(Thethaovanhoa.vn) - Trong bài phát biểu trước 2.000 người tại Hà Nội trưa nay, 24/5, Tổng thống Mỹ Obama có nhắc đến chi tiết hơn 200 năm trước, ông Thomas Jefferson của nước Mỹ tìm đến những giống gạo của Việt Nam, những giống gạo trắng ngon và năng suất cao.
- VIDEO Nghe lại toàn văn bài diễn thuyết của Tổng thống Obama
- 'Lãnh đạo - Phong cách Barack Obama': Những cuốn sách theo dấu sự kiện
Tổng thống Mỹ Obama phát biểu nhắc đến chuyện ông Thomas Jefferson của nước Mỹ tìm đến những giống gạo của Việt Nam
Chi tiết này nhắc đến một chương đặc biệt trong lịch sử liên quan đến mối quan hệ giữa hai nước. Vậy câu chuyện về ông Thomas Jefferson của nước Mỹ tìm đến những giống gạo của Việt Nam như thế nào?
Theo bài viết trên báo Dân Việt, cách đây 200 năm, người Mỹ đã quan tâm đến hạt gạo Việt.
Theo nhiều tài liệu hiện còn lưu trữ tại Mỹ, vào tháng 7.1787, Thomas Jefferson, khi ấy đang là đại diện của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Pháp đã viết thư về nước bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thông tin về tình hình nông nghiệp ở vùng đất phía nam Việt Nam.
Ông Thomas Jefferson, Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳtừ năm 1801. Ảnh wiki
Ông Thomas Jefferson đã liên hệ với con trai của Nguyễn Ánh là Hoàng tử Cảnh, khi ấy đang có mặt ở Pháp, mang đến cho ông ta một số hạt giống lúa của Việt Nam. Đây có thể là thông tin sớm nhất về sự quan tâm của người Mỹ tới Việt Nam.
Năm 1801, Thomas Jefferson trở thành Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ. Không hiểu có liên quan gì tới sự quan tâm trước đây của vị tân tổng thống đối với vùng đất phía nam của Việt Nam mà ngay năm sau thương thuyền Frame do thuyền trưởng Jeremiah Brigg chỉ huy đã được phái sang Việt Nam để thu thập tin tức về hạt lúa Việt và tìm hiểu về nguồn cung ứng đường và cà phê cho thị trường Mỹ.
Tàu Frame đến cảng Đà Nẵng ngày 21.5.1803. Tại đây thuyền trưởng Brigg đã gặp 2 chiến hạm của Hải quân triều Nguyễn do người Pháp chỉ huy. Họ khuyên Brigg nên đến Huế để yết kiến Vua Gia Long, nhưng tại đây viên thuyền trưởng Mỹ chỉ được gặp người đại diện của triều Nguyễn và một số cha cố, sĩ quan Hải quân Pháp đang phục vụ Vua Gia Long.
Sau khi thu thập được một số thông tin, tàu Frame rời Việt Nam đi Manila vào ngày 10.6.1803. Đây là chiếc tàu Mỹ đầu tiên đến Việt Nam.
Phải mất 16 năm sau mới có chiếc tàu Mỹ thứ hai đến Việt Nam cũng với mục đích tìm nguồn cung ứng nông sản. Đó là tàu Franklin do thuyền trưởng John White chỉ huy. Ngày 2.1.1819, tàu Franlin cập cảng Vũng Tàu. J. White đã có cuộc tiếp xúc với quan chức địa phương và được hứa là sẽ cấp giấy phép cho vào Sài Gòn. Nhưng chờ mãi không thấy có hồi âm.
Một quan chức địa phương nói rằng phải có giấy phép của triều đình thì tàu ngoại quốc mới được phép vào Sài Gòn. J. White quyết định đến Huế để trực tiếp yết kiến hoàng đế. Nhưng tiếc thay khi ấy Hoàng đế Gia Long đang tuần du ở Bắc Hà nên dự định của J. White không thực hiện được. Viên thuyền trưởng quyết định đưa thuyền đến Manila, hy vọng ở đây sẽ tìm ra được người có thể phiên dịch tiếng Việt rồi sẽ quay trở lại Việt Nam.
Sau khi tàu Franklin rời Việt Nam còn có 3 tàu buôn khác của Mỹ là Marmion, Aurora và Beverli ghé cảng Vũng Tàu và Đà Nẵng với cùng mục đích nhưng tất cả đều thất bại.
Cho đến nay, lúa gạo Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách những mặt hàng được xuất khẩu và ưa chuộng tại Mỹ.
Cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton là người truyền tải thông điệp “ngoại giao hạt gạo” với Việt Nam.
Tháng 11.2000, trong lần thăm Việt Nam khi đang là Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton đã nhắc lại câu chuyện hạt gạo này. Trong bài nói chuyện với sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Tổng thống Mỹ B. Clinton nhắc lại: "Hai thế kỷ trước, trong những ngày đầu của Hợp chủng quốc, chúng tôi đã vươn qua biển cả để tìm bạn hàng và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên chúng tôi gặp. Một trong những bậc cha anh lập quốc của chúng tôi - Thomas Jefferson, đã tìm cách nhập gạo giống từ Việt Nam để trồng tại trang trại của ông ta ở Virginia 200 năm trước”.
Rõ ràng, nội dung phát biểu của B.Clinton, và gần nhất là của Tổng thống Obama rất có lợi cho việc quảng bá lúa gạo Việt Nam, nó tạo ra sự liên tưởng đầy thú vị và hấp dẫn về “con đường lúa gạo Việt Nam”.
Theo Hạ Anh (Dân Việt)
Tags