Nhạc sĩ Quốc Dũng: Không đủ can đảm để viết nhạc thị trường

Thứ Tư, 03/10/2012 14:31 GMT+7

Google News


(TT&VH) - Nhạc sĩ Quốc Dũng thời gian gần đây lại xuất hiện trên báo chí, nhưng mọi người phỏng vấn anh về chuyện Bảo Yến và các huấn luyện viên chương trình The Voice (Giọng hát Việt). Còn việc anh vừa xuất bản Tuyển tập hồi ký âm nhạc qua 100 ca khúc của mình thì ít ai chú ý. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Dũng nhân sự kiện này…

Nhạc sĩ Quốc Dũng được công chúng biết đến qua các ca khúc như: Quê hương tình yêu và tuổi trẻ, Mai, Nỗi đau ngọt ngào, Em đã thấy mùa Xuân chưa?, Đường xưa, Hoang vắng… Anh được xem là thế hệ kế tiếp những Nguyễn Trung Cang, Lệ Hựu Hà… - những người khơi dòng cho trào lưu sáng tác “nhạc trẻ” Sài Gòn trước đây.

Sau ngày giải phóng, nhạc sĩ Quốc Dũng làm hòa âm, nhạc công tại Đài Truyền hình TP.HCM. Một thời gian sau, anh phụ trách phần ca nhạc trong các đoàn tư nhân như: Kim Cương, Bông hồng (kịch), Tuổi trẻ (xiếc), Hương miền Nam (múa)…

Từ năm 1982, anh làm hòa âm, chỉ huy ban nhạc tại tụ điểm ca nhạc quận 10 (TP.HCM). Từ 1994 anh lưu diễn nhiều nước ở châu Âu rồi lui về làm phòng thu.

Năm ngoái (2011) đúng 60 tuổi, Quốc Dũng tuyên bố “gác kiếm” và bắt tay làm Tuyển tập hồi ký âm nhạc qua 100 ca khúc như một kỷ niệm nghề nghiệp của mình. Tuyển tập do NXB Thanh niên phát hành vào tháng 9/2012 cùng thời điểm “bà xã” Bảo Yến của anh có những phát biểu liên quan đến một số ca sĩ làm xôn xao dư luận.

50% ca khúc là từ những cuộc tình

* Anh có thể nói đôi điều về tuyển tập ca khúc vừa phát hành của mình?

- Tôi có chia sẻ với bạn bè là bước qua 60 tuổi sẽ “gác kiếm”. Nhiều người gợi ý là nên viết một hồi ký âm nhạc hoặc làm một tuyển tập những sáng tác của mình. Tôi dung hòa cả hai điều này, làm một tuyển tập đồng thời như một hồi ký âm nhạc, bởi trước mỗi ca khúc đều có phần giới thiệu bối cảnh ra đời, kỷ niệm hoặc tâm trạng khi viết ca khúc đó. Tuyển tập gồm 100 ca khúc tiêu biểu của tôi, nó được chọn trong số hơn 150 ca khúc mà tôi đã sáng tác.

* Trong tuyển tập này có khá nhiều tình khúc, nó có gắn liền với những “bóng hồng” hay chỉ là những cuộc tình… tưởng tượng?

- Trong số 100 ca khúc này có khoảng một nửa là xuất phát từ những cuộc tình. Nó là những cảm xúc từ “người thật việc thật”. Nhưng trong phần giới thiệu ở mỗi ca khúc, tôi cũng không nêu tên cụ thể. Bởi những nhân vật này hiện họ có một cuộc sống yên ổn với gia đình, sự nghiệp, hãy để tất cả chỉ như những kỷ niệm trong lòng.

* Trong đó ca khúc Mai khá nổi tiếng của anh là từ cuộc tình với một cô gái tên Mai?

- Đúng là bài Mai tôi viết cho một cuộc tình với cô gái tên Mai, nhưng tôi có nhiều người bạn gái tên Mai, nên mọi người không biết cụ thể là cô Mai nào, chỉ những người rất thân mới có thể biết được. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một cuộc tình nhẹ nhàng, không sâu đậm lắm, bởi lúc đó tôi còn khá trẻ mới 21 tuổi.

