(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện một đột biến trong biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 khiến cho biến thể này trở nên nguy hiểm hơn.
Theo nhóm các nhà khoa học này, sự nguy hiểm của biến thể Delta có thể xuất phát từ đột biến P681R xảy ra ở protein gai, cấu trúc ở bề mặt để virus bám vào tế bào của con người.
Đột biến P681R khiến các tế bào bị nhiễm hình thành các đốm tròn ở phổi và dẫn tới các triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người bệnh. Nếu các tế bào ở các đốm tròn này chết đi, các mô phổi có thể dễ bị tổn hại nghiêm trọng hơn.
Để tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của đột biến P681R, các nhà khoa học Nhật Bản đã cho biến thể Delta lây lan vào các tế bào đã được chuẩn bị cho thí nghiệm.
Họ phát hiện các tế bào này bị dính vào nhau và hình thành nên các đốm tròn ở phổi có kích thước lớn gấp 3,6 lần so với kích thước trung bình của các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2. Các con chuột thí nghiệm nhiễm biến thể Delta đã sụt cân nhanh hơn và bị viêm phổi nặng hơn so với các con chuột khác nhiễm virus chủng gốc.
Để đánh dấu chính xác đột biến trên, các nhà khoa học Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn các virus có các đặc điểm của virus chủng gốc và bổ sung thêm đột biến P681R. Họ đã phát hiện ra rằng khi các tế bào nhiễm virus có chứa đột biến P681R, chúng tạo ra các đốm tròn lớn giống như trong các thí nghiệm với biến thể Delta.
Chuột thí nghiệm nhiễm các virus có đột biến này cũng bị sụt cân và có các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở phối, giống như các thí nghiệm với chuột nhiễm biến thể Delta.
Phó Giáo sư Kei Sato của Viện Y học, Đại học Tokyo, một trong các nhà khoa học tham gia công trình nghiên cứu trên, cho rằng nghiên cứu tập trung vào đột biến P681R này đã lý giải được ít nhất một phần vì sao biến thể Delta gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Đào Thanh Tùng/TTXVN
Tags