“Đóng” karaoke đến bao giờ?

Thứ Sáu, 25/01/2013 07:23 GMT+7

Google News
Trao đổi với PV hôm qua, ông Võ Trọng Nam- Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết theo Chỉ thị 13 của UBND TP.HCM ban hành năm 2012, quận huyện là nơi đề xuất nhu cầu karaoke của địa phương. Chỉ thị này đã giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh dịch vụ kinh doanh karaoke, rà soát việc cấp phép kinh doanh ngành nghề này đối với các cơ sở có dấu hiệu phát sinh tệ nạn xã hội.

“Chỉ thị 13 cũng quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành liên quan. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất số lượng các cơ sở dịch vụ karaoke theo định hướng quy hoạch ngành nghề này của thành phố sau khi nhận đơn xin kinh doanh dịch vụ karaoke của người dân.

Sở VH-TT-DL là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành khác và UBND các quận huyện trình những tham mưu lên UBND TP. Sở cũng phải kiện toàn nhân sự để kiểm tra, xây dựng quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2020. Sau khi xem xét, UBND TP mới ra quyết định quy hoạch karaoke của từng quận huyện, căn cứ trên từng con đường cụ thể, địa chỉ cụ thể.

Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền giá cao để mua giấy phép mở dịch vụ karaoke vì trong thời gian dài từ năm 2005 đến 2012, TP.HCM không cấp thêm giấy phép mới nào cả

Theo định hướng của Sở VH-TT-DL thì trong tương lai, dịch vụ karaoke nên đi vào từng khu vực, không nhỏ lẻ, manh mún, xen kẽ trong khu dân cư ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Karaoke, vũ trường là dịch vụ thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người dân. Chỉ đáng lên án là những người lợi dụng để tạo nên sự biến tướng xoay quanh các hoạt động này.     

Công tác quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho quận huyện nắm rõ nhu cầu địa phương, từ đó quản lý chặt hơn. UBND là nơi có thẩm quyền cao nhất về quy hoạch hoạt động karaoke, vũ trường, Sở là nơi cấp phép, phối hợp thanh kiểm tra với các ban ngành khác”, ông Nam nhấn mạnh.

* Trong dư luận có thông tin do nhu cầu đầu tư kinh doanh dịch vụ karaoke rất cao nhưng giấy phép thì cấp rất ít nên xảy ra chuyện mua bán. Vì sao xảy ra hiện tượng này?

- Việc định hướng phát triển sắp tới của dịch vụ karaoke là càng đi sâu vào hoạt động mang tính bình dân, đậm phong cách gia đình hơn vì chắc chắn không có những tệ nạn xã hội. Sở và các quận, huyện cũng rất ủng hộ mô hình này. Đừng gom chung tệ nạn vào loại hình karaoke vì như thế ảnh hưởng đến những địa điểm kinh doanh nghiêm túc, lành mạnh, đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân.



Karaoke là dịch vụ giải trí chính đáng của người dân - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền giá cao để mua giấy phép mở dịch vụ karaoke vì trong thời gian dài từ năm 2005 đến 2012, TP.HCM không cấp thêm giấy phép mới nào cả. Theo Chỉ thị 17, ngưng cấp phép mới và tiến hành quy hoạch. Nghị định 103 có hiệu lực từ 1.1.2010, cho phép quy hoạch lại ngành nghề karaoke. Cuối năm 2012, TP.HCM mới xem xét vấn đề quy hoạch. Vì sao? Do dịch vụ này có những tệ nạn kèm theo nên không cấp phép mới mà củng cố lại những địa điểm đã có. Do vậy có hiện tượng làm giấy phép giả, xuất hiện đường dây chạy cấp đổi giấy phép, rồi mua bán giấy phép. Thanh tra Sở VH-TT-DL phối hợp cùng công an phát hiện nhiều vụ mua bán bất chính này.

* Nhưng nhu cầu chính đáng của người dân thì nhà nước phải đáp ứng chứ không thể “cái gì không quản lý được thì cấm” mãi, thưa ông?


- Phải có lý do và lộ trình. Lý do phải chính đáng. Sở VH-TT-DL sẽ giải trình với UBND TP việc gia tăng hay giảm đi số lượng các điểm kinh doanh dịch vụ này. Mỗi năm đều có xem xét lại. Từ cuối năm 2013 sẽ cấp phép karaoke trở lại.

* Như vậy “cánh cửa” này vẫn tiếp tục bị hạn chế và trong tương lai liệu rằng TP.HCM có thể xuất hiện những “phố karaoke” như nhiều người đồn đoán?

- Như tôi đã nói, từng quận huyện sẽ đề xuất các điểm kinh doanh theo nhu cầu địa phương. Do vậy sẽ không thể tập trung vào một khu phố hay con đường cụ thể nào cả. Karaoke phải hiểu chức năng chính của nó phải là điểm sáng văn hóa, nơi giải trí lành mạnh. Không nên xem dịch vụ này là nơi tập trung tệ nạn xã hội hay kinh doanh mang yếu tố nhạy cảm vào để dễ quản lý.

Theo Đỗ Tuấn

Thanh Niên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›