mà hình tượng đến khí chất đều không phù hợp với Chân Hoàn.
Nhưng nể mặt ông trùm kia, Trịnh Hiểu Long đã thương lượng lại để cho cô gái kia một vai diễn khác.
Dù không phải vai chính nhưng vai diễn của cô gái đó có nhiều cảnh quay trong phim nên cả 2 bên đều đạt được mong muốn.
Song, cô gái này không phải là gương mặt "lạ" duy nhất trong dàn diễn viên của Chân Hoàn truyện.
Triệu Tần – người hóa thân thành Phú Sát Bội Chân - vốn là CEO bên Đông A được phái tới đoàn làm phim để làm quảng cáo nhưng vì cô rảnh quá nên đạo diễn đã kéo cô vào diễn này.
Còn cả Trương Hiểu Long đóng vai Ôn Thái Y. Anh vốn là thầy dạy múa được đạo diễn mời đến.
Điệu Kinh hoàn vũ mà Chân Hoàn múa trong phim là do anh biên đạo. Vì lúc đó thiếu người nên đạo diễn đã giao cho anh vai diễn quan trọng này.
Còn với Lý Thiên Trụ - người diễn vai thái giám Tô Bồi Thịnh – thì ngày nào cũng cầu nguyện hy vọng bộ phim này không chiếu ở Đài Loan sau khi quay xong Chân Hoàn truyện.
Chuyện là, lúc đạo diễn tìm diễn viên, đạo diễn tìm đến Lý Thiên Trụ nói rằng có một vai diễn quan trọng dành cho anh với hơn 700 phân cảnh, gần bằng các vai chính, Lý Thiên Trụ nghe xong rất lấy làm phấn chấn.
Khi đó, anh mới đến đại lục để phát triển sự nghiệp và anh nghĩ nếu có thể diễn tốt bộ phim này thì sau không cần phải lo không có vai diễn nữa.
Thế nên, Lý Thiên Trụ đã đồng ý ký hợp đồng. Song có một điều anh không ngờ đến là lúc mới đến trường quay và bắt đầu trang điểm thì mới biết vai diễn đó là một thái giám bên cạnh Hoàng đế.
Lúc này, trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" bởi lúc đó anh đã ký hợp đồng rồi và nếu hủy hợp đồng thì số tiền bồi thường không nhỏ.
Cần nhớ rằng, lúc đó Lý Thiên Trụ đã là một diễn viên đang lên, từng đóng nhiều phim truyền hình và còn là diễn viên được nữ văn sĩ Quỳnh Dao ưu ái.
Khi bộ phim được công chiếu thì ngày nào Lý Thiên Trụ cũng thấp thỏm bởi e ngại rằng hình tượng mà anh tạo dựng bấy lâu sẽ bị hủy hoàn toàn từ chân dung thái giám này.
Nhưng phải thừa nhận rằng diễn xuất của Lý Thiên Trụ trong nhân vật thái giám không hề tồi, mặc dù cảnh phim của Tô Bồi Thịnh không nhiều nhưng anh diễn mà như không diễn, cảnh phim lẫn biểu cảm đều rất ăn ý.
Sau khi bộ phim được phát sóng, diễn xuất của Lý Thiên Trụ nhận được nhiều lời ca ngợi từ các đồng nghiệp ở đại lục.
Không lồng tiếng của Tôn Lệ vì hơi yếu
Còn vai Chân Hoàn cuối cùng đã được giao cho Tôn Lệ - nữ diễn viên có gương mặt khả ái lúc này đã là một tên tuổi trong C-biz.
Đây là quyết định đúng đắn nhất của đạo diễn. Cho dù bộ phim đã lên sóng được 11 năm nhưng độ phủ sóng vẫn rất lớn.
Nhân vật chính Chân Hoàn được Tôn Lệ biến hóa rất linh hoạt, nhất là Tôn Lệ đã đánh dấu rất ấn tượng từng chặng đường tính cách, nhận thức và quá trình thay đổi của nhân vật Chân Hoàn.
Đạo diễn rất hài lòng với cách nhập vai của cô, bất kể biểu cảm gương mặt hay ngôn ngữ hình thể, Tôn Lệ đều hoàn thành xuất sắc.
Với vai diễn này, Tôn Lệ đã để lại vai diễn mang đậm dấu ấn trong sự nghiệp của bản thân.
Nhưng đến phần lồng tiếng thì đạo diễn đã quyết định không dùng giọng gốc của Tôn Lệ cho vì lúc đó cô đang mang thai mà vai diễn Chân Hoàn này không những nhiều lời thoại mà cảm xúc nhân vật trong phim cũng thay đổi rất nhiều, thường xuyên phải gào khóc, thậm chí là tuyệt vọng thương tâm.
Nếu để Tôn Lệ lồng tiếng, cảm xúc bị chi phối quá, đạo diễn e ngại sẽ gây hại cho đứa bé trong bụng cô. Chưa kể, hơi của Tôn Lệ cũng yếu không phù hợp với Chân Hoàn ở nửa sau bộ phim.
Lúc này, đạo diễn quyết định mời diễn viên lồng tiếng Lý Quán Lâm lồng tiếng cho Chân Hoàn.
Tuy nhiên, Tôn Lệ vẫn mong muốn được tự thể hiện giọng nói cho vai diễn của mình. Cô đề xuất được thử giọng cùng Lý Quán Lâm và làm vậy thì dù có cảm thấy mình "yếu" hơn thì cô cũng tâm phục.
Khi thấy có sự khác biệt rõ rệt trong giọng nói của 2 người, cuối cùng Tôn Lệ chấp nhận và nhận thấy giọng của Lý Quán Âm mềm mại nhưng rất có lực, rất giỏi bắt chước giọng nói của mình đến mức nhiều người tưởng rằng đây chính là giọng của Tôn Lệ.
Chân Hoàn truyện vẫn được khán giả đón xem hằng năm
Chân Hoàn truyện có bối cảnh trong thời kỳ Ung Chính của triều đại nhà Thanh, tuy là lấy triều đại cụ thể có thật là nhà Thanh nhưng vẫn tuân theo nội dung tiểu thuyết, mà nội dung tiểu thuyết lại đặt trong bối cảnh triều đại hư cấu tưởng tượng.
Cũng vì lý do này, rất nhiều câu thoại và bối cảnh của bộ phim không phù hợp lịch sử, các phi tần cũng như các con cái của Ung Chính không có thật trong lịch sử.
Ngày 30/1/2011, Chân Hoàn truyện chính thức đóng máy trong cảnh quay trên di chỉ mặt băng trong Viên Minh Viên ở Bắc Kinh.
Sau khi tiến hành xử lý số tập thô, từ 90 tập, Trịnh Hiểu Long quyết định giảm xuống còn 76 tập. Và đây là lần đầu tiên đạo diễn Trịnh Hiểu Long thử sức ở dòng phim cổ trang.
Tháng 11 cùng năm, bộ phim Chân Hoàn truyện chính thức bắt đầu quá trình phát sóng.
Sang ngày 26/3/2012, phim bắt đầu được trình chiếu ở các kênh của Thiên Tân, Giang Tây, Thượng Hải cùng An Huy.
Chân Hoàn truyện là bộ phim cung đấu ăn khách nhất trên màn ảnh đại lục năm 2012 và được đánh giá là tác phẩm cổ trang kinh điển của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây.
Bộ phim tạo nên cơn sốt tương tự như Tây du ký (1986) hay Hoàn Châu cách cách (1997).
Chân Hoàn truyện có mặt trong danh sách những bộ phim được khán giả đón xem lại hằng năm.
Tags