Nhìn từ ASEAN Cup 2024: Bóng đá và GDP

Thứ Bảy, 28/12/2024 05:50 GMT+7

Google News

Phản ứng sau thất bại của Indonesia tại ASEAN Cup 2024, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá nước này, tỷ phú Erick Thohir, tuyên bố tầm nhìn của Indonesia đến năm 2045 là Top 50 thế giới và Top 9 châu Á. Cơ sở của tham vọng này đó là kỳ vọng vào GDP bình quân đầu người của quốc gia Vạn đảo sẽ tăng lên khoảng 5 lần sau 20 năm nữa.

1. Việc dùng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) để xây dựng chiến lược hoặc dự báo phát triển thể thao đỉnh cao không có gì đặc biệt. Về cơ bản, các quốc gia của GDP cao thì năng lực của nền thể thao cũng lớn. Nôm na là ngân sách đầu tư hay thu nhập người dân dành cho thể thao nhiều thì thành tích sẽ tự động phát triển. Dù không tuyệt đối tỷ lệ thuận hoàn toàn theo GDP, nhưng phần lớn các quốc gia đứng đầu Olympic đều là những nước giàu.

Còn nhớ sau sau có chiếc HCV lịch sử ở môn cử tạ tại Tokyo 2020, giới học thuật của Philippines đã có những nghiên cứu về mối liên quan giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng thời gian với thành tích đặc biệt này và họ tin rằng đây là một kết quả có thể dự báo được. Vì vậy mà trước Paris 2024, thể thao Philippines dành đến 4 triệu USD để chuẩn bị cho các niềm hy vọng của mình ở Thế vận hội và họ có thêm chiếc HCV khác ở nội dung thể dục dụng cụ.

Nhưng dùng kỳ vọng GDP để tính toán tham vọng vươn tầm bóng đá như ông chủ của bóng đá Indonesia thì lại là câu chuyện khác. Thậm chí, là không thể. Đành rằng các quốc gia giàu vẫn có nền bóng đá mạnh, thậm chí còn khỏa lấp hoàn toàn các bất lợi về dân số, nhưng việc các đội bóng đến từ những nước có GDP thấp vẫn có thành tích cao tại các kỳ World Cup là bình thường. Quốc gia đang là số 1 thế giới về bóng đá Argentina đang có nền kinh tế khủng hoảng, GDP nằm ngoài Top 20 thế giới, là ví dụ.

Cũng không nói đâu xa, từ thập niên 1990 đến nay, Indonesia vươn lên trở thành nền kinh tế số 1 Đông Nam Á nhưng suốt 30 năm qua, bóng đá xứ Vạn đảo chưa từng vô địch khu vực, còn năm ngoái thì mới lần đầu tiên có HCV bóng đá SEA Games kể từ năm 1991.

Niềm đam mê bóng đá của Indonesia thì miễn chê, giải vô địch nội địa của họ khá lâu đời, các tuyến trẻ cũng có thành tích tốt, nhưng lần gần nhất mà Indonesia lọt vào Top 100 FIFA đã cách đây 20 năm (2004). Nghĩa là ở giai đoạn thịnh vượng nhất của nền kinh tế, thì bóng đá Indonesia lại thụt lùi.

Thật ra thì không hẳn là chuyện của bóng đá, mà vì GDP ít có sự liên quan đến từng môn chơi cụ thể, nhất là các môn phụ thuộc nhiều vào đặc tính thể chất của quốc gia, dân tộc. Các quốc gia châu Phi mạnh về điền kinh, bóng đá cũng vì thế.

Mà nỗ lực gần như tuyệt vọng của bóng đá Đông Nam Á cũng từ lý do này. Nói cách khác, có thể xây dựng chiến lược phát triển cho nền thể thao nói chung bằng cách tăng tỷ trọng đầu tư của GDP cho thể thao, thì hợp lý. Tiền đầu tư cho cơ sở vật chất, dinh dưỡng, công nghệ, đào tạo nhân lực… càng nhiều thì càng tốt.

Nhưng với bóng đá, đó là góc nhìn chưa thực tế.

Câu chuyện thể thao: Bóng đá và GDP - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải chú trọng vào công tác đào tạo tài năng trẻ, còn việc sử dụng cầu thủ nhập tịch như Xuân Son chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung. Ảnh: Hoàng Linh

2. Sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Son tại ASEAN Cup 2024 là một sự thay đổi có tính cột mốc với bóng đá Việt Nam. Liệu sự mới mẻ này có đem về danh hiệu Đông Nam Á lần thứ 3 cho chúng ta hay không thì vẫn phải còn chờ, nhưng điều dễ nhận thấy đó là sự vượt trội về thể chất, bao gồm khả năng tì đè, tăng tốc đoạn ngắn, năng lực làm chủ không gian và đặc biệt là tinh thần khao khát trong mỗi bước di chuyển của Xuân Son ở trận đấu đầu tiên. Trên thực tế, Xuân Son không cao lớn hơn đồng đội Tiến Linh, nhưng những tố chất cơ thể khác thì khác biệt và điều đó tạo ra lợi thế không phải bàn cãi. Đó là những gì mà đội tuyển Việt Nam cần khi quyết định sử dụng cầu thủ nhập tịch.

