(Thethaovanhoa.vn) - Không gian phá cách (alternative space) là khái niệm để chỉ những nơi có hình thức hoạt động khác với các không gian mang tính truyền thống của các tổ chức công lập, các bảo tàng, các định chế văn hóa công cộng, các không gian thương mại, giải trí chuyên nghiệp. Nương theo khái niệm này, dù chưa hoàn toàn tương thích, TP.HCM hiện nay có gần 50 không gian văn hóa - sáng tạo “phá cách”, hoạt động thường xuyên, trong đó nổi trội lên chừng 9-10 không gian, tuy còn hơi ít, nhưng cũng đáng để kể.
Các không gian văn hóa sáng tạo nổi bật của TP.HCM hiện nay có thể kể đến như Salon Saigon, A.Farm, Sàn Art Laboratory, The Factory Contemporary Arts Centre (thường gọi The Factory), Salon văn hóa cà phê thứ Bảy (thường gọi Cà phê thứ Bảy), Saigon Outcast, MoTplus, Đường sách TP.HCM (thường gọi Đường sách)…
Các không gian “phá cách” này còn khác các mô hình theo kiểu truyền thống ở tinh thần “giải chấp”, không cứng nhắc, vì vậy thường gần với sự sáng tạo, đổi mới, cách tân. Giữa “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh” - tạm gọi thế, các không gian phá cách thường “vị nghệ thuật” nhiều hơn, thường thiên về các sự kiện, tác phẩm có hàm lượng sáng tạo và văn hóa nhiều hơn, không đặt nặng chuyện giải trí, doanh thu.
Thiên về sáng tạo
Tuy các nước trong Đông Nam Á đã thông thương về đi lại và nhiều điều khác, nhưng với văn chương thì vẫn còn khá ít thông tin với nhau, gần như nước nào biết văn nước ấy. Vậy mà A.Farm đã “lùng” ra được Maung Day, một thi sĩ trẻ người Myanmar để mời sang lưu trú sáng tác nhiều tháng tại TP.HCM. Trong thời gian lưu trú, Maung Day cũng đã có vài buổi gặp gỡ công chúng, giao lưu, đọc thơ và bàn chuyện dịch thuật.
Ví dụ đơn cử này cho thấy tiêu chí thiên về sáng tạo của A.Farm, một không gian nằm xa trung tâm thành phố, thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12. Nơi này dung chứa nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, chú trọng vào các thể nghiệm, cách tân, nên thu hút được các nghệ sĩ và công chúng thích đổi mới.
Đành rằng không gian sáng tạo nào cũng có trưng bày, giới thiệu và ngược lại, nhưng thiên nhiều về nhiệm trú làm việc, sáng tạo, nghiên cứu như A.Farm thì TP.HCM còn có Sàn Art Laboratory (quận 4), The Factory (quận 2)… Hai nơi này, bên cạnh trưng bày, triển lãm vốn là thế mạnh, họ luôn ưu tiên cho những công việc có tính chiều sâu và riêng tư của từng nghệ sĩ. Nhưng vì nhiều lý do, gần đây Sàn Art Laboratory đang phải giới hạn lại các hoạt động của mình, quả là điều đáng tiếc.
“Nghệ thuật đương đại không chỉ đơn thuần phi lợi nhuận. Từ lâu nay, các liên hoan nghệ thuật đương đại lớn trong khu vực và trên thế giới đều đã trở thành điểm đến có giá trị văn hóa và thẩm mỹ của du khách quốc tế, giúp nâng cấp hình ảnh của các quốc gia chủ nhà. Trong khi đó ở Việt Nam, hoạt động này vẫn chưa thoát khỏi được những vướng mắc về giấy tờ, thủ tục hành chính…” - trên báo Nhân dân, nhà nghiên cứu Đào Mai Trang từng nhận định về điều này.
The Factory có diện tích hơn 1.000 mét vuông, được xây dựng với thiết kế cho một không gian đương đại chuyên nghiệp, nên khá phù hợp với các trưng bày của các tác phẩm đương đại. Bên cạnh đó, nơi đây càng chú trọng hơn tới việc đầu tư cho sáng tạo, nghiên cứu.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng The Factory là một trung tâm nghệ thuật ưu tiên cho việc giáo dục, không phải chỗ để đến cho vui, hoặc để chụp hình tự sướng” - đại diện của The Factory cho biết - “Với mỗi sự kiện hoặc triển lãm, người xem chỉ phải mua vé một lần, giữ vé đó có thể quay lại xem bất cứ lúc nào trong thời gian diễn ra sự kiện hoặc triển lãm đó. Theo ước tính, tuy tiền vé mỗi tháng chỉ đủ trả tiền điện nước cho không gian, nhưng sẽ giúp chúng tôi sàng lọc được khách hàng thực sự quan tâm và thích chia sẻ. Đây cũng là khởi đầu cho việc mua vé tham quan mỹ thuật là đương nhiên, nhằm giáo dục ý thức của cộng đồng rằng nghệ sĩ và không gian sáng tạo cũng cần phải sống như mọi ngành nghề khác”.