* Những tình khúc của anh trong tuyển tập này có nét gì đặc biệt so với tình khúc hiện nay?

- Phải nói đó là những ca khúc về tình yêu cao thượng, vị tha. Ca từ không hề có những từ hàm ý trách móc, oán hận. Chỉ duy nhất có một ca khúc trách móc, nhưng đó là trách móc chính trái tim của mình - ca khúc Trái tim tội lỗi.

Nhạc thị trường có “gu” thẩm mỹ quá thấp

* Những ca khúc của anh cũng có “e” rất trẻ, nhưng tại sao giới trẻ hiện nay lại ít hát nhạc của anh?

- Tôi nghĩ ca khúc của mình không phù hợp với trào lưu thời đại nữa, không riêng gì tôi mà các nhạc sĩ cùng thế hệ với tôi cũng thế, giới trẻ hiện nay ít hát.

* Anh nghĩ gì về cái mà anh gọi là “trào lưu thời đại”?

- Ca khúc hiện nay tiết tấu dày đặc, chuyển động nhanh hơn, nhưng giai điệu âm nhạc và ca từ thì ít chất thơ. Hầu như ngoài đời nói chuyện như thế nào thì ca từ trong âm nhạc như thế. Ý tưởng nội dung gần như giống nhau đến 90%. “Kịch bản” tình yêu quá đơn điệu: yêu nhau, hờn giận trách móc (có khi oán hận), chia ly, đau khổ…

* Theo anh, các nhạc sĩ có tài, dù thuộc thế hệ trước, họ có thể cập nhật âm nhạc của giới trẻ hiện nay và viết nội dung phản ánh tâm cảm của giới trẻ thì giới trẻ sẽ đón nhận chứ?

- Không phải những người như chúng tôi không cập nhật, với tôi (và có lẽ nhiều người như thế) vấn đề là do mình không thích viết, bởi viết kiểu như chúng tôi thì thị trường không chấp nhận, còn viết theo thị trường thì chúng tôi không đủ can đảm để viết. Nếu ca khúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trong thời điểm hiện nay chứ không phải 40-50 năm về trước có lẽ nhạc của ông cũng không có “đầu ra”.

* Vậy anh có tiên liệu gì về ca khúc thị trường trong tương lai?

- Nhạc bây giờ phần nhiều viết cho khán giả có “gu” thẩm mỹ quá thấp, ca khúc không có sức sống, tự thân nó nói lên tất cả. Nhưng tôi tin, một thời gian nữa lớp trẻ sẽ có sự thay đổi cách nghe nhạc theo chiều hướng tích cực.

* Là một trong vài nhạc sĩ phối khí thuộc hàng đầu trước đây, anh nhìn nhận thế nào về những gương mặt phối khí trẻ nổi trội hiện nay?

- Tôi thấy giới trẻ hiện nay có nhiều cái hay bất ngờ, nhưng bên cạnh đó cũng có những cái dở… ngạc nhiên. Hay nói đúng hơn là thiếu căn bản. Với tôi, để đánh giá cao một người hòa âm là xem họ có bài nào hòa âm dở hay không.

* Thời anh còn hoạt động, thập niên 1980-1990 ca sĩ cũng chạy show dữ lắm, nhưng theo anh, tình hình ngày xưa và hiện nay khác nhau căn bản là gì?

- Ngày xưa chạy show nhiều vì hát một nơi thì không đủ sống, thời nay hát show đôi lúc dư giả ca sĩ vẫn chạy show. Đặc biệt, giá vé ngày xưa có cơ quan quản lý khống chế theo quy định, còn ngày nay thì thả nổi, bầu show, phòng trà, muốn bán vé giá bao nhiêu cũng được, miễn là có người chấp nhận mua.

Ngày xưa sự nổi tiếng của ca sĩ dựa vào thực lực là chính, nhưng ngày nay nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố lăng-xê. Điều này có mặt trái của nó là có khi chất lượng không tương xứng với tên tuổi mà họ có được.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Bình Minh (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›