Trong một diễn biến khác, trong bài bình luận về thất bại của Indonesia trước Philippines, đối thủ mà họ bất bại trong 5 lần đối đầu gần nhất, trang bóng đá ESPN cho rằng đội bóng của HLV Shin Tae Yong đã phải trả giá cho sự "ngây thơ" của mình khi đem đến giải một đội bóng trẻ.

Giữa đội tuyển Indonesia đá vòng loại thứ 3 World Cup với Indonesia ở ASEAN Cup "là 2 phiên bản hoàn toàn khác nhau và đó là lý do vì sao bóng đá Đông Nam Á cần phải thay đổi", ESPN nhấn mạnh.

Có thể chưa toàn diện, nhưng những gì đang diễn ra ở ASEAN Cup một lần nữa cho thấy xu hướng sử dụng "ngoại lực" để nâng tầm các đội bóng Đông Nam Á là điều không thể đảo ngược.

Không đâu khác, chính Indonesia là nền bóng đá quyết liệt nhất trong việc thực hiện chính sách nhập tịch cầu thủ. Thực tế là họ có những bước tiến khả quan ở vòng loại World Cup 2026 và đó cũng là niềm cảm hứng để Chủ tịch Thohir của Liên đoàn bóng đá nước này đặt ra tham vọng Top 50 thế giới.

Nhưng câu hỏi đặt ra thì điều này liên quan gì đến GDP quốc gia? Phải chăng một số thông tin cho biết các cầu thủ Indonesia "kiều" chấp nhận về nước thi đấu vì họ nhận một khoản tiền "lót tay" khá lớn để chuyển đổi màu áo, đá cho đội "gốc gác" thay vì đại diện cho nơi họ được sinh ra, là đúng?

3. Đó chính là "bài học Đông Nam Á" như ESPN đã đề cập. Sự khác biệt của một Nguyễn Xuân Son giữa đội tuyển Việt Nam rất dễ nhận thấy, hay sự chênh lệch giữa "đội nội địa" và "đội quốc tế" của Indonesia là rõ ràng. Nhưng những cầu thù nhập tịch nói cho cùng cũng là "tài nguyên có hạn" và không phải cầu thủ nào cũng đủ chất lượng chuyên môn để vào đội tuyển. Singapore là đội tiên phong dùng cầu thủ "ngoại" tại Đông Nam Á nhưng thực tế thì càng đi… càng xa khi nguồn nhân lực không đủ để dùng mãi.

Thế nên bản chất của vấn đề là cần nhìn vào yếu tố đằng sau xu hướng đó, là việc cải thiện thể chất cầu thủ trước khi nói đến chuyện thay đổi chất lượng thi đấu hay nâng tầm đẳng cấp.

Xét ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore thì chính Việt Nam cũng thử nghiệp mô hình cầu thủ nhập tịch khá sớm. Trước đây chúng ta cũng đã từng sử dụng những Đinh Hoàng La, Kesley Huỳnh, Phan Văn Santos…, nhưng các cầu thủ này cũng không chứng minh được khả năng phù hợp với đội tuyển Việt Nam, cũng như không tạo ra được nguồn cảm hứng để thay đổi khâu đào tạo.

Hiện tại chúng ta đang hy vọng Nguyễn Xuân Son sẽ thay đổi điều đó. Không phải là từ Xuân Son mà chúng ta vội vàng nhập tịch thêm nhiều cầu thủ khác, mà cái chính là khơi thông tư duy trong việc đầu tư phát triển thể thao.

Để tránh tình trạng "2 đội tuyển" như của Indonesia hay nỗ lực bất thành hơn 30 năm của Thái Lan, thì xây dựng nội lực vẫn là công việc buộc bóng đá Việt Nam phải làm. Nghĩa là cần phải sử dụng nguồn lực như thế nào để bắt đầu từ khâu đào tạo, phát hiện tài năng, đề cao khoa học thể chất và môi trường chuyên nghiệp để làm sao để có thế hệ cầu thủ to khỏe, tài năng.

Có tính toán được như vậy thì mới nói đến chuyện khi GDP tăng lên thì thành tích bóng đá cũng tăng theo. Bằng không thì cứ phải… chờ thêm nhiều Nguyễn Xuân Son.

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›