Giám tuyển Lê Thiên Bảo nhận định: “Theo tôi, hiện nay mô hình hoạt động của các không gian sáng tạo, nghiên cứu và trưng bày ở TP.HCM khá đa dạng, có cá tính riêng biệt. Mỗi một nơi có chiến lược sinh tồn khác nhau, chủ yếu do tư nhân tự mở và tự vận hành, vì nguồn quỹ vào TP.HCM là không nhiều. Nhìn bề ngoài có vẻ hời hợt, nhưng thực ra TP.HCM coi trọng và ủng hộ nghệ thuật đương đại nhiều hơn, đang được thời, nên thu hút được nhiều nghệ sĩ đương đại ở Hà Nội và các vùng miền khác vào đây tìm cơ hội, lưu trú sáng tác, trưng bày. Về khán giả, tuy có giao thoa, nhưng phần lớn không trùng lặp, mỗi không gian có một đặc thù riêng”.
Thiên về giới thiệu
Khái niệm giới thiệu ở đây bao gồm cả triển lãm, trưng bày, biểu diễn và giao lưu, trò chuyện… Đi đầu về mô hình có tính đại chúng là Đường sách TP.HCM (quận 1), khi mà năm 2018 đã thu hút khoảng 2,7 triệu lượt khách, so với năm 2016 là 1,5 triệu lượt, tăng trưởng đáng kể.
Tuy đây là một không gian công lập, nhưng điều lý thú là hoạt động y như các không gian tư nhân, nghĩa là rất linh hoạt, cởi mở. Ví dụ năm 2018 họ thực hiện 15 hoạt động theo chủ đề, 20 hoạt động trưng bày-triển lãm, hơn 170 sự kiện giới thiệu sách mới, giao lưu..., thì phần lớn trong này do tư nhân chủ động đăng ký thực hiện. Đường sách TP.HCM trở thành một không gian mở, để ai muốn làm thì có thể đến đăng ký, họ tự làm rất ít, vì vậy mà đa dạng, có chất lượng.
Về mặt trình diễn, đặc biệt lĩnh vực âm nhạc thể nghiệm, nhạc đương đại và cách thu hút khán giả nước ngoài, thì Saigon Outcast (quận 2) và MoTplus (quận Bình Thạnh) vẫn đang đi đầu. Trong nhiều năm qua, hai nơi này đã tổ chức hàng ngàn sự kiện, mời gọi hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi quốc tế đến biểu diễn, thu hút vài chục ngàn lượt khán giả. Thậm chí trong suy nghĩ của nhiều người hiện nay, muốn tìm xem các thể nghiệm trình diễn nghệ thuật, thì cứ đến MoTplus.
Sâu lắng và chuyên biệt hơn về hàn lâm, Cà phê thứ Bảy (quận 3) là địa chỉ đi đầu. Chủ trương nơi đây ưu tiên mời các nghệ sĩ hàng đầu, các chuyên gia đã định danh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị, xã hội, kinh tế… để chia sẻ những vấn đề hẹp. Bắt đầu từ tháng 5/2009, hơn 10 năm qua Cà phê thứ Bảy (nhiều cơ sở trên cả nước) đã tổ chức hàng ngàn buổi giao lưu, trò chuyện như vậy. Mô hình này được Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 11 cho hạng mục vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục.
Mấy năm gần đây có thêm Salon Saigon (quận 3) cũng hoạt động có tiêu chí hàn lâm tương tự như Cà phê thứ Bảy, nhưng nơi này thường bán vé cho khách tham dự, giá vé có tính cách tượng trưng.
Dấu chỉ quan trọng cho sự phát triển văn hóa Theo các nghiên cứu về xã hội học văn hóa và nghệ thuật trên thế giới, các không gian “phá cách” (alternative space) luôn là một dấu chỉ quan trọng cho việc phát triển văn hóa, nghệ thuật. Những thành phố hoặc quốc gia nào có nhiều các không gian “phá cách” tạo được các dấu ấn đặc trưng, thì nơi đó sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. |
The Factory khởi đầu cho việc khán giả mua vé tham quan mỹ thuật là đương nhiên, nhằm giáo dục ý thức của cộng đồng rằng nghệ sĩ và không gian sáng tạo cũng cần phải sống như mọi ngành nghề khác. |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Tags